Trung - Ấn đã kết thúc kỷ nguyên 'Hòa bình Lạnh'

Trong những năm gần đây, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng tại các vùng vùng biển tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông luôn là chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Những nỗ lực của Bắc Kinh, trong đó nòng cốt là lực lượng hải quân Trung Quốc, đã khiến châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực quân sự hóa nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi sự chú ý của thế giới đang tập trung vào những xung đột hàng hải tại khu vực này, có một quốc gia láng giềng ở phía nam Trung Quốc - Ấn Độ - đang thầm lặng trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.


Đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ không giống như cuộc đối đầu Trung - Nhật bởi vì tranh chấp giữa hai quốc gia có dân số đông nhất nhì thế giới này là dãy Himalaya - tranh chấp biên giới dài nhất trên thế giới và đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. So với cuộc đối đầu dễ biến động ở biển Đông và biển Hoa Đông, tranh chấp biên giới Trung - Ấn trên thực tế (nhưng không chính thức), hay còn gọi là Ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC) là khá ổn định. Đó là vì vào những năm 1980, hai nước đã thiết lập được một khuôn khổ mang tính lâu dài để kiểm soát xung đột và hợp tác ở những khu vực mà hai bên có lợi ích chung trong một giới hạn gọi là “hòa bình lạnh”.

Hiện Bắc Kinh và New Delhi đang ngày càng hợp tác sâu rộng cả về kinh tế và chính trị hơn bất cứ thời điểm nào so với trước đây. Thương mại song phương đã tăng lên 6-7 lần trong khoảng thời gian từ năm 1998 -2012, đồng thời quân đội hai nước cũng đã tổ chức cuộc diễn tập chung lần đầu tiên vào năm 2007, sau đó là năm 2008 và 2013. Đây là giai đoạn mà cả hai nước đang có cùng quan điểm và lợi ích chung về các vấn đề toàn cầu như các cuộc đàm phán thương mại, biến đổi khí hậu cũng như sự cần thiết phải cải tổ các thể chế quản lý toàn cầu. Quan trọng nhất là hai bên đã cam kết sẽ giảm nhẹ những căng thẳng vốn thường lặp đi lặp lại trong mối quan hệ song phương. Nghĩa là khi có những va chạm tại biên giới, hai bên sẽ phải kiềm chế, kiên nhẫn tìm cách giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Tuy nhiên, tính chất vừa hợp tác vừa đấu tranh vẫn tồn tại đan xen trong mối quan hệ này. Trong khi mặt hợp tác ngày càng chặt chẽ thì sự cạnh tranh chiến lược cũng không kém phần gay gắt. Hiện tượng  này cũng giống như mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Hợp tác ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao đi kèm với sự mất niềm tin chiến lược ngày càng tăng về an ninh.

Có lẽ đặc điểm chính của sự đối đầu Trung -Ấn là sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ. Năm 2012, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã gấp 4 lần Ấn Độ, tỷ lệ nghèo đói của Ấn Độ lớn gấp hơn 2 lần so với Trung Quốc (lần lượt là 29, 8% và 13,4%). Theo số liệu chính thức, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh năm 2013 là 119 tỷ USD gấp 3 lần so với con số 38 tỷ USD của Ấn Độ. New Delhi chỉ có một lợi thế có thể tận dụng trước Trung Quốc để có thể thu hẹp khoảng cách chiến lược này, đó là lợi thế nhân khẩu học. Năm 2012, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ đã tăng 12 triệu người trong khi của Trung Quốc lại sụt giảm tới hơn 3 triệu. Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 6/2013 về triển vọng dân số thế giới dự đoán dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2028.

Về trung hạn, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì khoảng cách này so với Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ vẫn ở vị trí đâu đó giữa các ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh, thì hầu hết các chiến lược gia Ấn Độ lại coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh chính. Trong khi đó, một cuộc khảo sát gần đây do Viện Lowy tiến hành vào tháng 5/2013 cho thấy chỉ có 31% người Ấn Độ được hỏi cảm thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc là tốt cho Ấn Độ, còn 65%  cho rằng Ấn Độ nên "hợp tác cùng các quốc gia khác kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc". 73% số người được hỏi nghĩ rằng chiến tranh với Trung Quốc là một "mối đe dọa lớn" và 70% nghĩ mục tiêu của Trung Quốc là "thống trị châu Á".

Những đánh giá này được chứng thực bởi sự phát triển thế trận quốc phòng trong thế kỷ XXI của Ấn Độ: New Delhi hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, bất chấp việc ưu thế quân sự thông thường của nước này đã vượt trội hơn đối thủ chính của mình là Pakistan. Gần như tất cả các sáng kiến chính để cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự của Ấn Độ đang diễn ra không phải ở biên giới Ấn Độ - Pakistan, mà là ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Năm 2009, Ấn Độ đã tăng cường thêm 2 sư đoàn sơn cước, đến năm 2013 lại bổ sung tiếp một sư đoàn tấn công sơn cước, tất cả đều tập trung về hướng đông, nơi có tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Về vũ khí chiến lược, Ấn Độ đang phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa hơn 5.000km, mặc dù tất cả các mục tiêu của Pakistan đều trong tầm bắn của các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của nước này. Trong khi đó, chương trình hiện đại hóa hải quân của Ấn Độ hướng về việc triển khai sức mạnh biển xa. New Delhi tăng tốc triển khai tàu sân bay đầu tiên tự chế tạo cùng các máy bay chiến đấu và tàu ngầm hạt nhân ra biển trong vòng 5 năm tới.

Có lẽ quan trọng nhất, trong thập kỷ qua Ấn Độ đã bắt đầu chuyển đổi các mối quan hệ ra bên ngoài sau nhiều thập kỷ tập trung vào khu vực Nam Á. Tại Đông Á, Delhi đang mở rộng cam kết chiến lược với các nước đồng minh của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là với Nhật Bản. Sau nhiều thập kỷ quan hệ nồng ấm, Delhi và Tokyo đang tiến hành các cuộc tập trận chung, thảo luận về hợp tác hạt nhân và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để Ấn Độ sẽ là nước đầu tiên nhận các thiết bị quân sự Nhật Bản xuất khẩu trong thế kỷ 21.

Sự thay đổi lớn nhất là trong mối quan hệ với Mỹ từ năm 2005 khi hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong vòng 10 năm và một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính lịch sử. Vào thời điểm đó, trao đổi thương mại quốc phòng Mỹ- Ấn Độ chỉ giới hạn trong một vài chục động cơ phản lực và một số radar Firefinder. Đến năm 2011, Ấn Độ đã là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 của Mỹ, trị giá 4,5 tỷ USD. Năm 2013, New Delhi có kế hoạch mua hẹn giờ cảm biến, máy bay trực thăng Apache, máy bay do thám P8 -I, pháo - 777, máy bay vận tải và tàu đổ bộ cỡ lớn. Mỹ và Ấn Độ hiện đang duy trì các cuộc tập chung thường niên quy mô lớn, đặc biệt, hai nước đã thiết lập mối quan hệ chiến lược và cùng chia sẻ mối quan tâm chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc.


Sự cạnh tranh Trung - Ấn bắt đầu nóng lên từ năm 2005 với việc New Delhi mở rộng phát triển hạ tầng và vũ trang ở dọc biên giới LAC, tăng cường tuần tra, yêu cầu phía Trung Quốc rút lại những tuyên bố chủ quyền tại khu vực Arunachal Pradesh mà Ấn Độ đang kiểm soát; ngừng hỗ trợ hạt nhân cho Pakistan và các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Kashmir. Trong khi đó, những quan điểm của Ấn Độ về vấn đề liên quan đến Tây Tạng đã khiến Bắc Kinh không hài lòng và trong tương lai gần, đây vẫn là vấn đề khiến quan hệ hai nước thêm căng thẳng. Cùng với đó là việc hải quân Trung Quốc đang ngày càng tăng sự hiện diện tại Ấn Độ Dương với lý do chống cướp biển và bảo đảm an toàn cho tuyến hàng hải để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ cũng khiến New Delhi có cảm giác rằng Bắc Kinh đang lấn sân sang khu vực được cho là “sân sau” của Ấn Độ.
 
Tóm lại, Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục cạnh tranh và va chạm về địa chính trị trong tương lai gần dù một cuộc xung đột toàn diện là khó xảy ra. Sự hợp tác hay đối đầu giữa hai cường quốc khu vực này phụ thuộc lớn vào thái độ của Bắc Kinh. Nếu Bắc Kinh thực sự thể hiện mình là quốc gia "trỗi dậy hòa bình”, giải quyết tranh chấp lãnh thổ Trung- Ấn Độ bằng các biện pháp hòa bình sẽ tìm thấy sự hợp tác tích cực từ New Delhi, nhưng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi “chính sách dân tộc hiếu chiến”, đơn phương đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo cách của riêng mình thì chắc chắn sẽ gặp phải sự đối kháng mạnh mẽ từ đối thủ cũ ở phía nam.


CT (N.I)

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đưa Nhật - Ấn xích lại gần nhau
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đưa Nhật - Ấn xích lại gần nhau

Bối cảnh địa chính trị châu Á đang có sự chuyển động khi mà Ấn Độ tìm kiếm các đối tác mới như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN