Theo hãng tin AP ngày 10/6, khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang tháng thứ 4, các quan chức ở Kiev đã bày tỏ lo ngại rằng sự "mệt mỏi vì xung đột” có thể làm xói mòn quyết tâm của phương Tây trong việc giúp nước này đẩy lùi hành động của Moskva.
Mỹ và các đồng minh đã viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Châu Âu đã nhận hàng triệu người phải sơ tán vì xung đột và đã có sự thống nhất chưa từng có ở châu Âu sau Thế chiến II trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva.
Nhưng khi sức nóng của chiến dịch quân sự của Nga lắng xuống, các nhà phân tích cho rằng khi mối quan tâm của các cường quốc phương Tây về cuộc xung đột giảm đi, có thể dẫn đến việc gây sức ép buộc Ukraine phải thỏa hiệp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối những đề xuất của phương Tây rằng ông nên chấp nhận một số nhượng bộ, nói rằng Kiev sẽ tự quyết định các điều khoản cho hòa bình.
“Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, mọi người muốn một kết quả nào đó (có lợi) cho chính họ, nhưng chúng tôi muốn một kết quả (khác) cho chính mình”, ông Zelensky nói.
Một đề xuất hòa bình của Italy đã bị bác bỏ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi ông được trích dẫn nói rằng mặc dù chiến dịch quân sự Nga là một "sai lầm lịch sử", nhưng các cường quốc thế giới không nên "làm bẽ mặt Nga", để khi giao tranh lắng xuống, các bên có thể tìm ra một giải pháp thông qua con đường ngoại giao”.
Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị thuộc Trung tâm Penta cho biết, mỗi tháng cuộc chiến gây thiệt hại cho Ukraine 5 tỷ USD và điều đó “khiến Kiev phụ thuộc vào quan điểm của các nước phương Tây”.
“Rõ ràng là Nga đang tìm cách làm giảm quyết tâm của phương Tây, với giả định rằng các nước phương Tây sẽ cảm thấy mệt mỏi và dần dần bắt đầu thay đổi quan điểm”, chuyên gia Fesenko nói trong một cuộc phỏng vấn với AP.
Bên cạnh đó, những lo ngại trong nước của châu Âu đang lấn át mọi vấn đề, đặc biệt là khi giá năng lượng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô bắt đầu gây thiệt hại về kinh tế đối với những người bình thường đang phải đối mặt với hóa đơn tiền điện, chi phí nhiên liệu và giá hàng hóa cao hơn.
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi quyết định chặn 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga vào cuối năm nay là "một thành công", thì họ đã phải mất bốn tuần đàm phán và một nhượng bộ cho phép Hungary, tiếp tục nhập khẩu.
Matteo Villa, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy (ISPI) ở Milan, nêu rõ: “Điều đó cho thấy sự thống nhất ở châu Âu đang suy giảm một chút sau chiến dịch quân sự của Nga. Có sự mệt mỏi như vậy giữa các quốc gia thành viên về việc tìm ra những cách thức mới để trừng phạt Nga, và rõ ràng là trong EU, có một số quốc gia ngày càng giảm sự sẵn sàng để tiếp tục các biện pháp trừng phạt''.
Trước tác động kinh tế của các biện pháp trừng phạt năng lượng, Ủy ban châu Âu đã ra tín hiệu rằng họ sẽ không vội vàng đề xuất các biện pháp hạn chế mới nhắm vào khí đốt của Nga. Các nhà lập pháp EU cũng đang kêu gọi hỗ trợ tài chính cho các công dân bị ảnh hưởng bởi giảm khí đốt và giá nhiên liệu tăng nhằm đảm bảo rằng sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine không suy giảm.
Như nhà lãnh đạo cánh hữu Matteo Salvini của Iltaly tuyên bố, nước này "sẵn sàng hy sinh" và ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga, nhưng cảnh báo rằng sự ủng hộ không phải là không có giới hạn, trong bối cảnh cán cân thương mại chịu các lệnh trừng phạt đã có dấu hiệu chuyển dịch theo hướng có lợi cho Moskva, gây tổn hại cho các chủ doanh nghiệp nhỏ ở miền bắc Italy, những người là một phần cử tri ủng hộ ông.