Nhật báo "Strait Times" của Singapore số ra mới đây đã đăng bài bình luận về Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng của mình, bất chấp những rủi ro tiềm tàng, để tránh sự phụ thuộc vào tuyến vận tải hàng hải qua Đông Nam Á.Đường ống dẫn khí từ Myanmar tới Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Theo bài viết, trong tuần qua hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới dài hơn 1.100km từ Myanmar, xuyên qua rừng rậm núi cao để đến Côn Minh ở Tây Nam Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến số khí đốt từ Myanmar này, được bơm từ một mỏ ngoài khơi ở Vịnh Bengal, sẽ đến Trung Quốc vào tháng 8 hoặc tháng 9.
Khi hoạt động đầy đủ công suất, hệ thống đường ống này sẽ chuyển được 12 tỷ m3 khí mỗi năm, tương đương 30% lượng nhập khẩu hàng năm và 1/20 lượng tiêu thụ khí đốt trong năm 2012 của Trung Quốc. Một hệ thống đường ống dẫn dầu song song, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay, cũng có thể chuyển 22 triệu tấn dầu thô từ châu Phi và Trung Đông, tương đương 1/12 lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm ngoái.
Hãng tin Tân Hoa Xã đã mô tả các hệ thống ống dẫn này là “những kênh nhiên liệu chiến lược mới của Trung Quốc”. Đây là tuyến đường vận chuyển dầu khí nhập khẩu thay thế quan trọng trong trường hợp các eo biển chật chội và tương đối nhỏ hẹp ở Malacca và Singapore bị phong tỏa bởi cướp biển, khủng bố, tai nạn hay xung đột.
Kể từ năm 2010, hơn 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua các eo biển này. Đây cũng là tuyến đường hàng hải ngắn nhất giữa Trung Đông/Bắc Phi với các cảng biển ở bờ Đông Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại rằng tuyến đường nhiên liệu huyết mạch này có thể bị chặn lại trong trường hợp xảy ra đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Nó cũng có thể bị gián đoạn nếu đụng độ xảy ra giữa Trung Quốc với đồng minh hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ là Nhật Bản liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông. Sự va chạm với Phillippine - một đồng minh khác của Mỹ, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cũng có thể dẫn đến hậu quả tương tự.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi sự dễ bị tổn thương này là “thế tiến thoái lưỡng nan Malacca”. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành thương thảo một loạt tuyến đường vận chuyển và nguồn cung nhiên liệu thay thế khác. Đầu tiên, họ xây một đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan, nơi có nguồn trữ dầu lớn thứ 12 thế giới. Tuyến đường đến Trung Quốc đã đi vào hoạt động từ năm 2006 và công suất của nó đang được tăng gấp đôi.
Năm 2011, Nga bắt đầu xuất khẩu dầu sang Trung Quốc qua hệ thống đường ống này. Tháng trước, Moscow thông báo sẽ tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu hàng năm qua ống dẫn sang Trung Quốc lên 30 triệu tấn vào năm 2018 và lên 46 triệu tấn sau đó. Theo giới chức Nga, thỏa thuận này trị giá 270 tỷ USD và sẽ kéo dài ít nhất 25 năm. Hiện Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận mua khí đốt lớn chuyển qua ống dẫn với Nga. Bất chấp nhiều năm đàm phán, hai bên vẫn chưa thể nhất trí được mức giá. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn diễn ra với Moscow về hai đường ống cung cấp cho Trung Quốc gần 70 tỷ m3 khí/năm.
Trong khi đó, một hệ thống đường ống khác có công suất tối đa 40 tỷ m3 khí hàng năm từ Turkmenistan đến Trung Quốc cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2009. Quốc gia Trung Á này hiện có nguồn trữ dầu lớn thứ 4 thế giới, sau Nga, Iran và Saudi Arabia.
Với những dự án đã hoàn thành và được nhất trí đó, Trung Quốc có thể đáp ứng được 35% nhu cầu khí đốt và 25% nhu cầu dầu mỏ hiện tại của mình qua các đường ống dẫn trên đất liền. Điều đó có nghĩa Bắc Kinh sẽ bớt phụ thuộc vào các eo biển Đông Nam Á. Dĩ nhiên, sẽ là mạo hiểm nếu phụ thuộc vào các tuyến đường mới, bởi không thể không tính đến những vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất, tranh chấp hợp đồng hay hư hại nghiêm trọng nếu xảy ra tai nạn, địch họa hay thiên tai. Song, Trung Quốc cần đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu của mình qua các hệ thống vận tải đường bộ, đường không và đường biển. Họ cần khí đốt để thay thế cho than đá gây ô nhiễm.
Thực tế cho thấy nhu cầu dầu khí ở Trung Quốc trong những năm gần đây tăng nhanh đến mức những đường ống mới sẽ không đủ để giảm bớt sự phụ thuộc của họ với các tuyến đường hàng hải, đặc biệt thông qua Malacca và Singapore, trong thời gian dài tới. Đó có thể là lý do vì sao Trung Quốc lại tỏ ra rất quan tâm đến một tuyến đường cung nhiên liệu trên bộ nhiều mạo hiểm. Tuyến đường này sẽ chạy qua khu vực phía Tây hẻo lánh Tân Cương, dọc theo một trong những khu vực núi non hiểm trở nhất và cao nhất thế giới. Nó cũng sẽ đi qua nhiều khu vực hỗn loạn ở Pakistan trước khi đến Gwadar - một cảng nước sâu cạnh Đại Tây Dương và Vịnh Arập.
Đầu tháng này, Trung Quốc và Pakistan đã nhất trí phát triển kế hoạch dài hạn cho một “hành lang kinh tế” kết nối Kashgar ở Tân Cương với Gwadar, cách đó hơn 2.000km. Quyền kiểm soát Gwadar đã được chuyển từ công ty PSA International của Singapore sang một công ty cổ phần cảng nhà nước Trung Quốc.
Gwadar cách không xa lối vào Vịnh Persique giàu năng lượng. Nếu dầu mỏ từ đây và châu Phi có thể được chuyển đến cảng này và từ đó dẫn đến Trung Quốc, nó sẽ đa dạng hơn nữa những lựa chọn nguồn cung năng lượng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, vẫn còn những bất ổn về việc liệu lợi ích này với Trung Quốc có giá trị hơn những chi phí và rủi ro trong việc xây dựng và đảm bảo an ninh cho một hành lang dài như thế trước những rào cản địa lý hay không.
TTK