Trung Quốc sẽ áp dụng quy tắc ngầm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Việc áp dụng “luật bất thành văn” đã tồn tại nhiều năm tại Trung Quốc khiến các công ty nước ngoài khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Với tình hình diễn biến căng thẳng thương mại ngày một leo thang với Mỹ, những quy định ngầm có thể trở thành một loại vũ khí mà Bắc Kinh dùng để đối phó với Washington.

Chú thích ảnh
Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung trên một trang bìa tạp chí ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo trong báo cáo mới nhất rằng bước tiếp theo của Bắc Kinh trong việc trả đũa các mức thuế của Washington có thể xuất hiện dưới dạng các "quy tắc ngầm" áp dụng cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc.

Trong một vài năm qua, Bắc Kinh áp dụng khoảng 300 tiêu chuẩn an ninh mạng quốc gia. Những tiêu chuẩn này quy định cách thức các công ty nước ngoài, chủ yếu là các công ty sản xuất phần mềm và phần cứng, hoạt động trên thị trường Trung Quốc. Mặc dù các tiêu chuẩn này chỉ được coi là "được đề nghị", nhưng thực tế là nếu một công ty nước ngoài muốn làm việc với chính phủ hoặc các công ty liên quan đến chính phủ ở Trung Quốc, họ buộc phải đáp ứng các yêu cầu này.

Quy tắc "ngầm" làm cho thị trường Trung Quốc trở nên phức tạp hơn đối với tất cả các công ty nước ngoài muốn tiếp cận. Họ không chỉ bị buộc phải thay đổi sản phẩm để thích nghi mà còn phải tiết lộ dữ liệu nhạy cảm, sơ đồ và các bộ phận của mã nguồn để đạt được chứng nhận. Không giống công ty bản địa, các công ty nước ngoài không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu nhạy cảm về sản phẩm.

Báo cáo lưu ý từ ngữ mơ hồ trong các tiêu chuẩn “bất thành văn” này cho phép Bắc Kinh trì hoãn và từ chối chứng nhận cho các công ty Mỹ, ngăn chặn các công ty mới đến Trung Quốc và thậm chí buộc doanh nghiệp nước ngoài vốn dĩ đã gây dựng thành công tại đây rời đi. Theo báo cáo của CSIS, các quy định này cũng có thể trở thành một công cụ thương lượng trong các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, Samm Sacks - một trong những tác giả của báo cáo - cho biết Trung Quốc có khả năng sử dụng "công cụ vô hình" này làm một biện pháp đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, bà cảnh báo việc thực hiện các quy tắc ngầm có thể vượt ra ngoài cuộc chiến thương mại.

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Washington thông qua một loạt các mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã có những hành vi thương mại không công bằng và làm tổn thương cán cân thương mại của Washington.

Ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ đô la. Cuối tháng 7, Mỹ đã áp thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Gần đây, Nhà Trắng cam kết áp dụng mức thuế 25% lên số  sản phẩm Trung Quốc trị giá 16 tỷ đô la, có hiệu lực từ ngày 23/8. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã phản ứng với các biện pháp trả đũa tương tự, áp thuế nhập khẩu 25% lên hàng hóa nhập khẩu Mỹ trị giá 60 tỷ đô la, trong đó có khí đốt thiên nhiên và máy bay.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Hôm nay tuyên án vụ ám sát công dân Triều Tiên, Đoàn Thị Hương được tin sẽ trắng án
Hôm nay tuyên án vụ ám sát công dân Triều Tiên, Đoàn Thị Hương được tin sẽ trắng án

Ngay trước ngày tòa án Malaysia ra phán quyết đầu tiên về vụ ám sát công dân Triều Tiên bị nghi là ông Kim Jong-nam, luật sư bào chữa của nghi phạm Đoàn Thị Hương cho biết ông "rất tự tin" Hương sẽ được tha bổng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN