Trở ngại lớn của Tổng thống Trump khi muốn tái khởi động kinh tế Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ từ thời điểm Lễ Phục sinh. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể gặp trở ngại, thậm chí là bất khả thi.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 24/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Business Insider (Mỹ), các nhà quan sát chính trị cho rằng mục tiêu giảm giãn cách xã hội và mở cửa trở lại các doanh nghiệp mà Tổng thống Trump vừa đưa ra là khó thực hiện.

Các bang và thống đốc bang khắp nước Mỹ phần lớn kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bằng cách thực thi lệnh yêu cầu người dân ở nhà, đóng cửa bắt buộc các doanh nghiệp không cần thiết. Tu chính án thứ 10 của Hiến pháp Mỹ cũng có điều khoản bảo vệ các bang, theo đó cho họ sử dụng quyền lực đặc biệt mà chính phủ liên bang không có.

Tổng thống Trump phần lớn tránh sử dụng quyền hành pháp trong chống dịch COVID-19 mà nghiêng theo hướng hợp tác công-tư và cho rằng mỗi bang có nhu cầu khác nhau. Cách tiếp cận này đã khiến xung đột nảy sinh giữa Tổng thống và các thống đốc. 

Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo ngày 24/3 một lần nữa kêu gọi Tổng thống Trump thực thi Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế cần thiết như máy thở, khẩu trang… Ông Cuomo cho biết New York sẽ cần ít nhất 30.000 máy thở trong những tuần tới.

Chú thích ảnh
Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo. Ảnh: AP

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại muốn nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại và ngần ngại thực thi các biện pháp y tế nghiêm ngặt hơn. Ông tiếp tục kêu gọi các bang nới lỏng biện pháp hạn chế.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, tiền lệ pháp lý không đứng về phía ông Trump.

Theo vụ án Schechter Poultry năm 1935 do Tòa án Tối cao Mỹ xét xử, tòa đã bác bỏ lập luận của chính phủ liên bang cho rằng tình trạng khẩn cấp kinh tế là lý do đầy đủ, hợp lý để phá bỏ các quy định thương mại ở cấp bang. Quyết định này cản trở Chính phủ Mỹ trong thực hiện Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia thời Đại Suy thoái. Khi đó, chính phủ liên bang muốn quản lý việc định giá bán gà.

Hiện nay, một trong những cách mà Tổng thống Mỹ có thể làm để bác bỏ lệnh cấp bang là nhờ tòa phân xử. Tuy nhiên, vụ án Schechter có thể là điều đầu tiên mà các thẩm phán nghĩ tới khi quyết định có cho Tổng thống Trump vượt luật cấp bang hay không.

Nếu ông Trump không muốn vướng vào một loạt cuộc chiến với các bang tại tòa án, ông chỉ còn lựa chọn duy nhất và là công cụ hữu hiệu nhất để khiến người Mỹ từ bỏ cách ly tại nhà và ngừng giãn cách xã hội. Đó chính là các cuộc họp báo hàng ngày mà ông tổ chức ngày càng nhiều trong những ngày qua nhằm kêu gọi thực hiện nghị trình mình đưa ra.

Nếu không có sắc lệnh hành pháp hay khung pháp lý mạnh, "đăng đàn họp báo" vẫn là kênh duy nhất để Tổng thống Trump kích thích nền kinh tế hoạt động trở lại bình thường khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần. 

Chú thích ảnh
Một tuyến phố ở New York, Mỹ ngày 21/3. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Tổng thống Trump ngày 24/3 cho biết đang cân nhắc khả năng điều chỉnh biện pháp cách ly và giãn cách xã hội để người lao động Mỹ có thể trở lại làm việc và giúp nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn quay trở lại đúng hướng.

Theo cuộc phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Trump cảnh báo rằng những biện pháp phòng dịch trên sẽ khiến nền kinh tế Mỹ trì trệ trên diện rộng và phá hủy đất nước. Ông mong muốn các doanh nghiệp Mỹ sẽ mở cửa trở lại vào dịp Lễ Phục sinh ngày 12/4.

Tuyên bố này của Tổng thống Trump trái ngược khuyến cáo của giới chức y tế là cần phải siết chặt chứ không phải nới lỏng hạn chế về tiếp xúc nơi công cộng. Mỹ đã thực hiện các biện pháp hơn một tuần qua để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Hiện Mỹ là ổ dịch COVID-19 "nóng" thứ hai thế giới vào thời điểm này, chỉ sau Italy. Tính tới trưa 25/3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ là 54.881, trong đó có 782 ca tử vong. 

Đáng lưu ý, Mỹ ngày 24/3 đã xác nhận trường hợp trẻ em đầu tiên tử vong do COVID-19 tại thành phố Los Angeles dù bệnh nhân trước đó có tình trạng sức khỏe tốt. Đây là ca tử vong ở trẻ em đầu tiên do virus SARS-CoV-2 tại Mỹ và là ca tử vong thứ ba trên thế giới ở độ tuổi này.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại San Francisco, California, Mỹ ngày 20/3 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Mới đầu tháng 3, Mỹ chỉ ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm SARS-CoV-2 và tình hình leo thang nhanh từ đó. Các quan chức liên bang và tiểu bang cảnh báo virus lây lan nhanh sẽ khiến hệ thống y tế Mỹ gặp nhiều thách thức. Các quan chức Mỹ thừa nhận con số ca nhiễm virus thực tế ở nước này có thể cao hơn nhiều. Mỹ chậm trễ trong xét nghiệm nên số lượng người tiếp cận dịch vụ này còn hạn chế.

Theo kênh CNBC (Mỹ), New York là nơi có số ca nhiễm virus nhiều nhất Mỹ, chiếm gần một nửa số ca của cả nước. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho biết cần có thêm hàng chục nghìn giường bệnh và máy thở nữa cho các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện. Ngày 24/3, ông cũng cảnh báo các bang khác cần chuẩn bị sẵn sàng khi tình hình ở New York sẽ xảy ra ở California, Washington…

Trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng, một số người New York vẫn phớt lờ khuyến cáo ở nhà và giữ khoảng cách với người khác. Họ vẫn tụ tập đông người trong công viên. Thống đốc Cuomo tỏ ra sốc và tức giận trước tình trạng này, gọi đó là hành vi thiếu nhạy cảm, ngạo mạn, tự hủy hoại cần phải chấm dứt. Ông cảnh báo: “Đây không phải trò đùa và tôi không đùa”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 - 'Cuộc sát hạch' cơ hội tái cử của Tổng thống Donald Trump
Dịch COVID-19 - 'Cuộc sát hạch' cơ hội tái cử của Tổng thống Donald Trump

Việc Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách ông đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN