Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Tổng thống Biden đã gặp gỡ Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres vào ngày 20/9 và phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 21/9. Đến 22/9, nhà lãnh đạo Mỹ tổ chức hội nghị COVID-19 trực tuyến với nội dung khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới hướng đến cam kết chia sẻ vaccine, xử lý tình trạng thiếu oxy y tế toàn cầu và giải quyết những vấn đề liên quan đến đại dịch.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã mời Thủ tướng Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đến Washington. Ông cũng lên kế hoạch gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ đang băn khoăn liệu ông Biden có thực hiện đúng với cam kết khi vận động tranh cử là trở thành đối tác tốt hơn người tiền nhiệm Donald Trump?
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield vào ngày 17/9 nói: “Chúng tôi tin tưởng ưu tiên hiện nay không chỉ là về Mỹ mà là toàn cầu”. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Tổng thống Biden đã đối mặt với nhiều vấn đề tầm cỡ liên quan tới các đồng minh.
Đã có những khác biệt được ghi nhận về việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, tốc độ chia sẻ vaccine COVID-19 và các hạn chế di chuyển quốc tế, cũng như cách tốt nhất để đối phó với các động thái quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Ông Biden đã mở đầu nhiệm kỳ Tổng thống bằng cách tuyên bố rằng "Mỹ đã trở lại" và cam kết một cách tiếp cận quốc tế hợp tác hơn. Cùng thời điểm, ông tập trung vào điều chỉnh lại các ưu tiên an ninh quốc gia sau 20 năm Mỹ bận tâm bởi các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan cũng như chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông và Nam Á. Ông Biden đã cố gắng đề xuất Mỹ cùng các đồng minh tập trung nhiều hơn vào việc chống lại các mối đe dọa kinh tế và an ninh do Trung Quốc và Nga gây ra.
Ở thời điểm này, Tổng thống Mỹ lại phải đối mặt với sự phản kháng, trong một số trường hợp là sự tức giận, từ các đồng minh khi họ cho rằng nhiều quyết định quan trọng trên toàn cầu mà Nhà Trắng đưa ra là chưa có đủ sự tham vấn.
Pháp đã có phản ứng dữ dội trong những ngày gần đây sau khi Mỹ và Anh tuyên bố sẽ giúp trang bị cho Australia tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Australia đã rút khỏi thỏa thuận 66 tỷ USD mua tàu ngầm do Pháp chế tạo. Paris bất bình vì cho rằng điều này đồng nghĩa với thất thu cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp và đem hợp đồng béo bở cho các doanh nghiệp Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá rằng cả Australia và Mỹ đã phản bội Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi đó triệu hồi đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia để tham vấn ở Paris. Ông Le Drian nói: “Đây thực sự là cú đâm sau lưng và có nhiều tương đồng với điều ông Trump từng làm trước đây”.
Chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh châu Âu cũng chệch nhịp trong một số vấn đề khác, như tốc độ các quốc gia giàu có nên chia sẻ kho vaccine COVID-19 họ tích trữ với những nước nghèo.
Ban đầu, nhà lãnh đạo Mỹ phản đối lời kêu gọi lập tức quyên góp 4-5% kho dự trữ vaccine COVID-19 cho các nước đang phát triển. Đến tháng 6, Nhà Trắng thay vào đó tuyên bố mua 500 triệu liều để dành cho một sáng kiến được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn nhằm chia sẻ vaccine COVID-19 với các nước có thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu. Tổng thống Biden dự kiến sẽ sớm công bố các bước bổ sung để giúp tiêm chủng cho thế giới.
Một vấn đề khác là các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng thể hiện mức độ hưởng ứng khác nhau với lời kêu gọi củaTổng thống Biden về một mặt trận thống nhất hơn để cạnh tranh kinh tế với Bắc Kinh. Khi các nhà lãnh đạo gặp nhau trong tháng 6 tại Anh, họ đồng ý hướng tới cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng khi Canada, Anh và Pháp phần lớn ủng hộ quan điểm của Tổng thống Biden thì Đức, Italy và liên minh châu Âu lại chần chừ hơn.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng bất đồng với các lãnh đạo châu Âu về việc kết thúc chiến tranh tại Afghanistan với Mỹ và các đồng minh phương Tây rời đi theo thời hạn 31/9 trước cả khi mọi công dân của họ được sơ tán.
Anh và nhiều đồng minh khác vốn từng cử binh sĩ hỗ trợ Mỹ tại Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9, đã kêu gọi ông Biden giữ binh sĩ tại sân bay Kabul thêm một thời gian nhưng nhà lãnh đạo Mỹ lại có quyết định ngược lại.
Tuần này với nhiều sự kiện được coi là một thời điểm quan trọng để Tổng thống Biden nêu ra các ưu tiên của mình và tập hợp sự ủng hộ để giải quyết khủng hoảng với sự phối hợp chặt chẽ hơn. Đây cũng là thời điểm chuyển đổi chính trị tại một số đồng minh của Mỹ. Thủ tướng Angela Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở sau khi Đức tổ chức bầu cử vào cuối tháng này. Trong khi đó, Pháp sẽ tổ chức bầu của Tổng thống vào tháng 4/2022.