Tính thực dụng trong chính sách đối ngoại mới của Ai Cập

Chuyến công du châu Á tuần qua của Tổng thống Mohamed Morsi đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về chính sách đối ngoại mới của Ai Cập. Theo tuần báo “Al Ahram” (Ai Cập), việc lựa chọn Trung Quốc và đặc biệt là Iran đã khiến các đối tác truyền thống của Ai Cập, trong đó có Mỹ và các nước vùng Vịnh, thực sự lo ngại.


 

Tổng thống Morsi (trái) gặp gỡ Tổng thống Ruanđa, Paul Kagame bên lề Hội nghị thượng đỉnh AU tại Ađi Abêba tháng 7/2012. Ảnh: Internet

 

Có thể thấy rõ rằng chính sách đối ngoại của Ai Cập đang thay đổi sau phong trào nổi dậy chưa từng thấy lật đổ chế độ chính trị đã tồn tại 30 năm nay. Được phát động nhằm chống lại tất cả những gì thuộc về chế độ cũ, cuộc nổi dậy nhân dân này về nguyên tắc sẽ "cách mạng hóa" các chính sách đối nội và đối ngoại của Ai Cập và thay đổi triệt để các ưu tiên của nước này. Nếu nhìn vào thực tế rằng tân Tổng thống của Ai Cập xuất thân từ tổ chức “Anh em Hồi giáo” - một lực lượng chính trị từng nằm trong số những nạn nhân chính của chế độ cũ, ta có thể hiểu được khát khao thay đổi rất lớn trong giai cấp thống trị mới đang được hình thành. Tuy nhiên, chế độ mới đang phôi thai lại phải chịu những áp lực chính trị, kinh tế và quân sự do 4 thập kỷ kể từ thời của Tổng thống Anwar Al - Sadat, người đã đặt nền móng cho chế độ Hosni Mubarak, để lại. Do vậy, ngay cả khi muốn thay đổi triệt để, Tổng thống Morsi sẽ không thể hoàn toàn tự do hành động mà phải tính đến tình hình thực tế hiện nay và thực hiện một cách thận trọng.


Dư luận phần lớn hiểu sai rằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên bên ngoài thế giới Arập của ông Morsi là đến Trung Quốc. Trên thực tế, từ tận giữa tháng 7, Tổng thống Mohamed Morsi đã tới Ađi Abêba, thủ đô của Êtiôpia, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU). Đây là lần đầu tiên một người đứng đầu nhà nước Ai Cập tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU kể từ năm 2000. Với việc tham dự hội nghị này, Tổng thống Morsi muốn bắn một mũi tên trúng hai đích: đánh dấu sự tan băng trong quan hệ với Êtiôpia vốn rất cần để có thể giải quyết tranh chấp về việc chia sẻ nguồn nước sông Nile và chứng tỏ rằng từ nay châu Phi nằm trong số những ưu tiên của Ai Cập.


Chuyến thăm của ông Morsi đến Trung Quốc từ ngày 27 - 29/8 trước hết xuất phát từ những khó khăn và những nhu cầu kinh tế của Ai Cập. Hiện nước này đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn thu, suy giảm vốn đầu tư nước ngoài và thâm hụt ngân sách lớn. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, là bước đi đầu tiên trong lĩnh vực đối ngoại của tân Tổng thống Ai Cập. Hơn nữa, không giống như Mỹ và các nước phương Tây, viện trợ kinh tế của Trung Quốc không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị và kinh tế nào. Tuy nhiên, ý nghĩa của chuyến công du này vượt xa lý do kinh tế. Thông điệp của động thái này là rất rõ ràng. Chuyến thăm Trung Quốc trước khi đến Mỹ - đồng minh chính của Ai Cập kể từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước và là nhà tài trợ lớn nhất của nước này - sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ: Ai Cập thời kỳ hậu Mubarak đang tìm cách tự giải thoát mình khỏi liên minh chặt chẽ với Mỹ và phương Tây nhằm đa dạng hóa nguồn tài trợ, tái cân bằng quan hệ với thế giới bên ngoài và thiết lập các quan hệ đối tác mới. Tương tự, mới đây người phát ngôn Tổng thống thông báo rằng ông Morsi đang có kế hoạch đi thăm Braxin và Malaixia. Sự thành công kinh tế của các nước này đã thu hút sự quan tâm của Ai Cập nhằm tìm kiếm một mô hình tăng trưởng kinh tế mới.


Tuy nhiên, chính sách hướng Đông và hướng Nam này không có nghĩa là Ai Cập sẽ quay lưng lại với phương Tây. Nhu cầu kinh tế của nước này rất lớn. Không ai trong số Trung Quốc hay các thị trường mới nổi khác có thể thay thế cho các nước phương Tây, vốn vẫn đang thống trị các thể chế tài chính quốc tế (Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới). Ai Cập đang tìm kiếm sự trợ giúp của các tổ chức này để giải quyết nhiều khó khăn kinh tế của mình. Do vậy, hai ngày sau khi công bố chuyến thăm của ông Morsi tới Trung Quốc và Iran, Cairô thông báo ông Morsi sẽ đi Mỹ vào ngày 24/9 để tham dự Đại hội đồng LHQ và gặp Tổng thống Mỹ. Thậm chí trước khi Tổng thống Morsi lên nắm quyền, lực lượng Anh em Hồi giáo đã cử một phái đoàn tới Oasinhtơn để trấn an người Mỹ về ý định của mình về chính sách đối nội, đối ngoại và tôn trọng hiệp ước hòa bình với Ixraen.


Cuối cùng, chuyến thăm của Tổng thống Morsi tới Iran vào tuần trước chủ yếu mang tính biểu trưng, thể hiện sự tuyệt giao với các chính sách của ông Mubarak. Việc Ai Cập và Iran xích lại gần nhau sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại.


Có thể thấy, các hoạt động đối ngoại đầu tiên của Tổng thống Morsi, người mới nhậm chức cách đây chưa lâu, đánh dấu sự tuyệt giao với chế độ cũ và bước khởi đầu của sự tái cân bằng chính sách đối ngoại hướng Đông và hướng Nam của Ai Cập. Những hoạt động này tạo uy tín và thể hiện mong muốn củng cố quyền lực của Tổng thống Morsi trước các cuộc tranh đấu trong nước. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới này sẽ không làm suy yếu mà chỉ thay đổi một chút những trụ cột của chính sách đối ngoại cũ, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. Lý do là những điều này rốt cuộc mang lại những lợi ích quốc gia mà bất cứ tổng thống nào cũng không thể bỏ qua. Không phải dĩ nhiên mà chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Morsi là tới Arập Xêút - một đồng minh chiến lược và là nhà tài trợ của Ai Cập dưới thời Mubarak. Ngoài ra, Ai cập sẽ tiếp tục duy trì hòa bình với Ixraen cũng như các mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, mặc dù nội dung và cách thức sẽ có những thay đổi lớn.

 

Hữu Chiến

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN