Ukraine được hay mất từ hội nhập châu Âu?

Theo báo Nga, việc Ukraine hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) có thể được coi là sự đã rồi. Hiện các bên chỉ còn chờ ngày chính thức bật nút sâm-panh ăn mừng những ân huệ mà EU chiếu cố dành cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo bức tranh của Ukraine sau khi hội nhập EU không chỉ toàn màu hồng.

Một góc thủ đô Kiev. Ảnh: Reuters


Bức tranh thứ nhất: Sau niềm hào hứng ngắn ngủi vì được hội nhập châu Âu, Ukraine ngay lập tức phải đối mặt với sự xấu đi của quan hệ chiến lược với Nga và một tương lai không sáng sủa đối với một số lĩnh vực công nghệ cao, luyện kim và hóa chất. Ukraine sẽ nhanh chóng vấp phải khó khăn khi sản xuất trong nước giảm sút, hàng hóa không thể tìm được đầu ra ở cả thị trường Đông và Tây Âu.

Hậu quả từ việc hội nhập châu Âu sẽ tác động trước hết vào các khu vực phía Đông và Nam Ukraine, nơi tập trung các cơ sở nền tảng của nền kinh tế. Đằng sau việc này sẽ là đời sống người dân đi xuống, thất nghiệp gia tăng và làn sóng di cư ồ ạt ra nước ngoài tìm việc làm. Dự báo sẽ có khoảng hơn 10 triệu người dân Ukraine phải ra nước ngoài tìm việc làm thời vụ, trong khi châu Âu đang dư thừa nguồn cung lao động. Trong bối cảnh như vậy, thật khó có thể nhìn thấy sức mạnh thực tế của Ukraine.

Bức tranh thứ hai: sau khi thành công trong việc phong tỏa hướng đối ngoại phía Đông của Ukraine, EU bắt đầu cho thấy sự quan tâm thực sự của liên minh này đối với Ukraine. Ngoài việc kiểm soát tầng lớp tinh hoa, quân đội, các cơ quan đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông và vận chuyển năng lượng, EU nói riêng và NATO nói chung còn muốn Ukraine trình diễn xuất sắc vai trò "đi đầu" trong việc "dọa dẫm" Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), là cánh tay giúp tổ chức quân sự hùng mạnh của phương Tây "Đông tiến".

Đến lúc đó, Ukraine sẽ hiểu tại sao nước này lại có tên là "Ukraine" (theo tiếng Sla-vơ có nghĩa là "vùng ngoài rìa", "vùng ngoại biên"). Trong bối cảnh như vậy, thiếu một quan hệ đối tác với Nga, Ukraine sẽ phải đứng ngoài hành lang Đông-Tây, đánh mất vị thế địa chính trị "cầu nối" quan trọng hiện nay. EU còn chưa dám chơi tất cả các trò chơi với Nga với quân bài Ukraine là bởi mùa Đông dài sắp đến, khi khí đốt của Nga là nguồn sưởi ấm của hơn 70% người dân châu Âu.

Rõ ràng Ukraine không nên đùa cợt với địa-chính trị và càng không nên tham gia trò chơi địa-chính trị của các nước lớn. Thiếu một sự hậu thuẫn của Nga, Ukraine mặc dù có tên trên bản đồ thế giới song chỉ với tư cách là mảnh sân sau của châu Âu, là vùng đệm an toàn nhằm chống đỡ các hiểm họa đến từ phía Đông.

Cuộc khủng hoảng đa diện hiện nay ở Ukraine, cùng với việc nước này hội nhập châu Âu sẽ chỉ khiến các nền tảng kinh tế, chính trị và xã hội Ukraine vốn đã mong manh càng trở nên dễ vỡ. Sự vội vã hội nhập châu Âu trong khi điều kiện chưa chín muồi đang đẩy Ukraine tiến sát bờ vực chia rẽ đất nước khi phía Đông muốn đi theo Nga, phía Tây muốn xích lại châu Âu và phía Nam muốn sáp nhập với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền trung ương Ukraine đang lung lay do lòng dân không thuận, trong khi các tập đoàn lớn và cơ sở sản xuất công nghiệp trong tương lai có thể rơi hết vào tay phương Tây thông qua các chiến lược "hiện đại hóa". Và về nguyên tắc, một nền văn hóa Sla-vơ đậm chất Ukraine sẽ rất khó có chỗ đứng trong một nền văn minh phương Tây vốn đầy rẫy khác biệt và luôn đòi hỏi nhất thể hóa.

Đằng sau hai kịch bản đó rất có thể tại Ukraine sẽ xuất hiện tầng lớp thượng lưu mới và các nhóm lợi ích mong muốn trở lại vị thế hậu phương với những mối liên hệ khăng khít với Nga. Các tầng lớp này có thể sẽ nhận ra rằng người gốc Nga hiện đang chiếm 25% tổng dân số Ukraine, với các mối quan hệ ruột thịt và họ hàng rất gắn bó ở Nga, trong quân đội Nga và cả giới cầm quyền. Nếu kịch bản này xảy ra, người ta lại được chứng kiến một trò chơi mới giữa Nga và phương Tây.


TTK
Nga chuyển hướng chính sách thương mại, giành giật Ukraine
Nga chuyển hướng chính sách thương mại, giành giật Ukraine

Gần một năm sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, chính sách thương mại của Nga dường như đã quay lưng lại với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với việc thể hiện sự bất đồng trong đối thoại thương mại với ASEAN, và trì hoãn đàm phán FTA với New Zealand.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN