Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới tại Florida. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Chuyến thăm diễn ra tại khu nghỉ dưỡng xa hoa Mar-a-Lago của ông Trump sau khi mối quan hệ Mỹ-Trung dưới thời tân Tổng thống Mỹ có một khởi đầu khá sóng gió. Nhà tỷ phú vừa trở thành chính trị gia này đã nhiều lần chỉ trích chính sách thương mại và sự chần chừ của Bắc Kinh trong việc gây áp lực cần thiết đối với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa.
Cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 6-7/4 đã được hai nước xác nhận vào ngày 30/3. Đây được cho là sự kiện định hình quan hệ của hai nước trong những năm tới. Trong tuyên bố xác nhận về cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ “thảo luận về các vấn đề toàn cầu, khu vực, và song phương mà cả hai cùng quan ngại”. Ông Trump và Đệ nhất phu nhân Melania cũng sẽ có một buổi tiệc chiêu đãi với Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện.
Chỉ mới vài tuần trước, nhiều người thậm chí còn không kỳ vọng vào khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh như thế này, nhất là sau khi ông Trump khiến Bắc Kinh không khỏi tức giận với việc ngỏ ý sẽ không tiếp tục lập trường tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, chính sách mà trên lý thuyết là khẳng định quyền kiểm soát của cường quốc này đối với hòn đảo tự trị Đài Loan. Trong một cuộc điện đàm mang tính hòa giải hơn hồi giữa tháng 2, Tổng thống Mỹ đã rút lại những bình luận gây tranh cãi về vấn đề Đài Loan, để ngỏ khả năng hai nước tiến tới một cuộc gặp song phương.
Chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh được cho là đã dần hình thành trong các chuyến thăm Washington của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, và chuyến công du Bắc Kinh của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai được ông Trump đón tiếp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.Tháng 2/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng từng có chuyến thăm tới khu vực này, và cuộc gặp đó được đánh giá là cơ hội để hai nhà lãnh đạo xây dựng một mối quan hệ cá nhân vô cùng quan trọng thông qua buổi chơi golf. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình ít khả năng sẽ tham gia hoạt động này cùng nhà lãnh đạo Mỹ, bởi đảng Cộng sản Trung Quốc coi golf là một môn thể thao xa xỉ lãng phí, và thậm chí còn hạn chế môn thể thao này tại Trung Quốc, nơi họ cho rằng golf thường đi cùng với nạn tham nhũng.
Các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh trao đổi với AFP rằng cuộc gặp chủ yếu là cơ hội để hai nhà lãnh đạo hiểu thêm về nhau, và những vấn đề "nóng" có thể sẽ được đề cập tới trong các cuộc gặp về sau, song có ý kiến cho rằng hai bên khó có thể tránh né những căng thẳng đang gây chia rẽ. Ông Henry Levine, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Albright Stonebridge, nói: “Trọng tâm chính của cuộc gặp và động lực thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung chính là giải quyết các vấn đề mà Chính quyền Trump rất quan tâm như thương mại, Triều Tiên, Biển Đông và chính sách Đài Loan”.
Cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng sau khi ông Trump cho rằng cuộc gặp được nhiều người kỳ vọng giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ bao gồm nhiều vấn đề mà hai nước bất đồng như Triều Tiên, hay các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, có thể là một cuộc gặp “vô cùng khó khăn”. Người đứng đầu Nhà Trắng viết trên trang Twitter cá nhân ngày 30/3: “Chúng ta không thể để thâm hụt thương mại và tình trạng mất việc làm lớn như vậy nữa… Các doanh nghiệp Mỹ cần tính đến chuyện tìm kiếm những lựa chọn khác”. Đây được cho là bình luận ám chỉ tới các doanh nghiệp Mỹ đang có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng ông Trump sẽ không tỏ ra quá gay gắt trong cuộc gặp sắp tới.
Giám đốc điều hành tập đoàn General Electric Jeff Immelt ngày 30/3 đã kêu gọi Tổng thống Trump duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ được lợi nhiều từ toàn cầu hóa. Ông nói: “Đất nước sẽ thua thiệt nếu chúng ta không tiến hành các hoạt động thương mại. Mối quan hệ với Trung Quốc là yếu tố then chốt… Nếu chúng ta từ bỏ thương mại, chúng ta sẽ tự loại bỏ ảnh hưởng lớn nhất mà một Tổng thống Mỹ có trong mọi cuộc đàm phán trên khắp thế giới. Tôi tin là Tổng thống Trump đủ khôn ngoan để không làm như vậy”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer phát biểu trong một cuộc họp báo rằng đây là cơ hội để ông Trump “thúc đẩy một mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập Cận Bình”. Trước câu hỏi rằng liệu chính quyền có dự định gì liên quan tới chính sách Trung Quốc, tương tự chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” tại châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama hay không, ông Spicer cho biết: “Chúng tôi quan tâm tới tiến độ hơn là khẩu hiệu… Có nhiều vấn đề lớn chúng tôi cần thảo luận với Trung Quốc, và tôi tin là chúng tôi sẽ cùng làm việc về những khúc mắc này”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng không nói chi tiết chương trình nghị sự sắp tới, song khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ tổng thể và hai bên cần thúc đẩy lợi ích chung trong quan hệ thương mại. Cũng trong cuộc họp báo thường kỳ này, ông cho biết trước khi tới Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Phần Lan, chuyến công du châu Âu đầu tiên trong năm nay của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc.