Tổng thống Joe Biden trước cơ hội lập liên minh Mỹ-Ấn

Tổng thống Mỹ Joe Biden đối diện với một loạt thách thức về chính sách ngoại giao ngay sau khi lên nắm quyền. Nhưng với Ấn Độ, ông lại có cơ hội thiết lập liên minh chiến lược, giúp Mỹ gây dựng thế cân bằng quyền lực ở châu Á và rộng hơn là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) tại cuộc gặp với ông Joe Biden khi còn trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ hồi năm 2014. Ảnh: AP

Quan hệ Mỹ-Ấn đã có bước phát triển mạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump. Không có gì ngạc nhiên khi cả Washington và New Delhi hướng đến quan hệ đối tác bền chặt hơn dưới thời ông Joe Biden. Ngày nay, Mỹ đã tiến sát tới mục tiêu mong đợi bấy lâu: Hợp tác với Ấn Độ trong một “liên minh mềm” được gây dựng không phải dựa trên những ràng buộc, nghĩa vụ an ninh chính thức, mà là những lợi ích tương đồng. 

Giới chức Mỹ nhận ra rằng, một sự ráp nối như vậy sẽ không gây ra cảm nhận về một khung hợp tác dưới dạng người bảo trợ-khách hàng vốn từng bùng nổ ở châu Á trong Chiến tranh Lạnh, với Mỹ đóng vai trò là “trục”, còn các đồng minh hiệp ước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia là “nan hoa”. Kiểu quan hệ đó sẽ không hợp với Ấn Độ ngày nay. Lý do là bởi Ấn Độ là quốc gia rộng lớn và luôn đề cao giá trị tự chủ chiến lược, khiến nước này không thể trở thành một Nhật Bản hay Hàn Quốc trong quan hệ với Mỹ. 

Chính cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Stephen Biegun trong chuyến thăm New Delhi hồi tháng 10/2020 đã khẳng định, điều Mỹ tìm kiếm “không phải là một liên minh theo mô hình thời hậu chiến, mà là một liên minh nền tảng gắn với mục tiêu an ninh, địa chính trị chung, lợi ích tương đồng, chuẩn mực giá trị chung”. 

Ấn Độ gần đây cũng đã ký bốn thỏa thuận nền tảng với Mỹ tương tự như những hiệp ước mà Washington ký với các đối tác quốc phòng thân thiết. Bỏ qua những do dự lúc đầu, Ấn Độ cũng tham gia tích cực hơn vào Nhóm bộ tứ, một liên minh của các nền dân chủ cùng với Australia, Nhật Bản và Mỹ, một thế lực đóng vai trò trung tâm trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở” của Mỹ. 

Quan hệ căng thẳng với Trung Quốc cũng là một nhân tố đẩy Ấn Độ tiến đến hợp tác chiến lược với Mỹ. Giọt nước tràn ly chính là quyết định của Bắc Kinh hồi mùa xuân năm 2020, điều quân đến án ngữ các điểm cao chiến lược ở vùng biên giới giáp ranh với khu vực Ladakh của Ấn Độ, gây ra đụng độ chết người giữa hai bên. 

Trong bối cảnh như vậy, quan hệ Mỹ-Ấn sẽ vẫn tiếp tục đà phát triển. Tuy nhiên, chiều sâu hợp tác chiến lược Mỹ-Ấn sẽ được định hình bởi chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Joe Biden. Cho đến thời điểm này, Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra phác thảo về cách tiếp cận của Mỹ trước Bắc Kinh hay tổng quát hơn là chính sách với châu Á.

Ông khiến dư luận phải căng mắt phỏng đoán liệu Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược của ông Donald Trump, hay sẽ là một nước Mỹ hạn chế sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở”, thay vào đó là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Thịnh vượng và An ninh”. 

Vẫn còn đó lo ngại nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ lưu ý nhiều hơn tới chính trị nội bộ Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Biden và cấp phó Kamala Harris nhiều khả năng sẽ chọn cách tiếp cận thực dụng, đặt ưu tiên làm sâu sắc quan hệ với New Delhi.

Đường hướng này bao gồm việc hoàn tất một thỏa thuận thương mại song phương mà Mỹ tìm kiếm lâu nay; tạo lập quan hệ đối tác về chống biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc phòng. Cách tiếp cận cân bằng như vậy là hợp lý, bởi trong một thế giới biến động như ngày nay, không có một quan hệ giữa hai nền dân chủ nào quan trọng hơn quan hệ song phương Mỹ-Ấn. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (WPR)
Tổng thống Pháp tự mình cầm ô che mưa cho Thủ tướng Slovakia
Tổng thống Pháp tự mình cầm ô che mưa cho Thủ tướng Slovakia

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cương quyết giữ chắc chiếc ô tại một sự kiện bên ngoài Điện Elysee và ba lần gạt phụ tá khi họ có ý định giúp ông che ô cho Thủ tướng Slovakia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN