Quốc kỳ các nước thành viên BRICS. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN
Là quốc gia sáng lập BRICS, việc Brazil lần thứ tư đăng cai Hội nghị thượng đỉnh BRICS là cơ hội để nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh khẳng định vai trò trong việc định hình tương lai nhóm. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Brazil theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương ôn hòa, nhấn mạnh đối thoại, đàm phán và tôn trọng luật pháp quốc tế. Từ đầu năm, Brazil đã tổ chức hơn 150 sự kiện trong nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS, thể hiện nỗ lực xây dựng hình ảnh một quốc gia phát ngôn cho các nước phương Nam. Qua đó, Brazil không chỉ mong muốn tăng cường vai trò lãnh đạo tại Mỹ Latinh mà còn định vị là lực lượng trung gian và kết nối, thúc đẩy trật tự quốc tế công bằng, đa cực hơn.
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến chuyển sâu sắc cả về chính trị, kinh tế và khí hậu, BRICS nổi lên như một mô hình hợp tác mới mang tính chiến lược, đóng vai trò ngày càng rõ nét trong việc định hình lại trật tự toàn cầu.
Ông Felipe Caetano Veloso, quan chức phụ trách xúc tiến thương mại nông sản, du lịch và đầu tư thuộc Đại sứ quán Brazil tại Chile, nhận định BRICS mang lại những giải pháp sáng tạo và cần thiết cho các thách thức mà nhân loại đang đối mặt. Ông nhấn mạnh rằng hợp tác giữa các nước thành viên BRICS dựa trên 3 trụ cột chính: chính trị và an ninh; tài chính và kinh tế; văn hóa và xã hội. Một trong những mục tiêu then chốt mà nhóm này theo đuổi là thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đặc biệt là những cơ quan như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn không còn phản ánh đúng thực tế và nhu cầu của thời đại ngày nay. BRICS cũng hướng tới việc xây dựng các thể chế thay thế, giảm phụ thuộc vào các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời khuyến khích sự nổi lên của các nền kinh tế đang phát triển.
Tiến sĩ khoa học chính trị Mladen Yopo thuộc Đại học Hàn lâm Nhân văn Cơ đốc giáo Chile, khẳng định BRICS chính là cơ hội để đa dạng hóa địa chính trị toàn cầu, giúp các nước thành viên thoát khỏi sự thống trị của trật tự Bretton Woods được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vốn áp đặt vai trò trung tâm của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế. Ông phân tích: "Việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS là bước đi chiến lược giúp các nước tiếp cận nguồn tín dụng linh hoạt hơn, thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và củng cố chủ quyền quốc gia".
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá BRICS đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc duy trì sự đoàn kết và định hình vai trò toàn cầu. Theo tờ Valor International (Brazil), bối cảnh xung đột tại Trung Đông, đặc biệt là căng thẳng Iran - Israel, sẽ là phép thử lớn đối với khả năng điều phối và định hình tiếng nói chung của BRICS. Dù vậy, theo nhận định của chuyên gia Marta Fernández (Đại học PUC-Rio), đây cũng là cơ hội để Brazil tận dụng vai trò chủ tịch nhằm kêu gọi cải cách trật tự quản trị toàn cầu, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Giáo sư Ezequiel Ramoneda, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ Latinh về nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Argentina, cho rằng một trong những thách thức lớn nhất của nhiệm kỳ chủ tịch lần này là việc BRICS mở rộng, với sự tham gia chính thức của các thành viên mới. Điều này đòi hỏi Brazil, với vai trò dẫn dắt, phải tìm cách dung hòa và thể hiện thống nhất các quan điểm, lợi ích khác biệt trong khối, hướng tới việc xây dựng một tiếng nói chung trên trường quốc tế. Thực tế, trong nội bộ các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu vẫn tồn tại nhiều bất đối xứng và phức tạp, vì vậy nhiệm kỳ này của Brazil là bước đi đầu tiên nhằm thúc đẩy sự hài hòa và cùng tồn tại giữa các nền kinh tế, cũng như các mô hình phát triển khác nhau trong khối.
Trên nền thế giới đang dịch chuyển sang trật tự đa cực và xu thế hợp tác Nam - Nam ngày càng gia tăng, hợp tác BRICS - ASEAN hứa hẹn nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hạ tầng, công nghệ và năng lượng. ASEAN cũng đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại đa dạng hóa, với cách tiếp cận linh hoạt. BRICS mang lại các cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thương mại và tiếp cận tài chính phát triển. Với dân số hơn 3,6 tỷ người và sức mạnh kinh tế ngày càng lớn, hai khu vực này có thể đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai kinh tế - chính trị toàn cầu. BRICS, với các đầu tàu như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, cùng với vai trò trung tâm chuỗi cung ứng của ASEAN, hoàn toàn có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng, phát triển và thúc đẩy tiếng nói chung của các nước phương Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Rio de Janeiro, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 tại Brazil. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Sự kiện Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đối tác BRICS là một dấu mốc quan trọng. Trước đó, Indonesia đã gia nhập BRICS từ tháng 1 năm nay, còn Malaysia và Thái Lan cũng đã được mời làm đối tác từ tháng 10/2024. Động thái này cho thấy ASEAN ngày càng quan tâm đến việc mở rộng quan hệ với BRICS nhằm đa dạng hóa đối ngoại và tăng cường hợp tác kinh tế. Với Việt Nam, đây là bước đi chiến lược, khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Tham gia BRICS giúp Việt Nam có thêm kênh tiếp cận nguồn vốn phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, năng lượng và chuyển đổi số.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, chuyên gia quan hệ quốc tế Argentina, Marcelo Ramírez gia Ramírez, cho rằng việc trở thành đối tác của BRICS sẽ giúp Việt Nam mở rộng ảnh hưởng tới các khu vực xa xôi như Nam Mỹ, nơi hai bên có tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn nhưng chưa được khai thác hết, đồng thời sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ, tăng cường vị thế chính trị và ngoại giao.
Nhà báo, nhà sử học Pedro da Oliveira, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam, khẳng định việc Việt Nam trở thành đối tác của BRICS là minh chứng cho tinh thần hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, góp phần xây dựng một trật tự quốc tế công bằng hơn. Môi trường hợp tác trong BRICS sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia cùng nhau thúc đẩy các dự án phát triển kinh tế tự chủ và đóng góp cho sự ổn định, thịnh vượng toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam có thể đóng vai trò "cầu nối" giữa BRICS với ASEAN, góp phần cân bằng ảnh hưởng quốc tế và thúc đẩy các sáng kiến mới, từ hệ thống thanh toán quốc tế độc lập đến các chuỗi cung ứng khu vực. Brazil, quốc gia Chủ tịch BRICS 2025, khẳng định sự góp mặt của Việt Nam, với vai trò và vị thế ngày càng quan trọng tại châu Á và các nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam cùng phát triển bền vững của Việt Nam phù hợp với lợi ích chung của BRICS.