Trừng phạt Nga phơi bày ‘lỗ hổng’ của các nhà sản xuất vũ khí phương Tây

Có bốn nhà cung cấp titan hàng không vũ trụ lớn là: VSMPO (Nga), TIMET, ATI và Howmet Aerospace (Mỹ), trong đó công ty Nga sản xuất gần một nửa nguồn cung hợp kim titan toàn cầu cho ngành hàng không vũ trụ.

Chú thích ảnh
Một thợ kim khí máy bay đang mài một mảnh titan - kim loại đóng vai trò quan trọng trong sản xuất động cơ và cấu trúc hàng không. Ảnh: Không quân Mỹ

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine lại khiến địa chính trị một lần nữa thu hút sự chú ý của cả thế giới và các nhà đầu tư.

Từ góc độ kinh tế, các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn do phương Tây áp đặt, ngắt Nga khỏi các mạng lưới giao dịch tài chính toàn cầu nhằm gây tác động tàn phá đến nền kinh tế Nga, sẽ mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, để phục hồi. Ngân hàng Trung ương của Nga gần đây đã cảnh báo về một "sự chuyển đổi cơ cấu quy mô lớn" với nền kinh tế và duy trì lãi suất ở mức 20% để hỗ trợ đồng ruble đang lao dốc.

Nhiều công ty ở Mỹ, châu Âu và các nước khác hoạt động kinh doanh trên phạm vi quốc tế đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt này. Trường Quản lý của Đại học Yale đã thu thập thông tin chi tiết từ hơn 400 tập đoàn lớn đã rút lui, đình chỉ hoặc thu hẹp quy mô hoạt động ở Nga.

Nhiều công ty trong số đó hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng hoặc liên quan đến giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành quốc phòng của Mỹ (và các công ty hoạt động ở các nước NATO) lại hầu như không có mặt trong danh sách này. Điều đó có lý khi Lầu Năm Góc từ lâu không khuyến khích các nhà thầu quốc phòng sử dụng nguyên liệu thô hoặc các bộ phận của Nga.

Mặc dù vậy, vẫn có hai lỗ hổng bị phơi bày từ các lệnh trừng phạt Nga, đó là titan và chuỗi cung ứng các bộ phận bằng titan.

Titan và ngành rèn titan đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc hàng không và động cơ, vì chúng có khả năng chống ăn mòn điện (hiện tượng xảy ra khi hai vật liệu khác nhau được kết nối với nhau). Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 95% lượng titan mà nước này tiêu thụ. Các mỏ khai thác titan ở Mỹ đã đóng cửa từ năm 2016 đến năm 2020 vì các công ty có thể dễ dàng mua nguyên liệu nhập khẩu với giá thấp hơn chi phí sản xuất trong nước.

Trên toàn cầu, có bốn nhà cung cấp titan hàng không vũ trụ lớn là: VSMPO (Nga), TIMET, ATI và Howmet Aerospace (cả ba đều có trụ sở tại Mỹ). VSMPO sản xuất gần một nửa nguồn cung cấp toàn cầu hợp kim titan cho hàng không vũ trụ. Để chuẩn bị cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các công ty hàng không vũ trụ đã mua bất kỳ nguồn dự trữ titan nào có sẵn để phòng ngừa thiếu hụt trong tương lai.

Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun tuyên bố rằng công ty, vốn nhập 35-40% lượng titan sử dụng từ VSMPO, “sẽ được bảo vệ trong một thời gian khá dài, nhưng không phải là mãi mãi”. Spirit AeroSystems và Pratt & Whitney cũng đề cập công khai rằng họ có các quy trình dự phòng để giảm thiểu rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Chú thích ảnh
 Nhà máy sản xuất titan của Boeing ở Ural, Nga. Ảnh: Getty Images

Máy bay quân sự không phải mặt hàng "miễn nhiễm" với lỗ hổng titan. Mặc dù ảnh hưởng ngắn hạn  còn chưa rõ, quy trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 có thể cảm nhận được sự thiếu hụt titan chừng nào chuỗi cung ứng chưa thể đối phó một cách chiến lược. 

Năm 2015, Alcoa đã giành được hợp đồng kéo dài 9 năm với giá trị ước tính khoảng 1,1 tỷ USD cung cấp titan cho Lockheed Martin. Với việc hợp đồng sắp được gia hạn, Văn phòng Chính sách Công nghiệp của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải theo dõi vấn đề này rất chặt chẽ. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Đạo luật Sản xuất quốc phòng được sử dụng dưới một số hình thức, nếu không giá F-35 sẽ tăng tương ứng.

Trong khi đó, các đơn đặt hàng quốc phòng và ngân sách tương lai ở Mỹ và châu Âu đang có sự tăng trưởng đáng kể. Ngân sách được đề xuất với nội các Đức bao gồm một quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (110 tỷ USD) và họ đang có kế hoạch mua 35 máy bay chiến đấu F-35A từ Mỹ. Ba Lan tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 3% tổng sản phẩm quốc nội. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi Phần Lan, Latvia và các quốc gia châu Âu khác có thể làm theo.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden vừa ký một dự luật ngân sách tăng hơn 30 tỷ USD so với yêu cầu chi tiêu quốc phòng ban đầu của ông, trong đó có khoản 6,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho các nước Đông Âu, bao gồm 3,5 tỷ USD viện trợ vũ khí bổ sung cho Ukraine. Con số này cao hơn con số hơn 1 tỷ USD mà Mỹ đã chi trong năm qua để cung cấp cho quân đội Ukraine các tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger.

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine cùng những dự báo về tình hình xảy ra tiếp theo, giá cổ phiếu ngành vũ khí - quốc phòng và sự quan tâm của nhà đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng vọt. Invesco Aerospace and Defense ETF chứng kiến tài sản do họ quản lý tăng hơn 80% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch tại Ukraine và giá cổ phiếu của các quỹ này đang ở mức cao lịch sử.

Các công ty quốc phòng có hoạt động sản xuất thương mại lớn sử dụng titan chịu nhiều tác động của các lệnh trừng phạt hơn (ví dụ như Boeing, Raytheon và Honeywell), trong khi những công ty tập trung vào phần cứng quốc phòng (như Lockheed Martin, Huntington Ingalls và Northrop Grumman) hoặc chiến tranh kỹ thuật số, công nghệ thông tin và phân tích cảm biến (chẳng hạn như CACI, ManTech, SAIC và Maxar Technologies) thường ở trạng thái độc lập với những nguồn cung nhạy cảm và dễ tránh được ảnh hưởng hơn.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)
Kế hoạch chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine: Sẽ đổ bể như vụ tiêm kích Mig-29?
Kế hoạch chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine: Sẽ đổ bể như vụ tiêm kích Mig-29?

Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa, nhằm hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Nhưng ý tưởng này đang gặp nhiều trở ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN