“Tháng 1 vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã chúc mừng nước này vượt qua mùa đông đầu tiên mà không mua khí đốt của Nga. Ukraine đã mua khí đốt của châu Âu để thay thế, mà ông Poroshenko nêu lên một cách hãnh diện, với giá đắt hơn 30%”, ông Nicolai Petro, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Rhode Island viết trên tờ “The Guardian” của Anh.
Theo chuyên gia Nicolai Petro, vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Ukraine chính là “sự lựa chọn bị ý thức hệ điều khiển nhằm cắt đứt mọi mối liên quan với Nga – đất nước lâu nay là nhà đầu tư lớn và đối tác thương mại chính của Ukraine”.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. |
“Trong hơn một năm, mức tiêu chuẩn sống ở Ukraine đã giảm đi một nửa, đồng nội tệ trượt giá hơn 2/3 và lạm phát leo thang tới 43%. Thậm chí ngay cả khi nền kinh tế này sụp xuống, chính phủ Kiev vẫn khăng khăng duy trì các chính sách 'tự sát'”, ông Petro chỉ ra.
Cắt quan hệ với Nga từ năm 2014, ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không của Ukraine đã mất 80% doanh số. Tương tự, các ngân hàng của Kiev đã tự mình từ chối nhận nguồn đầu tư và kiều hối từ gần 7 triệu lao động nước này đang làm việc tại Nga gửi về. Trong năm 2014, họ đã gửi về quê hương 9 tỷ USD, số tiền nhiều gấp 3 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ukraine.
Tình hình này, theo tác giả, càng trầm trọng hơn bởi “những khoản vay mượn liều lĩnh của chính phủ” dựa trên các điều kiện trả nợ “hà khắc”. Ukraine sẽ phải trả nợ cho đến năm 2041, các thế hệ tương lai có khả năng phải nộp lại cho các chủ nợ một nửa số tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), nếu đạt được 4%/năm. “Đó không phải là chính sách mà phương Tây cần phải hỗ trợ. Bất kể quan hệ chính trị, không một chính phủ phương Tây nào chịu đựng nổi sự bần cùng hóa người dân một cách cố ý vì mục đích chính trị. Nguy cơ Ukraine trở thành một nhà nước thất bại, và đẩy thêm hàng triệu người vào cuộc khủng hoảng tị nạn di cư ở châu Âu, đơn giản là quá cao”, nhà phân tích này lý giải.
Trong phiên họp đầu tiên của năm 2016, Tổng thống Poroshenko tuyên bố các ưu tiên mới đối với nền kinh tế Ukraine. Theo đó là cắt trợ cấp dành cho sản xuất và công nghiệp, thay vào là tăng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ông Poroshenko sẽ bán các sản phẩm của mình cho ai, bởi kể từ khi ký Hiệp định thương mại tự do với EU, Kiev đã mất đi thị trường lớn nhất là Moskva. Trong khi đó, luật pháp EU cũng giới hạn xuất khẩu của Ukraine vào thị trường châu Âu. Chẳng hạn chỉ có 72 công ty Ukraine được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc từ động vật vào châu Âu, trong đó có tới 39 giấy phép là dành cho mật ong. Ngay trong 6 tuần đầu năm 2016, Ukraine đã xuất đi hết hạn ngạch mật ong của cả năm. Rất nhiều loại hàng hóa khác cũng gặp cảnh tương tự.
Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev. |
Bên cạnh đó, cũng không rõ ông Poroshenko có kế hoạch như thế nào để đưa nền nông nghiệp nước này ra cạnh tranh trên đấu trường quốc tế khi mà 4/5 các công ty nông nghiệp nhà nước đã phá sản. Nguồn kinh phí để mua máy nông nghiệp cũng không rõ ràng, trong khi thực tế 80% số máy móc đó phải nhập khẩu.
Những chính sách sai lệch như trên khiến cho mức độ tín nhiệm của chính phủ Kiev bị tuột dốc. 70% dân Ukraine nói rằng đất nước họ đang đi nhầm hướng, cũng như 85% người dân không tin tưởng vào Thủ tướng đương nhiệm. Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Poroshenko hiện nay còn thấp hơn cả người tiền nhiệm Viktor Yanukovich tại thời điểm ông này bị lật đổ.
Giới hoạch định chính sách của phương Tây cần nhấn mạnh với Ukraine rằng “sự hợp lý về kinh tế nên được ưu tiên hơn chủ nghĩa dân tộc kinh tế”, chuyên gia Nicolai Petro kết luận.
Giữa lúc bất ổn về kinh tế và chính trị sâu sắc, ngày càng xuất hiện nhiều các tin đồn về việc Thủ tướng Ukraine Arseniy Yaysenyuk sẽ sớm từ chức. Đầu tuần qua, tờ Financial Times đưa tin rằng Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalya Jaresko đã được cả Tổng thống Poroshenko lẫn Thủ tướng Yaysenyuk đề nghị kế nhiệm chức Thủ tướng vào cuối năm nay. Theo tạp chí Forbes, các nhà đầu tư sẽ thích vị Thủ tướng mới này.
Tình thế của Ukraine đang phức tạp bởi sự thật rằng nước này còn chưa rõ có nên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hay không. Một nửa khu vực phía Tây của đất nước chắc chắn muốn điều này, trong khi nửa miền Đông lại ủng hộ Nga. Cùng lúc đó, giới chức EU chắc hẳn còn lâu mới kết nạp EU trước tình hình rối ren như hiện nay. Theo nhà báo người Đức Theo Sommer, Kiev đang “bị ép để chọn lựa giữa phương Tây và Nga”. Còn phương Tây có lẽ nên đồng ý một thỏa hiệp với Ukraine, bao gồm gia nhập EU, và cùng lúc là khôi phục “mối quan hệ lịch sử” với Nga.