Theo trang The Guardian (Anh), Enrique Soto, một bác sĩ tim mạch cấp cao ở Uruguay, biết rằng ở tuổi 65, ông có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Marcos, 40 tuổi, con trai ông, đã nhiều lần cảnh báo cha mình nhưng Soto nói ông không thể bỏ rơi bệnh nhân của mình.
Bác sĩ Soto sau đó đã qua đời trong giai đoạn đầu của làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ 2 tàn khốc ở Uruguay. Cái chết của ông đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh về thảm hoạ xảy ra trong những tháng gần đây ở quốc gia Nam Mỹ nhỏ bé này.
Uruguay từng được ca ngợi là hình mẫu chống dịch thành công không chỉ trong khu vực mà còn trên cả thế giới. Tuy nhiên, các chính sách phòng dịch COVID-19 gần đây, với việc chính phủ kiên quyết tránh áp đặt các hạn chế phòng dịch mới, đã khiến quốc gia này trở thành một trong những nước có tỉ lệ lây nhiễm tồi tệ nhất thế giới.
Tất cả những điều đó đã khiến quốc gia 3,6 triệu dân, nơi mà tháng 6/2020 tuyên bố không còn ca COVID-19” nào, phải đặt câu hỏi tại sao mọi thứ lại trở nên tồi tệ như vậy và đó cũng là bài học nghiệt ngã cho các quốc gia khác.
Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh ở Uruguay trở nên tồi tệ một phần là do hậu quả của quyết định từ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội, thay vào đó chuyển sang một chính sách nới lỏng hơn và hầu như chỉ dựa vào tiêm chủng.
Kết quả là một đợt bùng phát COVID-19 nguy hiểm đã xảy ra, cứ 100 người dân thì có 1 người mắc COVID-19 với tỉ lệ tử vong khoảng 50 người/ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tỉ lệ tử vong của Uruguay hiện cao thứ 5 trên thế giới, với tỉ lệ 20,64/100.000 người trong hai tuần qua và được đánh giá là cao nhất ở Mỹ Latinh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Từ sự chủ quan quá mức đến những sai lầm xung quanh vấn đề tiêm chủng, cũng như vị trí địa lý gần với Brazil, quốc gia đã chứng kiến sự bùng phát của biến thể lây lan nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, yếu tố gây chú ý đối với nhiều người đó là sự khác biệt trong phản ứng của chính phủ ở thời kỳ đầu của đại dịch và trong làn sóng dịch bệnh thảm khốc gần đây.
Tháng 3 năm ngoái, sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Tổng thống Lacalle Pou mới đắc cử đã tuyên bố đóng cửa một số khu vực biên giới. Ông cũng ra quy định huỷ bỏ các sự kiện công cộng, đóng cửa trường học, các quán bar, trung tâm mua sắm, các trận đấu thể thao chuyên nghiệp và cấm các nghi lễ tôn giáo tập thể. Người dân Uruguay được yêu cầu ở nhà, dưới sự kiểm tra giám sát của một hệ thống.
Đến tháng 6, Uruguay đã đánh dấu nhiều ngày liên tiếp không có ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, trong làn sóng dịch bệnh gần đây nhất, tổng thống đã bác bỏ lời kêu gọi phong toả toàn quốc, thay vào đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tự do có trách nhiệm”. Ông cho rằng chỉ cần có chiến lược tiêm chủng hiệu quả là đủ. Tuy nhiên, Uruguay mới triển khai tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 bắt đầu từ tháng 3. Tổng thống cũng phớt lờ yêu cầu giãn cách xã hội của giới khoa học nước này.
Tất cả những điều đó đã gây khó khăn cho các chuyên gia y tế của đất nước, những người đang đối phó với dịch bệnh ở tuyến đầu. Sau ca trực tại bệnh viện Montevideo, bác sĩ chăm sóc đặc biệt Gustavo Grecco chia sẻ: “Chính phủ không lắng nghe khoa học. Kể từ tháng 2, chính phủ đã hoàn toàn phớt lờ các khuyến nghị của cộng đồng khoa học”.
Tuy nhiên, phân tích đó đã bị Bộ trưởng Y tế Daniel Salinas bác bỏ. Ông Salinas nhấn mạnh thay vì nhìn vào những con số khủng khiếp từ các nhà quan sát dịch bệnh gần đây, họ nên tập trung vào kinh nghiệm của Uruguay trong suốt thời kỳ đại dịch.
“Khi mọi người lo lắng về tỉ lệ tử vong ở Uruguay, họ nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh chứ không nên chỉ nhìn vào một phần của nó. Điều đó cho thấy trong 2 tuần qua, chúng ta đang trong tình trạng tồi tệ nhất thế giới”, Bộ trưởng Y tế nói.
Trong khi ông Salinas khẳng định chiến dịch tiêm chủng của Uruguay đang diễn ra tốt đẹp, với 60% người dân đã được tiêm một mũi vaccine, các nhà quan sát lưu ý rằng tham vọng tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số của quốc gia này sẽ không thể đạt được trước tháng 10.
Tiến sĩ Alvaro Niggemeyer, người làm việc tại một đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Montevideo dành cho bệnh nhân COVID-19, cho biết có khoảng 1.490.000 người trong tổng số 3,6 triệu dân (chiếm 43% dân số) đã được tiêm đủ 2 liều ở thời điểm mà chủng Gamma đang lưu hành, có khả năng lây lan rộng rãi.
“Tuy nhiên, chúng tôi có đường biên giới giáp với những quốc gia đang có chủng Delta lưu hành, chủng virus này có thể xâm nhập vào đất nước bất kỳ khi nào. Nhưng, giới chức lại đang hành động như thể đã giải quyết được vấn đề chỉ vì phần lớn người dân đã được tiêm chủng”, ông Niggemeyer nói.
Ông nhấn mạnh Uruguay vẫn còn khoảng 2.100.000 người chưa có phản ứng miễn dịch. Hơn nữa, biến chủng virus có tỉ lệ tử vong cao hơn ở những người trẻ tuổi cũng đang lưu hành ở quốc gia này.
Thượng nghị sĩ Mario Bergara, cựu Bộ trưởng Tài chính Uruguay, cho biết các biện pháp hạn chế đi lại đã bị phớt lờ: “Mặc dù theo các nhà khoa học, 3 tuần hạn chế sẽ giúp giảm đáng kể các ca mắc và tử vong. Chúng tôi muốn nói rằng chúng ta có thể ngăn chặn được những ca tử vong ở Uruguay vào lúc này.”
Đối với Marcos, con trai của bác sĩ Enrique Soto, việc chính phủ phớt lờ lời khuyên khoa học và y tế khiến anh đau đớn gấp bội sau cái chết của cha mình.
“Thật khó để tin rằng chúng ta không thể làm gì hơn nữa để tránh được nhiều người tử vong hơn. Chúng ta có chắc chắn rằng chúng ta đã làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn điều đó?”, Marcos nói.