Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận bất ngờ giữa Iran và Saudi Arabia nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao có thể khiến Mỹ lo lắng, như vấn đề kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran và vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà môi giới hòa bình trong một khu vực mà Mỹ đã có ảnh hưởng từ lâu.
Đòn giáng mạnh với Mỹ
Thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran được công bố sau 4 ngày đàm phán bí mật ở Bắc Kinh giữa hai nước đối thủ ở Trung Đông. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm 10/3 rằng mặc dù Washington không tham gia trực tiếp, nhưng Saudi Arabia đã thông báo cho các quan chức Mỹ về các cuộc đàm phán với Iran.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng về các vấn đề từ thương mại đến gián điệp và hai cường quốc ngày càng cạnh tranh để giành ảnh hưởng ở các khu vực trên thế giới.
Ông Kirby dường như hạ thấp sự can dự của Trung Quốc vào thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran khi Nhà Trắng tin rằng áp lực bên trong và bên ngoài, bao gồm cả sự ngăn chặn hiệu quả của Saudi Arabia đối với các cuộc tấn công từ Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của họ, cuối cùng đã đưa Tehran đến bàn đàm phán.
Nhưng cựu quan chức cấp cao của Mỹ và Liên hợp quốc Jeffrey Feltman cho biết vai trò của Trung Quốc là khía cạnh quan trọng nhất của thỏa thuận. Ông Feltman, hiện là một thành viên tại Viện Brookings, cho biết: “Điều này sẽ được diễn giải - có lẽ chính xác - như một đòn giáng mạnh đối với chính quyền Biden và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc là cường quốc đang lên".
Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh Iran tăng tốc chương trình hạt nhân sau hai năm nỗ lực thất bại của Mỹ nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JOPOA) năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran phát triển bom hạt nhân. Những nỗ lực đó đã trở nên phức tạp bởi các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ đối với Tehran về các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, Brian Katulis, thuộc Viện Trung Đông, nhận định đối với Mỹ và Israel, thỏa thuận này đưa ra một "con đường khả thi mới" để khôi phục các cuộc đàm phán bị đình trệ về vấn đề hạt nhân Iran. "Saudi Arabia quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran. Nếu sự hợp tác mới này giữa Iran và Saudi Arabia có ý nghĩa, nó sẽ phải giải quyết những lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran".
Thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia cũng mang lại hy vọng về hòa bình bền vững hơn ở Yemen, nơi một cuộc xung đột nổ ra vào năm 2014 được nhiều người coi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran.
"Điều bất thường"
Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng sự tham gia của Trung Quốc trong việc môi giới thỏa thuận có thể có "ý nghĩa quan trọng" đối với Washington.
Theo chuyên gia Russel, việc Trung Quốc “tự mình hành động để giúp môi giới cho một thỏa thuận ngoại giao trong một tranh chấp mà họ không phải là một bên là điều bất thường”. "Câu hỏi đặt ra là, liệu đây có phải là tín hiệu của những diễn biến sắp tới? Đó có thể là điềm báo trước cho nỗ lực hòa giải của Trung Quốc giữa Nga và Ukraine khi ông Tập Cận Bình đến thăm Moskva?", vị chuyên gia trên lưu ý.
Naysan Rafati, nhà phân tích cấp cao về Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), cho biết khi nói đến Iran, rõ ràng là sẽ không tốt cho Mỹ. “Vào thời điểm Washington và các đối tác phương Tây đang gia tăng áp lực với Iran, Tehran sẽ tin rằng họ có thể phá vỡ sự cô lập và dựa vào vai trò của Trung Quốc”, nhà phân tích Rafati nói.
Trong khi đó, sự tham gia của Trung Quốc đã khiến Washington hoài nghi về động cơ của Bắc Kinh. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã bác bỏ việc Trung Quốc miêu tả mình là nhà môi giới hòa bình, nói rằng họ "không phải là một bên liên quan có trách nhiệm và không thể được tin cậy với tư cách là một nhà trung gian hòa giải công bằng hoặc vô tư".
Về phần mình, ông Kirby cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ động thái của Bắc Kinh ở Trung Đông và các nơi khác. Ông Kirby nói: “Đối với ảnh hưởng của Trung Quốc ở đó hoặc ở châu Phi hay châu Mỹ Latinh, chúng tôi không thể làm ngơ được. Chúng tôi chắc chắn tiếp tục theo dõi Trung Quốc khi họ cố gắng giành ảnh hưởng và chỗ đứng ở những nơi khác trên thế giới vì lợi ích của riêng họ".
Jon Alterman, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận xét, sự tham gia trên của Bắc Kinh làm tăng thêm quan điểm về sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời cho thấy sự hiện diện toàn cầu của Mỹ đang bị thu hẹp.
Ông Alterman nêu quan điểm: “Thông điệp mà Trung Quốc đang gửi đi là trong khi Mỹ là cường quốc quân sự vượt trội ở vùng Vịnh, thì Trung Quốc là một đại diện ngoại giao hùng mạnh với ảnh hưởng ngày càng tăng”.