Tuy không là tâm điểm trong vấn đề khủng hoảng ở Ukraine nhưng Trung Quốc có thể trở thành một nhà hòa giải quan trọng trong các vấn đề quốc tế giữa Nga và phương Tây.Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trước đây chỉ giới hạn ở lá phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng từ khi khủng hoảng ở Crimea (Crưm) bùng phát, tất cả các bên đều muốn lôi kéo sự ủng hộ của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện các cuộc “điện đàm ngoại giao” với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm cho lãnh đạo các nước liên quan tới tình hình Ukraine. |
Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 15/3 về việc không thừa nhận kết quả trưng cầu dân ý ly khai của Cộng hòa tự trị Crimea. Các bên hiểu quyết định của Trung Quốc theo nhiều hướng khác nhau nhưng đều cho rằng điều này có lợi cho họ.
Thế giới vẫn còn nhớ bóng đen của Chiến tranh Lạnh và những người ủng hộ hòa bình không mong muốn tình trạng này tái diễn. Bởi đó, chính phủ Trung Quốc đã không chọn cách đứng ra ngoài những gì đang diễn ra. Trong cuộc gọi với lãnh đạo ba nước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy tất cả các bên sử dụng biện pháp chính trị và ngoại giao để xoa dịu căng thẳng.
Nếu Trung Quốc bước qua được phương châm ngoại giao “không can dự” mà họ đã duy trì trong nhiều năm và chủ động hơn trong việc hòa giải giữa Nga và phương Tây, thì họ có thể tạo ra đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định thế giới.
Trung Quốc đã từng trải qua “ngoại giao cách mạng”, “ngoại giao xây dựng” và hiện giờ đang bước vào thời kỳ “ngoại giao hồi sinh”. Những phát ngôn và hành động của Bắc Kinh không còn giới hạn trong phạm vi các vấn đề nội địa nữa.
Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thì lợi ích quốc gia và trách nhiệm của Trung Quốc với các vấn đề toàn cầu ngày càng mở rộng. Nếu như trước đây Trung Quốc thường né tránh các vấn đề thì hiện tại họ phải thể hiện quan điểm rõ ràng.
Lệnh cấm vận phương Tây áp đặt với Nga về vấn đề Ukraine có mức độ không quá nghiêm khắc, một phần vì do EU phụ thuộc lớn vào năng lượng của Nga, phần khác là vì Mỹ và EU cố tình dành chỗ cho các giải pháp hòa giải ngoại giao. Bởi vậy các nước phương Tây vẫn cố gắng kêu gọi Nga không gửi lực lượng quân sự tới Ukraine và tiến hành đối thoại với chính quyền mới ở Kiev.
Trong khi đó, Nga vẫn chưa hoàn toàn đóng cánh cửa ngoại giao. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục duy trì liên lạc. Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc đẩy Nga đồng ý quan sát viên quốc tế tới Ukraine trong khi Putin vẫn chưa phản đối điều này một cách chính thức.
Vẫn còn hi vọngTất cả những điều trên chỉ ra rằng căng thẳng hai bên chưa đặt tới mức không thể hòa giải. Tại thời điểm này, một giải pháp hòa giải có trọng lượng và nhiệt tình có thể đóng vai trò to lớn và không một nước nào thích hợp hơn Trung Quốc thực hiện vai trò này. Trung Quốc có thể cân nhắc việc gửi đại sứ tới Moskva, Kiev thậm chí Brussels và Washington để tìm ra giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên.
Để ngăn chặn tình trạng căng thẳng leo thang, Kiev và phương Tây có thể phải "hi sinh" Crimea để đạt được những cam kết hòa bình khác từ phía Nga. Với những gì đã xảy ra ở Ukraine thì việc “khôi phục” tình trạng Crimea như trước đây là điều không thể. Bên cạnh đó, Nga cũng tuyên bố sẽ không xâm phạm các vùng khác của Ukraine.
Sẽ là một thách thức hết sức to lớn cho Trung Quốc khi đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây. Nếu Trung Quốc chấp nhận thực hiện giải pháp hòa giải thì đây là một bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc vì nước này luôn thực hiện chiến lược ngoại giao “giấu mình”. Trung Quốc không nên tự gây khó cho mình khi giải quyết những bất đồng giữa Nga và phương Tây nhưng nên chủ động tham gia xây dựng hòa bình, ổn định ở khu vực vùng đệm Á – Âu. Trong nỗ lực ngoại giao, Trung Quốc cần phải công bằng và hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý quốc tế.
Đức Trung (Theo World Crunch)