Trung Quốc sẽ chỉ ra những thách thức gì tại kỳ họp Quốc hội tới?

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tiếp tục gia tăng, khiến Bắc Kinh phải đẩy nhanh việc chuyển dịch nền kinh tế, từ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu sang dựa trên tiêu dùng và công nghệ sản xuất trong nước.

Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) sẽ khai mạc phiên họp thường niên vào ngày 5/3. Nội dung kỳ họp lần này nhằm vạch ra lộ trình phục hồi kinh tế và công bố kế hoạch 5 năm để ngăn chặn tình trạng trì trệ.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ công bố kế hoạch công tác của chính phủ năm 2021. Theo các nguồn tin của Reuters, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp Chính phủ Trung Quốc không công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế cụ thể, do tác động khó lường của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng nội địa.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại một dây chuyền sản xuất của Qingdao Jifa Group, Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Dự kiến cùng ngày, Trung Quốc sẽ công bố kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch trên đặt ra yêu cầu cải cách nhanh chóng để giải phóng các động lực tăng trưởng mới và làm cho nền kinh tế đổi mới hơn. Các nguồn tin cho biết mục tiêu của kế hoạch lần này là giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5% trong 5 năm tới.

Quốc hội Trung Quốc cũng có thể thảo luận về việc cải cách quy trình bầu cử ở Hong Kong, khu vực Bắc Kinh đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn do bất ổn kéo dài kể từ năm 2019.

Kỳ họp quốc hội năm nay sẽ diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân, nằm đối diện với Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh. Thời gian diễn ra kỳ họp lần này đã quay trở lại theo lịch truyền thống vào ngày 5/3, sau khi bị gián đoạn vào năm ngoái do dịch bệnh.

“Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 sẽ dành ưu tiên gần như tuyệt đối cho khoa học, công nghệ và đổi mới”, một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh là China Policy đưa ra trong một báo cáo gần đây.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng kéo theo việc Mỹ cấm cung cấp chất bán dẫn cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei đã cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nhập khẩu.

“Ngoài việc nâng cao năng suất, thúc đẩy tiêu dùng, hồi sinh vùng nông thôn và làm sạch môi trường, trở thành cường quốc công nghệ là một vấn đề an ninh quốc gia", China Policy cho biết.

Tránh bị sập bẫy

Chủ tịch Tập Cận Bình, với uy tín gia tăng ở trong nước sau khi điều hành kinh tế hồi phục từ dịch COVID-19, hướng tới mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước “thu nhập cao” vào năm 2025 và thành nước “phát triển vừa phải” vào năm 2035. Khi đó, quy mô nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi mức năm 2020.

Để thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc toàn cầu của ông Tập Cận Bình, kế hoạch 5 năm tới đây sẽ phải đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Đây là khái niệm nhằm đề cập tới các nước thất bại trong việc tăng năng suất và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Ông Jia Kang, Giám đốc Viện Kinh tế về Nguồn cung mới của Trung Quốc, nói với Reuters rằng Trung Quốc cần đạt được những bước đột phá trong các lĩnh vực chủ chốt về công nghệ đang bị kiểm soát bởi các công ty nước ngoài, chẳng hạn như chip, máy in thạch bản và hệ điều hành.

Ông Kang cho hay: “Kế hoạch sẽ không giới hạn trong giai đoạn 5 năm lần thứ 14, nó sẽ được nối dài đến năm 2035 để làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự phát triển bền vững sau khi vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh có trụ sở tại London dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó, do sự phục hồi trái ngược nhau của hai quốc gia từ đại dịch.

Chú thích ảnh
Cảng Xiuying ở Hải Khẩu, Trung Quốc. Ảnh: China News Service

Nguy cơ phục hồi không đều

Theo nguồn tin từ nội bộ Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách sẽ giảm quy mô hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm nay sau hàng loạt các biện pháp kích thích của năm ngoái. Các biện pháp hỗ trợ sẽ được thực hiện một cách thận trọng vì lo ngại sự phục hồi chưa ổn định, khi tiêu dùng suy giảm và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

Trước cuộc họp, các cố vấn chính sách đã khuyến nghị Trung Quốc nên đặt mức thâm hụt ngân sách năm 2021 nằm trong khoảng từ 3% đến 3,5% GDP, so với mức trên 3,6% của năm ngoái.
Theo văn bản của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố vào hôm 26/2, sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chưa ổn định.

Ông Liu Shijin, cố vấn chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhận định hôm 26/2 rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng ở mức 8-9% vào năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi trên xuất phát từ nền tảng thấp của năm 2020, đồng nghĩa với việc Trung Quốc chưa thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng cao.

Đức Trí/Báo Tin tức
Vận chuyển vaccine COVID-19 – thách thức an ninh đáng được dựng phim
Vận chuyển vaccine COVID-19 – thách thức an ninh đáng được dựng phim

Các công ty vận chuyển đang sử dụng cả công tác khẩn cấp, nút bấm báo động, vệ sĩ mặc thường phục cùng hàng tấn thiết bị giám sát để bảo đảm việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN