Kế hoạch chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine: Sẽ đổ bể như vụ tiêm kích Mig-29?

Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa, nhằm hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Nhưng ý tưởng này đang gặp nhiều trở ngại.

Chú thích ảnh
Bulgaria, Hy Lạp và Slovakia hiện sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Ảnh: ZumaPress

Tờ Financial Times ngày 24/3 dẫn lời giới chức Mỹ và phương Tây cho biết cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tầm xa có từ thời Liên Xô vấp phải nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến nguồn hàng và cách thức, con đường chuyển giao.

Những nỗ lực chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa rơi vào tình huống tương tự như thương vụ Ba Lan chuyển giao tiêm kích Mig-29 cho Ukraine và nhận lại F-16 từ Mỹ - một kế hoạch mà Mỹ từng theo đuổi, nhưng đã phải từ bỏ vì không khả thi.

Giới chuyên gia quốc phòng nhận định Ukraine cần hệ thống vũ khí phòng không tầm xa do Liên Xô hay Nga chế tạo, để có thể ngăn chặn hoạt động không kích của Nga. “Ukraine đang sử dụng những hệ thống S-300 để bắn hạ máy bay và tên lửa Nga. Họ thường xuyên đánh chặn tên lửa Nga. Trên thế giới, không có nhiều hệ thống vũ khí phòng không có được độ tin cậy cao như vậy”, Frederick Kagan, chuyên gia thuộc Viện Kinh doanh Mỹ (EIA) đánh giá về nhu cầu của quân đội Ukraine đối với hệ thống phòng thủ S-300.

Tại châu Âu, Slovakia, Hy Lạp, Bulgaria là những nước đang có trong kho vũ khí này và binh sĩ Ukraine đã quen với thao tác, sử dụng. Nhưng cả ba đều tỏ ra miễn cưỡng trước đề xuất của Mỹ về chuyển giao S-300 cho Ukraine, không muốn những hệ thống phòng thủ mới thay thế. Số này cũng lo ngại việc điều chuyển S-300 cho Kiev sẽ bị Moskva xem là hành vi gây hấn.

Tuần trước, Slovakia nói sẽ chuyển S-300 cho Ukraine nếu như nhận được hệ thống phòng thủ thay thế tương đương. Nhưng đến ngày 23/3, Slovakia đã rút lại tuyên tuyên bố này, cho biết chưa sẵn sàng. Hy Lạp và Bulgaria cũng lên tiếng loại trừ khả năng điều S-300 tới Ukraine ở thời điểm hiện tại.

Slovakia đã bắt đầu tiếp nhận những cấu thành của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo, được chuyển sang từ Đức. Đây là bước đi nằm trong kế hoạch triển khai bố trí quân sự tạm thời của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm ứng phó với cuộc chiến ở Ukraine. Hà Lan cũng đang gửi một hệ thống Patriot tới Slovakia.

Điều Bratislava mong muốn là hiện diện thường trực của Patriot trên lãnh thổ nước mình. Một quan chức Slovakia cho biết hệ thống do Đức chuyển sang chỉ hoạt động trong thời hạn 6 tháng, trong khi Slovakia lại chưa đủ nguồn lực kinh phí lên đến nhiều tỉ USD để mua sắm, trang bị các tổ hợp Patriot.

Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad nói rằng nếu có hoán đổi S-300, Slovakia muốn có một lựa chọn thay thế thường trực, chứ không phải là bố trí Patriot luân phiên, tạm thời. Còn theo một số quan chức khác, Bratislava e ngại bị Moskva coi là hành động thù địch.

Mỹ và Hy Lạp cũng mở các cuộc trao đổi về khả năng Athens điều hệ thống S-300 tới Ukraine. Nhưng Hy Lạp đã quyết định nói không với kế hoạch này, với lý do hệ tên lửa S-300 “đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của Hy Lạp”, một nhà ngoại giao nước này tiết lộ. Athens có viện trợ súng trường Kalashnikov, cũng như một số hệ thống phóng rocket cho Ukraine, nhưng từ chối chuyển các hệ thống vũ khí phòng không.

Câu trả lời “không” cũng đến từ Bulgaria. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tuần trước, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov khẳng định Sofia chỉ có thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine áp sát châu Âu.

Lưỡng lự và từ chối của Slovakia, Bulgaria, Hy Lạp gợi lại kế hoạch chết yểu về chuyển giao máy bay Mig-21 cho Ukraine. Đầu tháng này, Ba Lan cho biết sẽ xem xét chuyển mẫu tiêm kích này tới Ukraine, nhưng nhận lại từ Mỹ tiêm kích F-16.

Lầu Năm Góc ngày 9/3 chính thức từ bỏ kế hoạch hoán đổi trên. Mỹ từ chối vì lo sợ làm vậy sẽ khiến Nga leo thang phản ứng, riêng Lầu Năm Góc nhận định máy bay tiêm kích không giúp Kiev thay đổi cán cân sức mạnh không quân trước Nga.

Tuấn Linh/Báo Tin tức
NATO triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Slovakia
NATO triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Slovakia

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad ngày 20/3 xác nhận các đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot từ các nước đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu tới Slovakia. Công tác triển khai sẽ tiếp diễn trong những ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN