Tổng thống Philippines Duterte liệu có trở thành 'Assad thứ hai' ở châu Á

Ông Duterte đang ở trong tình huống tương tự như của Tổng thống Syria Bashar Assad khi trong thời gian đầu các lực lượng khủng bố như FSA, Mặt trận al-Nusra và sau đó là IS nổi lên kiểm soát đất nước. Vì vậy, nếu muốn ổn định tình hình đất nước thì ông Duterte phải có những thay đổi trong vài tuần tới.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters

Những ngày gần đây, tình hình an ninh tại Philippines đang có những diễn biến phức tạp. Đụng độ giữa quân Chính phủ Philippines và phiến quân Hồi giáo ẩn nấp tại thành phố Marawi, thủ phủ của tỉnh Lanao Del Sur trên đảo Mindanao, đã bùng phát từ hôm 23/5 sau khi quân chính phủ tiến hành chiến dịch an ninh nhằm truy bắt Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh của nhóm chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc Aby Sayyaf và được cho là kẻ đứng đầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Philippines.

Theo giới chức Philippines, nhóm Maute cổ súy cho tư tưởng cực đoan của IS và tìm cách biến Mindanao trở thành một phần lãnh thổ của IS.

Trước tình hình trên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban bố tình trạng thiết quân luật tại Mindanao, trong khi binh sĩ quân đội được sự yểm trợ của xe bọc thép và trực thăng tiếp tục giao tranh với phiến quân nhằm giành lại kiểm soát Marawi.

Trao đổi với kênh truyền hình RT về tình hình hiện nay tại Philippines, ông Patrick Henningsen, biên tập viên quản trị trang mạng 21st Century Wire.com đã có một số nhận định đáng chú ý như sau:

RT: Sau khi đặt mục tiêu mới nhằm vào chủ nghĩa khủng bố, ông có nghĩ Tổng thống Duterte sẽ nhận được nhiều hỗ trợ của quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã bị nhiều người lên án và cho là quá tàn bạo?


Patrick Henningsen: Tổng thống Duterte được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ hết sức chú ý bởi đã hơn một lần ông gây bất hòa với Washington. Đây là vấn đề nan giải, bởi ông Duterte có cách tiếp độc đoán đối với tội phạm và nạn buôn bán ma túy có tổ chức đang hoành hành ở Philippines. Vì vậy, hành động của ông Duterte có thể sẽ được so sánh với nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos của nước này. Đây là vấn đề về quan hệ công chúng đối với Tổng thống và Chính phủ Philippines và cần phải được giải quyết.

Ông Duterte đang ở trong tình huống tương tự như của Tổng thống Syria Bashar Assad khi trong thời gian đầu các lực lượng khủng bố như Quân đội Syria tự do (FSA), Mặt trận al-Nusra và sau đó là IS nổi lên kiểm soát đất nước. Vì vậy, ông Duterte sẽ phải cân bằng vấn đề quan hệ công chúng này - ông quá độc đoán? Nhiều người cho rằng, chính quyền Syria đã có đủ độc đoán khi giải quyết vấn đề IS nên mới rơi vào tình trạng như hiện nay. Vì vậy, ông Duterte nếu muốn ổn định tình hình đất nước thì phải có những thay đổi trong vài tuần tới.

Quân đội Philippines trong chiến dịch truy quét phiến quân Hồi giáo tại thành phố Marawi ngày 25/5. Ảnh: EPA/TTXVN

RT: Chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng khắp thế giới, ông có cho rằng các biện pháp khắc nghiệt theo kiểu của Tổng thống Duterte nên là một lựa chọn vào thời điểm hiện nay?


Patrick Henningsen: Chúng ta có thể coi Syria là trường hợp thử nghiệm.. Ngoài ra, còn có vấn đề về thiết bị quân sự của Philippines. Có thể quân đội Philippines chưa sẵn sàng đối phó với quân khủng bố. Họ sẽ cần phải tái vũ trang và hiện đại hóa các bộ phận bán quân sự để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, khởi đầu mạnh mẽ và cương quyết là một lựa chọn tốt đối với Philippines vào thời điểm này nếu không muốn thấy những gì tương tự đã xảy ra ở Syria trong 6 năm qua.

RT: Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) của Liên hợp quốc đã kêu gọi Tổng thống Duterte bảo đảm các quyền của thường dân sẽ được luật pháp bảo vệ. Ông có nghĩ rằng cơ quan này đang chủ quan? Điều này liệu có thể sẽ xảy ra với bất kỳ nước nào khác không?

Patrick Henningsen: HRW cũng đã áp dụng chính sách tương tự với Chính phủ Syria và Tổng thống Assad trong 5 hoặc 6 năm qua. Và đối với Philippines, kẻ thù địa chính trị vào thời điểm hiện tại của Mỹ và phương Tây, cũng sẽ bị HRW, Tổ chức Ân xá quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO) công kích.

Nếu thực sự là IS đang hoạt động ở Philippines thì hẳn đã có ai đó “tháo xích” cho IS. Chính phủ Philippines phải trừng phạt mạnh mẽ, tuyên bố thiết quân luật và sau đó các tổ chức quốc tế sẽ lên tiếng quấy phá chính quyền ông Duterte. Đây là một công thức chính xác giống như kịch bản ở Syria, mặc dù ở quy mô và mức độ nhỏ hơn. Về cơ bản, chúng ta thấy có động lực tương tự và đặc biệt là bên quan hệ công chúng tiêu cực mà Chính phủ Philippines đang đối phó, giống như những gì Syria đã trải qua.

Hữu Tiến/Báo Tin Tức
Quân đội không kích phiến quân Maute, dân Marawi vẫy cờ trắng
Quân đội không kích phiến quân Maute, dân Marawi vẫy cờ trắng

Các máy bay của quân đội Philippines ngày 27/5 đã nã tên lửa nhằm xuống các vị trí của phiến quân Hồi giáo nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Marawi, đảo Mindanao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN