Trung Quốc cảnh báo về cuộc chiến tiền tệ mới

Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), Trung Quốc vừa đưa ra lời cảnh báo mới về hiện tượng các nước giàu phá giá đồng tiền nhằm tăng tính cạnh tranh của mình, và cho rằng các thị trường mới nổi sẽ phải trá giá cho cái gọi là “cuộc chiến tiền tệ”.


 

Trung Quốc muốn giữ nguyên tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD.

 

Phát biểu tại phiên họp của Quốc hội Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh ngày 8/3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cho biết, vấn đề lo ngại nhất đối với nền kinh tế toàn cầu năm nay là lạm phát, phá giá tiền tệ để cạnh tranh và những ảnh hưởng tiêu cực từ việc phát hành quá nhiều những đồng tiền chủ chốt. Theo ông, việc phá giá những đồng tiền chủ chốt một cách có chủ định có thể gây "ảnh hưởng lớn" đến các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc. Bắc Kinh cũng bày tỏ lo ngại rằng một "cuộc chiến tiền tệ" sẽ làm tổn hại đến các nhà xuất khẩu của nước này, đồng thời đẩy giá cả hàng hóa trên toàn cầu đi lên và làm tăng tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc - nước vốn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên.


Những lo ngại mang tính toàn cầu về việc phá giá đồng tiền đã bắt đầu gia tăng kể từ tháng 1/2013 khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này sẽ mua lại trái phiếu chính phủ với số lượng không hạn chế nhằm kích thích nền kinh tế. Ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tái khẳng định cam kết tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mang tính "hỗ trợ" trong bối cảnh khu vực đồng euro đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 11,9%.


Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G20 diễn ra tại Mátxcơva hồi tháng trước, ông Trần Đức Minh cũng kêu gọi các nước trong nhóm G20 tuân thủ cam kết của mình, không "đặt ra mục tiêu cho tỷ giá hối đoái vì mục đích cạnh tranh". Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại rằng dòng vốn đầu tư vào nước này sẽ giảm mạnh do chính sách tiền tệ lỏng lẻo ở các nước phát triển. Từ cuối năm ngoái, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu phục hồi và đồng yên của Nhật Bản giảm giá mạnh, đã có những dấu hiệu cho thấy dòng vốn đầu tư đã tăng trở lại. Tuần này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBC) cho biết các công ty và các cá nhân đã bán lượng ngoại tệ trị giá lên tới 684 tỷ Nhân dân tệ (109 tỷ USD) và mua một khối lượng đồng Nhân dân tệ tương đương trong tháng 1/2013, mức cao kỷ lục tính theo từng tháng.


Trung Quốc đang có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất trên thế giới với 3.000 tỷ USD và do vậy nước này có thể bị ảnh hưởng nặng nề liên quan đến việc phá giá đồng tiền. Phó Thống đốc PBC Dị Cương hồi tuần trước cho biết Trung Quốc hy vọng có thể tránh được "cuộc chiến" tiền tệ, nhưng cũng sẽ tiến hành các bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị đối phó với khả năng này. Theo đó, PBC đã bắt đầu tăng cường việc rút tiền mặt khỏi nền kinh tế, một cách thức nhằm hạn chế ảnh hưởng có thể gây ra lạm phát từ dòng vốn đầu tư đổ vào Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn hạn chế được những ảnh hưởng từ dòng vốn đầu tư từ nước ngoài tốt hơn so với nhiều nước khác do nước này vẫn kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này.


Trước đây, mỗi khi bàn đến về các cuộc chiến tiền tệ cũng như khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đều tỏ ý muốn giữ nguyên tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, nhằm ngăn chặn đồng Nhân dân tệ tăng giá và thể hiện sự ổn định của đồng tiền này. Năm ngoái, PBC đã cho phép đồng Nhân dân tệ giao dịch với đồng USD trong một biên độ rộng hơn một chút. Tuy nhiên, biên độ này đã bị thu hẹp trong những tháng vừa qua ngay cả khi luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng lên. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh một lần nữa lại can thiệp nhằm giữ nguyên giá trị đồng tiền của nước này.


Huy Hiệp (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN