Nhiều năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nói nhiều đến thích ứng “tái cân bằng kinh tế toàn cầu” thông qua dịch chuyển mô hình kinh tế theo hướng lấy tiêu dùng nội địa làm đòn bẩy. Vậy nhưng cũng trong từng ấy năm, có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc từ bỏ vai trò công xưởng của thế giới, nhà cung cấp chủ chốt mặt hàng sắt thép, cây thông trang trí Noel.
Năm nay tình hình có thể khác, khi Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bước vào kỳ họp thứ 5 khóa XVII (26-29/10), với nội dung thảo luận trọng tâm là nhấn mạnh hơn nữa vai trò thị trường nội địa.
Giới quan sát về Trung Quốc nhận thấy rõ mức độ cấp thiết trong bước chuyển đổi này, khi quốc gia 1,4 tỉ dân cảm nhận được băng giá chính trị từ đòn trừng phạt thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với đó là việc châu Âu quyết theo đuổi “tự chủ chiến lược về kinh tế”, đề cao phát triển sản xuất nội địa.
Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, di dời sản xuất khỏi Trung Quốc để quay về quốc gia gốc đã trở thành đường hướng ngày càng nổi bật ở nhiều nền kinh tế phương Tây, khi các nước lớn liên tục viện dẫn những lo ngại an ninh do phụ thuộc vào các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei. Với giới hoạch định chiến lược Trung Quốc, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang đối diện với nguy cơ dễ bị tổn thương hơn lúc nào hết.
Chiến lược dịch chuyển này được gọi là “vòng tuần hoàn kép” (dual circulation). Chủ tịch Tập Cận Bình là người công bố khái niệm này vào tháng Năm vừa qua. Những thông tin chi tiết về đề án này vẫn trong diện giữ kín, nhưng ý tưởng bao trùm là Trung Quốc phải có các vòng tuần hoàn sản xuất khép kín, không lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ, đầu tư nước ngoài hay thị trường xuất khẩu. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn thúc đẩy sảm xuất, lưu thông hàng hóa trong nội địa.
Giới phân tích có đánh giá bước đầu về sự dịch chuyển chiến lược này. Chuyên gia phân tích Vicnet Zhu thuộc hãng tư vấn Rhodium Group cho rằng, giới lãnh đạo Bắc Kinh không ai khẳng định sẽ Trung Quốc sẽ được lợi hơn nếu ngắt kết nối với bên ngoài. Nhưng thực sự Bắc Kinh cần một Kế hoạch B để tránh điều tồi tệ nhất.
“Trung Quốc đang ngày một hướng nội để duy trì phát triển kinh tế ổn định. Chiến lược vòng tuần hoàn kép nhắm đến khai phá tiềm năng tăng trưởng trong phạm vi kinh tế nội địa và đây là nỗ lực để thu hút chuỗi giá trị toàn cầu trong giới hạn vòng cung ảnh hưởng của Trung Quốc”, Max Zenglein – nhà kinh tế trưởng Tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS/Đức) nhận định.
Không dễ thay đổi thói quen tiết kiệm, tiêu dùng
Việc dịch chuyển chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc luôn hiểu rằng sớm hay muộn sẽ phải áp dụng mô hình mới. Vấn đề còn lại là cách thức thực hiện ra sao.
Năm 2000, Bắc Kinh phát động chiến lược “Khai phát miền Tây” nhằm tái phân bổ nguồn lực, tài sản từ các tỉnh duyên hải phát triển về các địa phương nằm sâu trong đất liền thông qua việc triển khai các dự án hạ tầng lớn.
Thông qua tạo việc làm cho người nghèo, giới hoạch định chính sách hy vọng sẽ kích thích chi tiêu trong dân chúng. Nhưng sáng kiến này cũng không thành công, kéo theo một thập kỉ dòng người từ nông thôn đổ ra các tỉnh, thành phố duyên hải miền đông, khiến dân số Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam ở vùng tây nam suy giảm.
“Vòng tuần hoàn kép” có ý biến những cam kết thành thay đổi thực tại thực chất. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược này có đủ sức tạo ra nền tảng tăng trưởng giúp Trung Quốc vượt khỏi “bẫy thu nhập trung bình” hay không. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Thu nhập bình quân tại Trung Quốc đã tăng 8 lần trong giai đoạn từ 1978-2015. Nhưng đi kèm đó là gia tăng hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Một nghiên cứu công bố hồi năm 2019 cho thấy tỉ lệ nắm giữ tài sản quốc gia của 10% số người giàu có tăng từ 27% năm 1978 lên 41% năm 2015. Trong khi số tài sản của 50% số người thu nhập thấp giảm từ 27% xuống 15% trong cùng giai đoạn này. Khi thu nhập tập trung chủ yếu vào tầng lớp bên trên xã hội, người giàu lại có xu hướng tích trữ, đầu tư tài sản, còn người nghèo mất khả năng chi tiêu.
Thói quen tiết kiệm cũng là một trở ngại, khi người dân Trung Quốc không sẵn lòng móc hầu bao chi tiêu. Những cá nhân, hộ gia đình dư dả tiền bạc thường nắm giữ tài sản. Tiết kiệm đã lên mức đỉnh, chiếm 52% GDP năm 2008 trước khi khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tới Trung Quốc. Tỉ lệ này hiện vẫn đứng ở mức cao, khoảng 45% GDP. Ngược lại, chi tiêu dùng cá nhân chỉ chiếm khoảng 38,8% GDP của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức 51,7% của Liên minh châu Âu (EU) và 66,8% ở Mỹ.
Theo Vicnet Zhu, lý do chính khiến người tiêu dùng Trung Quốc tăng tiết kiệm, e dè chi tiêu là do thiếu quỹ phúc lợi xã hội. Người dân sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn để lo liệu khi về hưu, khi quỹ lương hưu rất hạn hẹp. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính, quỹ lương hưu cho lao động thành phố sẽ cạn kiệt vào năm 2035. Dịch vụ chăm sóc y tế yếu, đội ngũ nhân viên y tế thiếu cũng khiến người dân có tâm lý cất giữ tiền mặt để phòng thân khi ốm đau, bệnh tật.
Về nhân chủng học, thế hệ sinh ra trong thời kỳ áp dụng chính sách một con đang gặp phải thách thức kép. Số này hiện ở tầm tuổi 20-30 tuổi, họ có nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ đã nghỉ hưu cũng như chăm sóc, đầu tư cho con cái. Hơn thế, thị trường lao động ngày nay trở nên cạnh tranh và khốc liệt hơn trước nhiều.