Theo bình luận của kênh CNN ngày 19/1, khi Ukraine tìm cách duy trì sự hỗ trợ quốc tế trong bối cảnh cuộc xung đột của nước này với Nga chuẩn bị bước sang năm thứ ba, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói rõ rằng một quốc gia mà ông muốn tham gia nỗ lực hòa bình của Kiev: Trung Quốc.
Việc tăng áp lực lên Bắc Kinh - đối tác quan trọng nhất của Moskva - dường như là chủ đề thảo luận chính của Tổng thống Zelensky và các quan chức khác trong tuần này tại cuộc họp của "giới thượng lưu" toàn cầu nhân Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
Ở đó, Tổng thống Zelensky nói với các phóng viên rằng ông “rất muốn Trung Quốc tham gia” vào kế hoạch hòa bình của Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước này muốn tiếp xúc nhiều hơn với Trung Quốc ở “mọi cấp độ”, hãng Interfax-Ukraine đưa tin, trong khi Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine để ngỏ khả năng ông Zelensky thậm chí có thể gặp quan chức hàng đầu của Trung Quốc bên lề cuộc họp ở Davos.
Nhưng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã rời Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuần này mà không gặp ông Zelensky – và không trực tiếp đề cập đến cuộc xung đột Nga - Ukraine trong bài phát biểu dài khoảng 25 phút, mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc trấn an về nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái của Trung Quốc.
Ngay cả khi các quan chức Trung Quốc năm ngoái đã tăng cường nỗ lực thể hiện nước này là một nhà môi giới hòa bình tiềm năng cho cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng Bắc Kinh coi bây giờ là thời điểm để tận dụng các mối quan hệ sâu sắc và ngày càng tăng với Nga nhằm tăng cường thúc đẩy kết thúc cuộc chiến - đặc biệt là theo các điều kiện của Ukraine.
“Trung Quốc cho rằng họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng tới hòa bình, nhưng đó chỉ là phiên bản hòa bình của Trung Quốc, chứ không phải là các điều khoản hòa bình của Tổng thống Zelensky", Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington cho biết.
Năm ngoái, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Tổng thống Zelensky lần đầu tiên khoảng 14 tháng sau khi xung đột nổ ra, Bắc Kinh đã cử một đặc phái viên tới cả Kiev và Moskva. Họ cũng đã đưa ra đề xuất hòa bình của riêng mình, không giống như yêu cầu của Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng, các sự kiện mới nhất tại Davos làm nổi bật cách tiếp cận chờ đợi của Trung Quốc trước khi đưa ra bất kỳ nỗ lực nào nữa nhằm kết thúc cuộc chiến, trong bối cảnh giao tranh vẫn bế tắc và không bên nào có dấu hiệu lùi bước, cũng như cuộc xung đột lớn ở Trung Đông đang thu hút sự chú ý toàn cầu.
“Trung Quốc trước đây có thể muốn hòa giải vì không muốn Nga thất bại. Nhưng giờ đây, mặt trận đó đã bớt lo lắng hơn. Hiện Mỹ đang bị phân tâm bởi Gaza và các nguồn lực dành cho Ukraine ngày càng hạn chế, mọi thứ đã chuyển sang hướng có lợi cho Nga. Thậm chí còn có ít lý do hơn để Trung Quốc thúc đẩy một nền hòa bình như phương Tây và Ukraine đang thúc đẩy. Trung Quốc có nhiều động lực hơn để quan sát quá trình phát triển trên chiến trường sẽ diễn ra như thế nào, điều này sẽ tạo nền tảng cho bất kỳ cuộc đàm phán (hòa bình) trong tương lai”, chuyên gia Sun nói.
Trung Quốc hướng đến cuộc xung đột ở Gaza
Trong khi ông Lý Cường tập trung vào nền kinh tế ở Davos thì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại tập trung vào Gaza vào đầu tuần này.
Tại Cairo, trong khuôn khổ chuyến đi đầu tiên trong năm theo thông lệ tới châu Phi, ông Vương Nghị đã đưa ra tuyên bố chung với Liên đoàn Arab kêu gọi “lệnh ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện” ở Gaza để chấm dứt hơn ba tháng xung đột Israel - Hamas, lặp lại lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến.
Ông Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc kêu gọi triệu tập một “hội nghị hòa bình quốc tế quy mô lớn hơn, có thẩm quyền hơn và hiệu quả hơn” cũng như thời gian biểu cụ thể để thực hiện giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.
Mặc dù không rõ Trung Quốc có ảnh hưởng đến mức nào trong khu vực để đóng vai trò mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực như vậy, nhưng việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập cùng với nhà nước Israel là phù hợp với chính sách đối ngoại lâu dài của Bắc Kinh; Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền vào cuối những năm 1980 và từ lâu đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cuộc xung đột cũng mang đến cơ hội cho Bắc Kinh, khi ông Tập Cận Bình vận động đưa Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo quốc tế thay thế cho Mỹ, đặc biệt là đối với Nam toàn cầu, với quan điểm rằng các chính sách của Mỹ đã phá vỡ sự ổn định quốc tế.
Alex Gabuev, Giám đốc Trung tâm Á-Âu thuộc Quỹ Carnegie-Nga ở Berlin, nhận định: “Quá nhiều sự thất vọng và tức giận (toàn cầu) đã chuyển sang cuộc xung đột ở Gaza và đó là lúc Trung Quốc ghi điểm khi nỗ lực khẳng định mình là một nhân tố ngoại giao tốt đẹp. Khi nói đến cuộc chiến ở Gaza, phần lớn các quốc gia Nam địa cầu phản đối mạnh mẽ những gì Israel đang làm, không giống như cuộc xung đột ở Ukraine, nơi mà hầu hết các quốc gia đang giữ thế trung lập và chỉ có phương Tây là đoàn kết".