Trang sử mới trên chính trường Malaysia 

Nội các gồm 28 thành viên của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã có buổi họp đầu tiên ngày 5/12, đánh dấu trang sử mới trên chính trường Malaysia với việc lần đầu tiên có một chính phủ thống nhất và bao trùm, đa chủng tộc, đa tôn giáo và gồm đại diện của tất cả các đảng trong liên minh cầm quyền. Nội các mới được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi trong cả đường lối đối nội lẫn đối ngoại, vượt qua những thách thức hiện nay. 

Chú thích ảnh
Tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại cuộc họp báo ở Putrajaya, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 của Malaysia tổ chức ngày 19/11, liên minh Hy vọng (PH) của ông Anwar đã giành được nhiều ghế nhất (82 ghế), nhưng không đủ 112 ghế theo quy định trong tổng số 222 ghế tại quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ. Sau 4 ngày bàn thảo liên tục, liên minh Mặt trận quốc gia (BN) với 30 ghế và liên minh các đảng từ đảo Sabah và Sarawak (GPS) có 28 ghế cùng một vài đảng nhỏ khác đã nhất trí ủng hộ PH thành lập chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim. 

Với mục tiêu xây dựng một chính phủ thống nhất, hài hòa và cân bằng lợi ích, ổn định chính trị và phát triển đất nước, sau khi được lựa chọn làm thủ tướng thứ 10 của Malaysia, ông Anwar đã có những bước đi chưa từng có tiền lệ. Ông đã quyết định bổ nhiệm 2 phó thủ tướng thuộc liên minh BN và GPS kiêm nhiệm bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn và Bộ Các ngành công nghiệp nông trại và hàng hóa. Trong khi đó, liên minh PH nắm giữ những vị trí liên quan đến các vấn đề kinh tế như Bộ Tài chính, Bộ Các vấn đề kinh tế, nội thương và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Nội vụ và Y tế.

Riêng vị trí lãnh đạo Bộ Tài chính do đích thân thủ tướng đảm nhiệm trong thời gian đầu, dựa trên những kinh nghiệm của ông ở vị trí này trong giai đoạn 1991-1998 khi đưa Malaysia thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và phát triển nhanh, đi vào thời kỳ thịnh vượng và tăng trưởng chưa từng có. Trong giai đoạn 1996-1999, ông Anwar được nhiều ấn phẩm tài chính nổi tiếng như Euromoney, Asiamoney vinh danh là “Bộ trưởng tài chính hàng đầu của năm”. Ông cũng là người Malaysia duy nhất được tạp chí Times bình chọn “100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 1998”. Với những kinh nghiệm này, việc ông Anwar kiêm nhiệm bộ trưởng tài chính được cho là sẽ giúp khôi phục niềm tin của dân chúng, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài vào sự phát triển kinh tế trong nước.  

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đại học Malaya Awang Azman Awang Pawi - chuyên gia phân tích chính trị - cho rằng, thành phần nội các rõ ràng cho thấy đây là một chính phủ thống nhất với sự tham gia của các khối chính trị ở cả phần bán đảo Malaysia và các đảo Sabah và Sarawak. Đây là lần đầu tiên, chính phủ có sự tham dự của những đảng này. Thành phần chủng tộc cũng rất đa dạng, gồm cả người gốc Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ vốn là những nhà kỹ trị giàu kinh nghiệm với nhiều chuyên môn khác nhau.

Trong khi đó, theo giảng viên cao cấp trường Đại học Teknologi Malaysia (UTM), Tiến sĩ Mazlan Ali, nội các của Thủ tướng Anwar nhỏ gọn hơn so với chính phủ tiền nhiệm. Nhiệm vụ của Thủ tướng sẽ là thuyết phục người dân rằng nội các này có thể hoạt động hiệu quả và thực hiện sứ mệnh cải thiện đất nước cũng như tình hình kinh tế, đặc biệt là trong việc thu hút các nhà đầu tư...

Bà Bridget Welsh, chuyên gia chính trị Đông Nam Á tại Đại học Nottingham (Anh) cơ sở Malaysia nhận định Thủ tướng Anwar được coi đóng vai trò cầu nối giữa các cộng đồng. Thành phần nội các hiện nay khiến nhiệm vụ kết nối có thể thử thách khả năng lãnh đạo của ông Anwar, nhưng cũng tạo ra sự yên tâm trong bối cảnh Malaysia phải đối mặt với nhiều thách thức.  

Tại cuộc họp báo công bố nội các, Thủ tướng Anwar đặt ra mục tiêu cho các bộ trưởng phải ưu tiên quản trị tốt, đồng thời khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ mới là thúc đẩy phát triển kinh tế. Để làm được điều này, ông Anwar đặt ra kế hoạch sẽ làm việc riêng với từng bộ để có hướng đi cụ thể. Theo đó, ông sẽ đưa ra phương pháp tiếp cận mới nhằm triển khai mọi công việc và tránh sự ngờ vực hay để xảy ra tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền lực.

Ngoài ra, để tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên cải thiện đời sống phúc lợi, chính phủ thông qua việc cắt giảm 20% lương của các bộ trưởng cho tới khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Đây là động thái thể hiện sự chia sẻ với người dân, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao gần đây. Ngoài ra, chính phủ mới cũng cam kết thực hiện đầy đủ chương trình cải cách, trong đó có ưu tiên loại bỏ độc quyền trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là thực trạng độc quyền nhập khẩu gạo và cam kết chính phủ mới sẽ giải quyết triệt để vấn đề nhằm đảm bảo quyền lợi của nông dân nghèo. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp cụ thể hướng đến an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân cũng được chính phủ triển khai ngay từ những ngày làm việc đầu tiên như kiểm soát giá trứng, hợp đồng triển khai hệ thống mạng 5G…

Về chính sách đối ngoại, trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức vào chiều tối 24/11, Thủ tướng Anwar Ibrahim Anwar đã khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính phủ do ông đứng đầu là tăng cường quan hệ song phương, thương mại, đầu tư và văn hóa với Trung Quốc, nước láng giềng quan trọng của Malaysia. Ông đồng thời đánh giá cao vai trò của “người bạn láng giềng” Indonesia, Thái Lan và Singapore. 

Trong khi đó, tại buổi họp báo đầu tiên trên cương vị tân ngoại trưởng Malaysia, ông Zambry Abdul Kadir cho biết chính sách đối ngoại của Malaysia sẽ duy trì các nguyên tắc chủ chốt như chính sách trung lập và hợp tác với các nước khác.

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất của chính phủ mới tại Malaysia sẽ là kiểm soát, cân bằng quan hệ với Trung Quốc và các nước phương Tây. Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia (ISIS) Thomas Benjamin Daniel lưu ý, Thủ tướng Anwar đã chia sẻ về tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách một nước láng giềng quan trọng mà Malaysia phải tăng cường quan hệ, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ với Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và ASEAN cũng quan trọng không kém.

Trong khi đó, chuyên gia Collins Chong, giảng viên Đại học Malaya, cũng cho rằng Thủ tướng Anwar nhận thức được tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Malaysia, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế và an ninh. Chuyên gia này khuyến nghị Chính phủ Malaysia có cách tiếp cận phù hợp trong việc quản lý các mối quan hệ song phương với nền kinh tế số hai thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng tin tưởng Thủ tướng Anwar sẽ làm tốt việc xây dựng các mối quan hệ hiện có với các cường quốc khác và các nước láng giềng ASEAN.

Nhiệm vụ trước mắt sẽ không dễ dàng gì đối với Thủ tướng Anwar. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chính trị, đặc biệt là vai trò của một bộ trưởng tài chính, niềm tin của giới đầu tư nước ngoài, nhất là sự tin tưởng của số đông người dân hướng đến sự đổi mới và cải cách, ông Anwar được kỳ vọng sẽ một lần nữa đưa Malaysia đi vào quỹ đạo tăng trưởng, mở ra một chương mới thực sự trong lịch sử phát triển của quốc gia này.

Hằng Linh ( Pv TTXVN tại Malaysia)
Nội các từ chức, kịch bản nào tiếp theo cho chính trường Malaysia?
Nội các từ chức, kịch bản nào tiếp theo cho chính trường Malaysia?

Trưa 16/8, Nội các của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương Abdullah Ahmad Shah của nước này. Trong bối cảnh hiện nay, kịch bản nào sẽ xảy ra trên chính trường Malaysia?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN