Triển vọng gia nhập G7 của Hàn Quốc

Viễn cảnh Hàn Quốc gia nhập Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), từ đó trở thành G8, ngày càng tươi sáng hơn khi ảnh hưởng của quốc gia châu Á này đang mở rộng trên trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo G7 và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phiên làm việc vào ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 21/5. Ảnh: Yonhap

Được thành lập từ năm 1975, G7 là một nhóm không chính thức gồm các nước công nghiệp hóa hàng đầu thế giới - Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Pháp, Đức và Italy. Mặc dù Hàn Quốc không phải là thành viên, nhưng nước này đã tham gia với tư cách quan sát viên trong 4 hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các nhà lãnh đạo G7 kể từ năm 2008.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách đã tranh luận về việc liệu Hàn Quốc có thể có một ghế cố định trong G7 hay không. Và ý tưởng này dường như đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây nhất ở Hiroshima, Nhật Bản.

Đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền đã ca ngợi những cam kết của ông Yoon trong việc đưa Hàn Quốc đến vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, cũng như một loạt hội nghị thượng đỉnh song phương và ba bên mà ông đã tổ chức với các nhà lãnh đạo G7. Giới chức cho rằng Hàn Quốc giờ đây giống như một “thành viên của G8”.

Phát biểu trong một diễn đàn do Hiệp hội Biên tập viên Tin tức Hàn Quốc tổ chức hôm 23/5, Ngoại trưởng Park Jin cũng đưa ra những lời ca ngợi tương tự. Ông tuyên bố: “Các chính sách đối ngoại do Tổng thống Yoon Suk Yeol thực hiện đã nâng vị thế của Hàn Quốc sánh vai với các quốc gia G7, lên vị thế G8”.

Các nhà phân tích tin rằng có khả năng mạnh mẽ nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á trở thành thành viên của G7 - nếu xét về quy mô nền kinh tế, quân đội cùng với hệ thống chính trị của nước này.

Ông Ramon Pacheco Pardo - Phó giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, Chủ tịch KF-VUB Hàn Quốc tại Trường Quản trị Brussels - cho biết: “Năng lực hiện tại của Hàn Quốc đảm bảo nước này có khả năng gia nhập G7. Quan trọng nhất, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Hàn Quốc về cơ bản ngang bằng với Nhật Bản và Italy”.

Tuy nhiên, ông Pacheco Pardo nói rằng Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang tìm kiếm chiếc ghế tại G7.

“Việc trở thành thành viên chính thức của G7 có lẽ sẽ chỉ diễn ra cùng với các quốc gia khác - đáng chú ý nhất là Australia, và có lẽ là Ấn Độ. Vì động thái kết nạp thêm thành viên sẽ là sự thừa nhận của các nước G7 rằng cấu trúc hiện tại của nhóm đã lỗi thời và cần phải kết nạp thêm các quốc gia châu Á và các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông giải thích.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo G7 và các quốc gia được mời - trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, hôm 20/5. Ảnh: Yonhap

Ba Naoko Aoki, nhà khoa học chính trị tại Tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation, bình luận rằng việc gia nhập G7 là cơ hội tốt để Hàn Quốc đóng một vai trò toàn cầu lớn hơn, với tư cách là một nền dân chủ mạnh mẽ với ảnh hưởng kinh tế và chính trị đáng kể.

Mặc dù G7 không đưa ra tiêu chí chính thức nào để cấp tư cách thành viên, nhưng quyết định cho phép một quốc gia mới tham gia nhóm cần được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên. Có một số lo ngại rằng Nhật Bản - quốc gia châu Á duy nhất trong G7 - có thể không hoan nghênh Hàn Quốc gia nhập nhóm.

Nhưng bà Aoki lại nhìn nhận khác. Bà nói: “Tôi nghĩ Nhật Bản nên hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặc biệt là một quốc gia có nhiều ảnh hưởng về kinh tế và chính trị như Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này đều đặt câu hỏi về những lợi ích thiết thực mà Hàn Quốc có thể nhận được nếu trở thành thành viên thường trực của G7.

“Câu hỏi đặt ra cho Hàn Quốc là liệu G7 có phải là con đường tràn ngập ánh sáng hay không. Nói cách khác, việc tham gia G7 có phải là cách tốt để Hàn Quốc phát huy ảnh hưởng của mình trên toàn cầu hay không?”, bà Aoki nói.

Theo bà, G7 đã thay đổi kể từ những ngày đầu của thập niên 1970, khi nhóm này bắt đầu hoạt động như diễn đàn dành cho các quan chức ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính. Nhà nghiên cứu Aoki cho biết ngày nay, tỷ trọng của G7 trong sản lượng kinh tế toàn cầu đang giảm so với G20 - Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.

Giáo sư Pacheco Pardo cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng tư cách thành viên chính thức của G7 có thể không tạo ra nhiều khác biệt cho Hàn Quốc trong quan hệ quốc tế.

“Về mặt chính trị, nó sẽ mang tính biểu tượng rất lớn. Hàn Quốc hiện thường xuyên được mời tham dự các hội nghị thượng đỉnh của G7, và dù sao thì chính sách của nước này cũng phù hợp với các thành viên G7. Vì vậy, từ quan điểm thực tế thuần túy, tôi không nghĩ rằng sẽ có một sự thay đổi lớn khi Hàn Quốc gia nhập nhóm này”, ông lập luận.

Hơn nữa, các chuyên gia lưu ý rằng Seoul nên suy nghĩ về mối quan hệ với Bắc Kinh, nếu nước này gia nhập G7.

Về phần mình, ông Pacheco Pardo cho rằng nếu Hàn Quốc gia nhập G7, đó sẽ là dấu hiệu trở thành một phần của phương Tây, rời xa vị thế hiện tại là một quốc gia trung lập.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Koreatimes)
Bất chấp lệnh trừng phạt, G7 vẫn xuất khẩu sang Nga những gì?
Bất chấp lệnh trừng phạt, G7 vẫn xuất khẩu sang Nga những gì?

Các nhà lãnh đạo G7 đã đồng thuận thực hiện gần như tất cả các biện pháp kinh tế được thiết kế để giảm nguồn lực cung cấp cho quân đội Nga. Nhưng có một lý do khiến các tùy chọn còn lại chưa được thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN