Vào tháng 3/2023, bảy năm sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, Saudi Arabia và Iran đã đồng ý mở lại các đại sứ quán của họ. Theo Tiến sĩ Khoa học Chính trị Nikolai Surkov, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, quyết định này mở ra khả năng giảm căng thẳng ở Vùng Vịnh và về lâu dài là ở toàn bộ khu vực Trung Đông.
Đáng chú ý, ông Surkov cho rằng hai bên đều nêu rõ cần tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Điều này có thể đòi hỏi không chỉ việc mở lại các cơ quan đại diện ngoại giao mà còn là sự sẵn sàng khôi phục lòng tin thông qua cam kết không tiến hành các hoạt động lật đổ lẫn nhau. Trước đó, Saudi Arabia nghi ngờ Iran hỗ trợ các tổ chức người Shia ở Anh, trong khi Tehran cáo buộc Riyadh tiến hành một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn và tài trợ cho phe đối lập.
Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Saudi Arabia đã mời Tổng thống Iran đến thăm vương quốc này. Đây là một động thái mang tính biểu tượng nhằm xác nhận ý định hòa bình, đồng thời là bằng chứng nữa về thiện chí tiếp tục đối thoại. Về phần mình, Iran đã đồng ý giúp giải quyết cuộc xung đột ở Yemen, nơi họ ủng hộ phong trào Ansar Allah đã chiến đấu chống lại người Saudi kể từ năm 2015.
Nói cách khác, với những động thái trên, chúng ta có thể hy vọng giảm leo thang căng thẳng không chỉ ở Vùng Vịnh mà còn ở phía Nam bán đảo Arab. Nếu không có sự ổn định ở Yemen, an ninh trực tiếp của Saudi Arabia sẽ không bao giờ được đảm bảo, cũng như môi trường đầu tư sẽ không được cải thiện. Xét cho cùng, Saudi Arabia đang hy vọng sẽ thu hút hàng tỷ USD trong các dự án phát triển lớn khi dự kiến xây dựng các thành phố mới trong tương lai của họ.
Quyết định của Saudi Arabia khởi động lại quan hệ ngoại giao với Iran được thực hiện trước các bước tương tự từ phía hai chế độ quân chủ vùng Vịnh khác - UAE và Kuwait. Nói cách khác, đây là một phần của xu hướng khu vực, theo đó các chế độ quân chủ Arab bắt đầu từ bỏ chính sách “gây áp lực tối đa” đối với Iran do Mỹ và Israel thúc đẩy, thay vào đó tìm cách đồng ý chung sống hòa bình.
Lợi ích của thỏa thuận
Thoạt nhìn, việc mở lại các đại sứ quán có vẻ là một bước kỹ thuật không mấy quan trọng. Nhưng điều này trên thực tế sẽ giúp giảm bớt căng thẳng ở vùng Vịnh. Với việc mở lại các cơ quan ngoại giao, hai bên sẽ có các kênh liên lạc trực tiếp để tiến hành các cuộc đối thoại cũng như tăng tính minh bạch.
Đối với Saudi Arabia, hòa hoãn với Iran là cơ hội để họ tái tập trung vào các chương trình phát triển của chính mình, chú trọng nhiều nguồn lực hơn vào việc thực hiện các chương trình này. Ngược lại, Iran cũng quan tâm đến việc giảm căng thẳng. Tehran có thể đã học được cách tồn tại dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng sự phát triển kinh tế của Iran đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế tiếp cận đầu tư và công nghệ. Nếu không có tăng trưởng kinh tế thì gần như không thể duy trì ổn định xã hội. Sự mất giá thường xuyên của đồng rial, vốn đã giảm một nửa so với đồng USD kể từ khi nổ ra những cuộc biểu tình vào tháng 9/2022, là một dấu hiệu rõ ràng về tình hình kinh tế đầy thách thức của nước này.
Trong trung hạn, việc giảm leo thang quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đi kèm với triển vọng hợp tác kinh tế mới có thể góp phần tạo ra một cấu trúc an ninh mới ở vùng Vịnh, trong đó hình thành nhiều cơ chế khác nhau để kiểm soát các hoạt động quân sự và trao đổi thông tin.
Vai trò mới của Trung Quốc
Sự tham gia của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng, vì Bắc Kinh có mối quan hệ gần gũi và đặc biệt là dựa trên lòng tin với cả Tehran và Riyadh. Cho đến gần đây, Trung Quốc vẫn kiên định với công thức “ổn định thông qua phát triển”, hàm ý tập trung vào thương mại và đầu tư. Điều này có thể là một nhân tố quan trọng giúp Bắc Kinh trở thành nhà mối giới ở Trung Đông.
Ngược lại, đối với Trung Quốc, môi giới thành công các cuộc tham vấn giữa Saudi Arabia và Iran là cơ hội tốt để thể hiện ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của mình, bởi vì Bắc Kinh có thể giải quyết một vấn đề nằm ngoài tầm với của các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu. Điều quan trọng hơn đối với Trung Quốc là việc họ có thể tạo ra các điều kiện tiên quyết để giảm căng thẳng trong khu vực.
Đối với các quốc gia ở Trung Đông và toàn thế giới, Trung Quốc cũng đã chứng minh rằng họ có thể là một sự thay thế khả thi cho Mỹ không chỉ về năng lượng, thương mại hay công nghệ mà còn trong việc giải quyết các vấn đề an ninh.
Một thực tế nữa là thành công của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh lợi ích của Mỹ ở Trung Đông đang giảm sút. Trong con mắt của dư luận khu vực, điều này phần nào phủ bóng đen lên uy tín của Mỹ với tư cách là nhà bảo đảm truyền thống cho sự ổn định của vùng Vịnh, vốn đã bị ảnh hưởng do Mỹ vội vã rút quân khỏi Afghanistan và không có khả năng bảo vệ Saudi Arabia trước các cuộc tấn công tên lửa của Yemen.
Tuy nhiên, không nên cho rằng cuối cùng Mỹ sẽ mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Trung Đông. Liên minh chiến lược giữa Washington và Riyadh vẫn khá bền chặt, ít nhất là trong trung hạn. Mặt khác, việc khôi phục quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran hoàn toàn có lợi cho Mỹ vì nó giúp Washington - ít nhất là trong thời điểm hiện tại - không cần phải tiêu tốn các nguồn lực để đảm bảo an ninh cho đồng minh chủ chốt của mình ở Trung Đông. Hơn nữa, Washington thừa nhận rằng về nguyên tắc, Mỹ không thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Riyadh và Tehran, vì chính quyền Biden không có đủ niềm tin từ cả hai bên.
Tương lai của thỏa thuận Saudi Arabia-Iran
Mặc dù vậy, chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu Trung Quốc có đủ sức mạnh kinh tế để đóng vai trò là nhà trung gian và bảo đảm hiệu quả cho các thỏa thuận đã đạt được hay không. Trung Quốc đã đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả, nhưng giờ đây nước này cần phải đảm bảo việc thực thi các thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran.
Cần lưu ý rằng, theo quan điểm của giới lãnh đạo các quốc gia Arập: Iran có chính sách khu vực theo chủ nghĩa gia tăng ảnh hưởng, mở rộng chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và chương trình máy bay không người lái. Nếu không giải quyết được tất cả những vấn đề này, việc dàn xếp và bình thường hóa thực sự khó có thể xảy ra. Đây sẽ là thách thức chính đối với Trung Quốc với vai trò trung gian hòa giải.
Đối với các chế độ quân chủ Arập, việc điều chỉnh chính sách khu vực của Iran và hạn chế các hoạt động của nước này ở bên ngoài là chìa khóa để giải quyết bất đồng. Do đó, phép thử đầu tiên đối với thỏa thuận Saudi Arabia-Iran sẽ là nỗ lực của cả hai bên trong việc đóng băng (nếu không giải quyết được) cuộc xung đột ở Yemen, và sau đó sẽ đến lượt các trường hợp phức tạp hơn, chẳng hạn như ở Iraq, Liban và Syria.