Trung Đông trước nguy cơ bất ổn mới

Căng thẳng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã bùng phát thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn diện khi Riyadh và các đồng minh Arab Hồi giáo dòng Shi’ite cắt đứt hoặc hạ thấp quan hệ ngoại giao với Tehran.

Quang cảnh cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran, Iran ngày 3/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Những hành động “hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại” giữa hai bên trong những ngày qua đã làm tình hình khu vực Trung Đông thêm căng thẳng và khó dự đoán.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt nguồn từ vụ Saudi Arabia xử tử giáo sĩ dòng Shi’ite Sheikh al-Nimr đã làm dấy lên những lo ngại về sự gia tăng bạo lực giáo phái ở Trung Đông, Dư luận lo ngại vụ việc càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa mâu thuẫn vốn đã âm ỉ từ lâu giữa hai cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shi'ite và làm gia tăng bất ổn khắp khu vực.

Iran và Saudi Arabia là hai quốc gia chủ chốt của hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’ite trong khu vực. Hai nước lâu nay vẫn đối địch nhau trong một loạt vấn đề quan trọng ở Trung Đông, điển hình là cuộc xung đột tại Syria - nơi Tehran hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Riyadh ủng hộ các lực lượng nổi dậy, và tình hình căng thẳng tại Yemen - nơi Saudi Arabia dẫn đầu liên quân Arab chống lại phong trào Hồi giáo Houthi theo dòng Shi’ite do Iran “chống lưng”. Iran cáo buộc Saudi Arabia gây thiệt hại cho quyền lợi của khối Arab và Hồi giáo khi “ủng hộ các nhóm khủng bố theo dòng Sunni mà điển hình là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng". Ngược lại, Riyadh tố cáo Tehran tài trợ cho các tổ chức Hồi giáo Shi’ite cực đoan như phe Houthi ở Yemen hay phong trào vũ trang Hezbollah ở Liban, hoặc trực tiếp can dự vào Syria.

Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran, Iran bị phóng hỏa trong cuộc biểu tình ngày 2/1/2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” lâu nay giữa Saudi Arabia và Iran bắt nguồn từ việc hai quốc gia này luôn cạnh tranh vai trò ảnh hưởng trong khu vực. Cộng hòa Hồi giáo Iran và Vương quốc Saudi Arabia đều tự coi mình là người lãnh đạo và bảo vệ hai khối cộng đồng Hồi giáo riêng rẽ Shi’ite và Sunni, khiến dư luận cảm thấy trong mỗi cuộc xung đột, từ Liban tới Yemen hay Syria, Iraq đều mang bóng dáng một cuộc đối đầu giữa hai khối đối địch. Vụ xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr mới đây cũng có thể biến thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm thông qua các nhóm vũ trang Hồi giáo được Riyadh và Tehran hậu thuẫn, và có nguy cơ đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực “ăn miếng trả miếng”.

Sự căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran chỉ là một miếng ghép nhỏ trong bức tranh cạnh tranh địa chính trị ngày càng khốc liệt tại khu vực. Saudi Arabia sẽ phải thận trọng khi đối phó với những cuộc bạo động mới của người Shi'ite và nguy cơ tấn công khủng bố trong nước. Cho tới nay, những quốc gia đứng về phía Riyadh để đối chọi với Iran gồm Bahrain, Sudan và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Bahrain và Sudan đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong khi UAE (nước đang phối hợp quân sự chặt chẽ với Saudi Arabia tại Yemen, Libya và Syria) và mới nhất là Kuwait đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran bằng cách triệu hồi đại sứ về nước. Ai Cập, quốc gia cũng có công dân nằm trong nhóm 47 người vừa bị xử tử cùng giáo sĩ Nimr al-Nimr, cũng chọn thái độ thận trọng, lên án Iran nhưng dường như vẫn muốn duy trì cách tiếp cận cân bằng hơn đối với những cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.

Mối quan hệ xấu đi giữa Iran và Saudi Arabia sẽ khiến cho triển vọng các cuộc đàm phán về Syria dự kiến diễn ra trong tháng này càng ảm đạm. Các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 25/1 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) có thể sẽ bị “trì hoãn, nếu không muốn nói là ngừng hẳn”. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc chiến chống IS.

Ngoài ra, thị trường dầu mỏ cũng sẽ bị tác động. Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và có thể sẽ cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu - vốn đã xuống dưới mức 40 USD/thùng so với mức hơn 100 USD /thùng hồi mùa Hè năm 2014. Tuy nhiên, Saudi Arabia nói rằng họ sẵn sàng chịu tổn thất từ việc giá dầu giảm. Theo giới chuyên gia, một phần trong tính toán của Saudi Arabia là họ không muốn giúp đỡ Iran - quốc gia đang tiên liệu rằng việc các biện pháp trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ sẽ cho phép họ trở lại là nhân tố chính trên thị trường dầu mỏ. Saudi Arabia đang đặt cược rằng khoản dự trữ tiền mặt lớn của họ sẽ cho phép nước này cầm cự lâu hơn và duy trì thị phần dầu mỏ hiện nay so với Iran và các nước khác vốn có nền kinh tế yếu kém hơn. Nếu phân tích này là đúng, thì sản lượng dầu mỏ sẽ vẫn ở mức cao còn giá dầu thế giới sẽ vẫn ở mức thấp.

Trước nguy cơ sự đổ vỡ của mối quan hệ Riyadh - Tehran có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực, Liên hợp quốc đã cử đặc phái viên Staffan de Mistura tới Saudi Arabia và Iran để khởi động các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Nga - cường quốc có vai trò chủ chốt trong các cuộc xung đột ở Trung Đông- cũng đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng mới này, trong khi Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn chỉ dừng ở việc kêu gọi các bên xuống thang, ngồi vào đàm phán. Có vẻ như Mỹ và phương Tây, vốn đang tìm cách kiểm soát các mối quan hệ của họ với các đồng minh Arab truyền thống mà không làm ảnh hưởng đến chính sách thân thiện hơn với Iran, sẽ nỗ lực tránh xa các cuộc chiến hòng làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Iran và Saudi Arabia.

Một số nhà phân tích cho rằng tình hình căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia có thể leo thang tới các mức độ chưa từng có và không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước trong tương lai. Vì thế, các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn kịch bản này bởi n ếu điều đó xảy ra thì triển vọng giải quyết các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Yemen sẽ ngày càng thêm phức tạp, thậm chí rơi vào ngõ cụt và khu vực Trung Đông, vốn đầy rẫy bất ổn, càng trở nên nguy hiểm.

Nguyệt Ánh (TTXVN)
Mục đích của Saudi Arabia khi tử hình giáo sỹ al-Nimr
Mục đích của Saudi Arabia khi tử hình giáo sỹ al-Nimr

Riyadh nhận thức rõ rằng việc tử hình giáo sỹ Nimr al-Nimr sẽ bị quốc tế chỉ trích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực nhưng vẫn thực thi bằng được bởi nhiều mục đích khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN