Vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Sau khi bán đảo Crimea (Crưm) hoàn tất mọi thủ tục pháp lý để sáp nhập vào Nga, thế trận giữa Nga và phương Tây đã xảy ra sự đối kháng kịch liệt nhất từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh kết thúc. Với cục diện căng thẳng hiện nay, thái độ lập trường của Trung Quốc trên cương vị là một trong năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng được đặc biệt quan tâm chú ý.

Ngày 3/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương bày tỏ, về vấn đề Ukraine, lập trường của Trung Quốc vừa giữ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và các bên cần giữ hòa bình và ổn định tại khu vực thông qua đối thoại và đàm phán.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Bắc Kinh đã có buổi trao đổi với chuyên gia Vạn Thành Tài, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới - Tân Hoa xã, nguyên Trưởng Phân xã Tân Hoa xã tại Nga, về quan điểm của Trung Quốc trước việc phương Tây trừng phạt Nga và quan hệ hiệp tác đối tác chiến lược Trung - Nga trong thời gian tới.

Ông Vạn Thành Tài.


Nhà nghiên cứu Vạn Thành Tài cho hay, trước hết phải nói, việc phương Tây trừng phạt các quốc gia không nghe theo mình là điều thường thấy, không có gì phải ngạc nhiên. Theo ông, Nga cũng không hề lo ngại bị cấm vận, nhưng chắc chắn là có ảnh hưởng và Nga đã chuẩn bị tâm lý để ứng phó với việc này.

Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, phương Tây cũng không thể làm gì để tự gây thêm tổn hại lớn cho mình, cấm vận bước một chỉ là về visa, tài sản, cấm vận bước hai liên quan trực tiếp đến kinh tế, tuy nhiên quan điểm về vấn đề này của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu lại có khác biệt khi 1/3 khí đốt và 1/4 dầu khí ở châu Âu là do Nga cung cấp, ngay cả Ukraine và một số nước Đông Âu cũng nhập khẩu tới 90% khí gas từ Nga.

Nếu đến mức châu Âu phải áp dụng lệnh trừng phạt nặng nhất thì Nga sẽ có biện pháp mạnh để đáp trả, như vậy hoạt động kinh doanh đầu tư của các nước phương Tây ở Nga có thể bị đình trệ, chính vì vậy, châu Âu sẽ rất thận trọng.

Về vấn đề này, Trung Quốc cho rằng tình hình Ukraine khủng hoảng như hiện nay là có nguyên nhân đằng sau nó. Trung Quốc mong muốn các bên có thể giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hiệp thương chính trị, không để tình hình căng thẳng leo thang, vì hòa bình ổn định tại khu vực.

Trung Quốc không ủng hộ cũng không phản đối là bởi xuất phát từ các lý do về lịch sử, văn hóa và các chính sách của châu Âu đối với Nga; nhìn nhận một cách tổng thể và khách quan mà nói, vấn đề lãnh thổ cần được bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của nước khác. Theo ông Vạn Thành Tài muốn giải quyết được vấn đề Ukraine cần có sự đánh giá và cân nhắc toàn diện, ở đây có nhiều nguyên do lịch sử và nhân tố hiện thực phức tạp, đan chéo vào nhau, trong ngẫu nhiên ẩn chứa điều tất yếu. 

Về mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây sẽ ảnh hưởng như thế nào quan hệ hợp tác Trung - Nga và vai trò của Trung Quốc trong vấn đề này, nhà nghiên cứu Vạn Thành Tài cho rằng, xét về bản chất, quan hệ Trung – Nga không chịu ảnh hưởng gì từ sự kiện Ukraine.

Sau khi Liên Xô giải thể, từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay quan hệ Trung Nga không ngừng phát triển. Năm ngoái Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga, năm nay đến Sochi dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông. Trên cơ sở nhận thức chung mà hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được, nhiều dự án hợp tác lớn được ký kết hoặc đã ký thỏa thuận hợp tác. Có hay không có sự kiện Ukraine nảy sinh thì quan hệ hiệp tác đối tác chiến lược toàn diện Trung Nga sẽ vẫn phát triển.

Có thể nói thêm, quan hệ hiệp tác đối tác chiến lược toàn diện là khi có cùng quan điểm về vấn đề nào đó thì hai bên sẽ hợp tác, nếu khác quan điểm thì sẽ không ủng hộ nhưng cũng không can dự lẫn nhau.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga được quyết định bởi lợi ích chung của hai nước, không phải vì một sự việc, một vấn đề nào đó mà dễ dàng bị ảnh hưởng. Đến nay, hai nước đã giải quyết được vấn đề biên giới, quan điểm đối với các vấn đề quốc tế khá thống nhất. Sự kiện Ukraine sẽ chỉ xảy ra trong thời gian nhất định, không thể mãi như thế, phương Tây cũng không dồn hết công sức vì Ukraine, hay vì Crimea mà chỉ coi đó là quân cờ để kiềm chế Nga, và Nga thì không cho phép điều đó. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, tuy nhiên sẽ phải có cách để hóa giải bằng con đường đối thoại.

Trung Quốc trước sau như một đều giữ nguyên tắc giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc với thái độ khách quan và công bằng đã và sẽ tiếp tục tích cực phát huy vai trò mang tính xây dựng thúc đẩy giải quyết vấn đề Ukraine thông qua con đường chính trị. Ông Vạn Thành Tài bày tỏ luôn hi vọng quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây sẽ sớm được cải thiện, như vậy sẽ có lợi cho toàn thế giới.

Dự đoán về bức tranh quan hệ quốc tế hậu Crimea, nhà nghiên cứu Vạn Thành Tài cho rằng, bức tranh quan hệ quốc tế sẽ không có thay đổi gì lớn bởi trật tự thế giới hiện nay không phải chỉ có Nga và các nước phương Tây có thể quyết định được. Trước đây, chỉ có Liên Xô và Mỹ quyết định vận mệnh thế giới, quan hệ giữa hai nước này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi trên toàn thế giới. Bây giờ là thế giới đa cực chứ không phải đơn cực, nên có thể nói sự kiện này không làm thay đổi xu hướng phát triển trong ổn định và hòa bình trên toàn thế giới.    

Nga là một nước lớn, chính sách đối ngoại của ông Putin là độc lập tự chủ, phục vụ cho sự phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh cho quốc gia. Trên cơ sở này, Nga cũng vẫn mong muốn có thể cải thiện được mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây, đồng thời các nước phương Tây sẽ không đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm mà giữ dư địa nhất định. Cấm vận trong nửa năm có thể là thời gian để các bên tìm ra cách thức giải quyết bất đồng một cách hữu hiệu, vì không thể cứ như thế mãi, rồi các nước vẫn phải quan hệ với nhau, nhất là quan hệ với Nga, một nước lớn trên thế giới.   

Châu Âu không thể xảy ra chiến tranh với Nga, mà chỉ coi Ukraine là điểm mấu chốt để kiềm chế Nga, họ nghĩ mình có quyền và có trách nhiệm bảo vệ Ukraine trước Nga. Phương Tây nghĩ rằng lật đổ được chính quyền Ukraine, Nga sẽ đối mặt với tổn thất to lớn. Nhưng với vị thế hiện nay, ông Putin đã có uy tín lớn. Hơn nữa nếu không làm như thế, ông Putin sẽ nhận phải sự chỉ trích từ trong nước.

Theo ông Vạn Thành Tài, nếu diễn biến lên tới đỉnh điểm thì có lẽ chính châu Âu lại trở thành quân cờ bị Mỹ điều khiển.


Tường Thu (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)


Nga, Trung bắt tay - “Cơn ác mộng” với phương Tây
Nga, Trung bắt tay - “Cơn ác mộng” với phương Tây

Lệnh trừng phạt sẽ đẩy Moskva lại gần Bắc Kinh hơn trong một kịch bản có thể là “cơn ác mộng” đối với Mỹ và phương Tây, khi Moskva đẩy mạnh doanh số bán hàng quốc phòng sang Trung Quốc và định hướng lại xuất khẩu năng lượng của mình từ châu Âu xuống phía Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN