Binh sĩ Triều Tiên tập trận tấn công chiếm đảo tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 25/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở lên “nóng” hơn bao giờ hết sau khi Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa. Chỉ trong vòng 4 ngày, Triều Tiên tiếp tục thách chính quyền Tổng thống Donald Trump khi thực hiện hai vụ thử tên lửa đạn đạo. Ngày 26/8, Triều Tiên tiến hành phóng ba tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển Nhật Bản và sau đó là một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương.
Trong bài viết trên Foxnews, ông William Ruger, phó chủ tịch nghiên cứu và chính sách tại Viện Charles Koch, cho rằng đây những hành động đáng thất vọng, nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ đang bị kéo tới gần một cuộc chiến tranh hạt nhân hay chiến tranh thông thường với Triều Tiên.
Những động thái trên của Triều Tiên được cho là hành động trả đũa đối với cuộc tập trận thường niên mang tên Người bảo vệ tự do Ulchi giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 21/8 và kéo dài đến 31/8.
Trong nhiều tuần qua, tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở lên căng thẳng hơn bao giờ hết với
cuộc khẩu chiến “nảy lửa" giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoàn toàn ý thức được rằng nếu ra lệnh một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay một trong những đồng minh khác của Mỹ thì sẽ chẳng khác nào một cuộc tự sát. Vì khi bị tấn công, Mỹ sẽ đáp trả bằng một cuộc chiến hạt nhân, và khi đó cái tên Triều Tiên sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.
Do đó, ngay cả khi Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân bằng công nghệ hiện nay như những gì mà họ tuyên bố, thì một cuộc tấn công như vậy khó có thể xảy ra.
Hơn thế nữa, ông Kim Jong-un cũng hiểu rằng một cuộc chiến tranh thông thường sẽ rất tốn kém cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân.
Gần đây, Mỹ và Triều Tiên liên tục đưa ra những lời đe dọa lẫn nhau. Tổng thống Mỹ Trump đe dọa sẽ cho Bình Nhưỡng nếm “lửa cháy và thịnh nộ” trước tuyên bố “trả đũa và trừng phạt không thương tiếc”chống lại Mỹ của Triều Tiên khi các cuộc tập trận quân sự của Mỹ-Hàn Quốc bắt đầu vào ngày 21/8. Tuy nhiên, những tuyên bố gây hấn, thù địch của hai nước không phải là điều gì mới mẻ.
Điều quan trọng cần lưu ý rằng việc Triều Tiên tuyên bố đã phóng hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 7, mang tính khiêu khích nhiều hơn là vụ thử nghiệm ba tên lửa tầm ngắn ngày 26/8.
Tháng trước, Triều Tiên đã đe dọa bắn bốn tên lửa đạn đạo, tạo thành một vành đai lửa xung quanh lãnh thổ Guam của Mỹ, nơi có hai căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ. Chính vì lẽ đó mà Mỹ đã buộc phải đáp trả theo cách nào đó đối với một sự khiêu khích như vậy.
Để hiểu tại sao một cuộc chiến tranh hạt nhân hoặc chiến tranh thông thường không thể xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên, hãy phân tích một cách nghiêm túc về mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã áp dụng nguyên tắc cơ bản đó là răn đe hạt nhân – dù có gây căng thẳng, nhưng đã ngăn chặn được một cuộc chiến hạt nhân giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết (Liên Xô) hay giữa Mỹ và Trung Quốc. Nay, lý thuyết đó lại được áp dụng cho tình hình hiện nay, và sự răn đe hạt nhân của Mỹ buộc đối phương phải từ bỏ ý định thực hiện cuộc tấn công hạt nhân.
Theo Foxnews, Mỹ không được phạm sai lầm và không được để Bình Nhưỡng có động cơ gây chiến, dù là cuộc chiến hạt nhân hay thông thường.
Chiến tranh hạt nhân sẽ vô cùng thảm khốc và hậu quả của cuộc chiến thông thường cũng vô cùng khủng khiếp. Đó chính là lý do tại sao chúng ta đều hy vọng cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ giữ bình tĩnh, tránh những phát ngôn gây hấn, thù địch, mà tập trung vào những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân căng thẳng giữa hai nước.