Gần một năm sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, chính sách thương mại của Nga dường như đã quay lưng lại với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với việc thể hiện sự bất đồng trong đối thoại thương mại với ASEAN, và trì hoãn đàm phán FTA với New Zealand sau vòng đàm phán cuối cùng vào tháng 7/2012. Để triển khai chính sách mới, Nga cũng muốn có sự tham gia của Ukraine, nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực Đông Âu.Chính sách thương mại của Nga dường như đã “quay lưng lại” với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh minh họa
|
Sự thay đổi định hướng của Nga xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp Nga, sự chậm chạp của các quan chức thương mại, nền kinh tế tại vùng Viễn Đông (thuộc khu vực Thái Bình Dương) của Nga yếu kém. Tuy nhiên, lý do quan trọng là do Nga có xu hướng tự coi mình là một nền kinh tế Á - Âu, chứ không phải là nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương hay Châu Âu. Do đó, Nga đang nỗ lực tạo ra một cộng đồng kinh tế mở rộng ở khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS): những hạt nhân cho không gian kinh tế chung từ Lisbon đến Vladivostok trong tương lai.
Liên minh Hải quan gồm Belarus, Kazakhstan và Nga hình thành từ giữa những năm 1990 với tư cách là Cộng đồng Kinh tế Á - Âu, và là một trong những nỗ lực tái kết nối các vùng kinh tế thuộc Liên Xô trước đây. Mặc dù được mở rộng thêm với sự tham gia của Cộng hòa Kyrgyzstan và Tajikistan, liên minh này chỉ tồn tại trên danh nghĩa cho đến tận năm 2010, khi đó Liên minh Hải quan ba bên ra đời và đã trì hoãn việc gia nhập WTO của Nga gần 2 năm. Theo dự kiến, Liên minh Hải quan sẽ trở thành Không gian Kinh tế Đơn nhất – thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn chung – vào năm 2015 và sau đó sẽ trở thành Liên minh Kinh tế Á - Âu. Sự tham chiếu mô hình của EU và sự vượt trội của Nga là những đặc điểm của sự hội nhập kinh tế này.
Cố gắng giành giật UkraineBước vào xây dựng mô hình này, giới hoạch định chính sách Moscow đã nhận thấy sự tham gia của Ukraine, nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Âu, là cần thiết. Tuy nhiên, về phần mình, Ukraine có vẻ không "hứng thú" thúc đẩy hội nhập sâu hơn với Nga. Thay vào đó, Kiev đã chọn cách tham gia WTO vào đầu năm 2008, và đàm phán FTA với Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu, Singapore, Canada, EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Ukraine cũng ký kết với Nga một FTA kiểu cũ, có hiệu lực từ năm 1994. Năm 2011, hầu hết các thành viên của CIS đã ký FTA nhiều bên, thay thế thỏa thuận lỗi thời năm 1994 của khu vực. Tuy nhiên, FTA kiểu cũ đã không ngăn chặn được các cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Cuối năm 2011, Ukraine và EU kết thúc đàm phán Hiệp định Liên kết với thành phần cốt lõi là một FTA sâu và toàn diện. Hiệp định trên được dự báo sẽ giúp nền kinh tế của Ukraine tăng trưởng thêm một lượng tương đương với tăng trưởng kinh tế bình thường trong một năm (5,3%) theo kịch bản FTA sâu. Trong khi đó, một nghiên cứu tương tự vào năm 2012 do Ngân hàng Phát triển Á - Âu tài trợ, được Nga ủng hộ, dự báo GDP của Ukraine sẽ tăng 6% nếu nước này tham gia Liên minh Hải quan Belarus–Kazakhstan–Nga, ngược lại sẽ giảm 1,5% nếu nước này ký FTA với EU.
Ngày 15/5/2013, Ủy ban Châu Âu thông báo rằng Hiệp định Liên kết EU–Ukraine có thể được ký tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Phía Đông diễn ra tại Vilnius vào tháng 11/2013. Moscow đã trả đũa bằng cách đưa ra bản ghi nhớ và tuyên bố chung giữa Ủy ban Kinh tế Á - Âu và Ukraine, trong đó Ukraine tham gia vào quá trình hội nhập Á - Âu với tư cách quan sát viên tiềm năng. Sau đó căng thẳng thương mại đỉnh điểm tại biên giới Nga - Ukraine khi hải quan Nga kiểm tra nghiêm ngặt tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Ukraine.
Sergey Glaziev, cựu Chủ tịch Ủy ban Liên minh Hải quan và hiện nay là cố vấn hội nhập kinh tế Á - Âu của Putin, giải thích rằng Cơ quan Hải quan Liên bang Nga đã tiến hành hoạt động ngăn ngừa để phản ứng lại việc Ukraine có ý định ký Hiệp định Liên kết với EU, điều mà ông cho là bước đi “tự sát”.