Thế nhưng huấn luyện để binh sĩ sử dụng thành thục những vũ khí, khí tài mới này nổi lên là thách thức ngày một lớn với những người như trung sỹ Dmytro Pysanka và các đồng đội thuộc kíp vận hành khẩu đội súng chống tăng được ngụy trang bằng lưới và phủ lá xanh ở miền nam Ukraine.
Với loại vũ khí “đời cổ này”, nhìn qua ống ngắm được gắn vào một khẩu súng chống tăng, trung sĩ Pysanka đọc được một loạt những thông số và vạch chỉ thị phức tạp giúp anh tính toán để nhắm trúng mục tiêu. Tuy nhiên, sai sót thường xảy ra giữa chiến trường hỗn loạn.
Khoảng một tháng trước đây, chỉ huy đơn vị pháo binh của trung sĩ Pysanka đã nhận được một thiết bị hiện đại hơn – đó là máy đo khoảng cách công nghệ cao bằng laser, do phương Tây viện trợ. Nhưng có một vấn đề: Không ai biết cách sử dụng thiết bị này. "Điều này chẳng khác nào đưa cho (chúng tôi) một chiếc iPhone 13 nhưng chúng tôi chỉ có thể nghe gọi", trung sĩ Pysanka nói với giọng bực tức.
Với khẩu súng chống tăng cũ kỹ, được chế tạo từ năm 1985, trung sĩ Pysanka nói riêng và lực lượng Ukraine nói chung cần thêm thiết bị hỗ trợ giữa lúc giao tranh ngày càng ác liệt ở Donbass. Và máy đo khoảng cách công nghệ cao JIM LR, nằm trong gói hỗ trợ quân sự Mỹ cung cấp cho Ukraine, dường như là một lựa chọn hoàn hảo.
Thiết bị có thể giúp binh sĩ phát hiện các mục tiêu vào ban đêm và cho ra thông số về khoảng cách, hướng cũng như tọa độ GPS của mục tiêu. Một số binh sĩ đã học được cách để vận hành nó, nhưng sau đó, họ bị luân chuyển đi nơi khác, để lại cho đơn vị của Pysanka một chiếc “chặn giấy đắt tiền”. Theo lời kể của Pysanka, anh đã phải học cách sử dụng thông qua hướng dẫn bằng tiếng Anh, rồi sử dụng công cụ dịch trên Google để có thể hiểu thông tin, nhưng cũng không rành hết.
Giới lãnh đạo Ukraine thường xuyên kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí, trang thiết bị hiện đại cho Kiev, đó có thể là tên lửa chống tăng dẫn đường, pháp lựu, hệ thống phóng rocket có định vị vệ tinh… Tuy nhiên, vượt trên những yêu cầu này, binh sĩ Ukraine cần phải thành thục cách thức sử dụng. Nếu không được huấn luyện kỹ lưỡng, những trường hợp như đơn vị của Pysanka vướng phải sẽ lan rộng trên quy mô lớn.
Theo Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại Trung tâm phân tích hải quân (CAN) có trụ sở tại Arlington, bang Virginia (Mỹ), Ukraine đang rất khao khát triển khai vũ khí phương Tây. Nhưng những hệ thống này cần phải có huấn luyện và bảo dưỡng đi kèm, mọi chuyện vì thế không thể vội vã được.
Kể từ khi nổ ra xung đột, Mỹ cam kết khoản viện trợ lên đến 54 tỷ USD cho Ukraine, đi cùng đó là nhiều gói chuyển giao vũ khí, trang thiết bị. Mới nhất, Mỹ cho biết sẽ gửi 4 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine – một động thái bị Điện Kremlin chỉ trích mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để tránh đối đầu trực tiếp hơn với Nga, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho tới thời điểm này vẫn không chấp nhận gửi cố vấn quân sự trở lại Ukraine để giúp huấn luyện lực lượng vũ trang nước này sử dụng hệ thống vũ khí mới. Thay vào đó, binh sĩ Ukraine sẽ được chọn và cử đi huấn luyện ở nước ngoài.
Chính điều này đã gây sức ép nặng nề cho các binh sỹ như trường hợp của trung sỹ Andriy Mykyta, một lính biên phòng trước đó đã được cố vấn NATO hướng dẫn cách sử dụng loại vũ khí chống tăng NLAW do Anh sản xuất.
Mykyta giờ đây phải chạy khắp các khu vực tiền tuyến để hướng dẫn đồng đội cách sử dụng loại vũ khí này. Trung sĩ Mykyta cho biết nhiều người đã học cách sử dụng vũ khí qua các video trên mạng. “Tuy nhiên, có nhiều loại vũ khí không thể học bằng mô phỏng màn hình như tên lửa đất đối không, pháo và một số thiết bị. Vì vậy chúng tôi cần các khóa học chính thức”, binh sỹ Mykyta nói.