Theo trang tin Al-monitor.com ngày 13/4, Tổng thống Tunisia Kais Saied mới đây đã chỉ trích bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc nội bộ của nước này.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 22 năm ngày mất của cựu Tổng thống Habib Bourguiba ở Monastir, Đông Bắc Tunisia, ông Saied cho biết Tunisia không phải là một nhà nước Ottoman, liên quan đến Đế chế Ottoman đã chiếm đóng các nước Arab trong nhiều năm.
Phát biểu của Tổng thống Saied được đưa ra sau khi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích việc ông Saied giải tán Quốc hội Tunisia vào cuối tháng 3 vừa qua.
Trong phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 4/4, ông Erdogan - người có quan hệ gần gũi với đảng Hồi giáo Ennahda ở Tunisia, đại diện cho khối nghị viện lớn nhất trong Quốc hội hiện vừa bị giải tán - đã mô tả động thái của Tổng thống Saied là “một cuộc đảo chính đi ngược lại Hiến pháp, một sự bôi nhọ nền dân chủ và là đòn giáng mạnh vào ý nguyện của người dân Tunisia”.
Nhà chức trách Tunisia đã nhanh chóng phản ứng trước tuyên bố của ông Erdogan. Ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Tunisia đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này tới để phản đối tuyên bố của ông Erdogan, mô tả đó là "sự can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ, mâu thuẫn với quan hệ anh em gắn bó giữa hai nước".
Youssef Oueslati, một nhà phân tích chính trị, tổng biên tập của tờ báo Al-Shaab và là người phát ngôn của Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia nhận định: “Phản ứng của Tổng thống Saied với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ là đáng ngạc nhiên và có thể tạo thành một bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước vốn đã phát triển hơn 10 năm qua".
Ông Oueslati nói thêm rằng Tổng thống Erdogan, người đứng đầu Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, gần đây bắt đầu cảm thấy rằng ảnh hưởng của Ankara trong khu vực đang giảm dần, đặc biệt là sau sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Mohammed Morsi thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và vai trò ngày càng giảm của phong trào Ennahda ở Tunisia, khiến ông Erdogan phải thay đổi quan điểm.
Ông Oueslati lưu ý việc Tổng thống Saied giải tán Chính phủ và Quốc hội gần như hoàn toàn do Ennahda, một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, thống trị, đồng nghĩa với việc Ankara sẽ mất đi lợi thế chiến lược mới.
Về phần mình, nhà phân tích chính trị Abdeljabbar Maddouri cho rằng quan điểm gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của nước này nhằm chấm dứt tranh chấp với các nước Ảrập.
Theo ông Maddouri, tuyên bố trên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tunisia là nghiêm trọng nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Tunisia nổ ra vài tháng trước và nó là sự thiên vị rõ ràng của Ankara đối với phong trào Hồi giáo Ennahda.
Ông Maddouri chỉ ra rằng các mối quan hệ quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy một số mâu thuẫn, giải thích rằng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách khôi phục quan hệ với Ai Cập và Israel, họ đồng thời tìm cách duy trì quan hệ với cả các đối thủ của những nước này.
Nhà phân tích chính trị Mohamed Thweib nhận xét rằng những diễn biến gần đây giữa Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ là sự kết thúc chính thức các dự án của Tổ chức Anh em Hồi giáo, mà Ankara đã đặt cược trong một thời gian dài nhằm gây ảnh hưởng đối với khu vực.
Mặt khác, nhà phân tích chính trị Basil Turjuman cho rằng các thỏa thuận quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với Tunisia trong lĩnh vực huấn luyện quân sự, công nghiệp quân sự, chuyển giao công nghệ và y tế quân sự sẽ bị đe dọa.
Trong lĩnh vực kinh tế, sau tuyên bố của Tổng thống Erdogan, thỏa thuận đạt được giữa hai nước vào năm 2018 về thúc đẩy và bảo vệ đầu tư song phương cũng có thể bị hủy bỏ, mặc dù Quốc hội bị giải tán đã thông qua hơn một năm trước.
Ngoài ra, chuyên gia Turjuman kết luận rằng, có thể tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra trong khu vực Ảrập để che đậy cho việc Ankara không giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước do đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi.