Binh sĩ Ukraine chuyển súng cối tự động "Vasilyok" 85mm rời làng Peski ngày 7/11. AFP/TTXVN |
Hai năm trước, quân đội Ukraine yếu thế và không sẵn sàng để chống lại các lực lượng đặc nhiệm Nga giành bán đảo Crimea. Mặc dù đã được huấn luyện và hỗ trợ về quân sự và an ninh từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các lực lượng của nước này còn xa mới mới tiến tới mức sẵn sàng đối phó với những thách thức an ninh. Các vấn đề hiện tại của Ukraine là việc họ đang rất thiếu các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại và chuyên nghiệp có khả năng đối phó với các vũ khí tiên tiến, chiến thuật của đối phương.
Trong một chương trình phát trên kênh truyền hình “1+1” của Ukraine gần đây, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov tuyên bố rằng nước này cần hiện đại hóa quân đội để mang Crimea trở về với Ukraine.
Theo ông Avakov, “Ukraine sẽ phải tái cơ cấu và tái xây dựng quân đội, lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát, do đất nước hầu như không có gì trước khi bắt đầu chiến sự… rồi sau đó, bằng ý chí của mình, Crimea sẽ trở lại với chúng tôi – tôi không có nghi ngờ gì về điều này”. Ông cho biết thêm rằng Bộ Nội vụ Ukraine, cùng với các nhà lập pháp, đang tạo ra một lực lượng Vệ binh quốc gia đặc biệt để “sẵn sàng cho sự trở lại của Crimea”. Theo vị bộ trưởng, Ukraine đã thất bại trong việc bảo vệ Crimea 2 năm trước bởi thỏa thuận Kharkov được cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ký trước đó – người đã bị phế truất và tị nạn ở Nga sau các cuộc biểu tình Maidan.
Avakov chỉ trích các thỏa thuận cho phép Nga tăng cường đáng kể hiện diện quân sự ở Crimea trước khi tiếp quản bán đảo này: “Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì khi những chiếc máy bay Nga hạ cánh tại sân bay Crimea, vì Yanukovych đã ký thỏa thuận”.
Theo thỏa thuận Kharkov, giữa Ukraine và Nga (được các tổng thống Viktor Yanukovich và Dmitri Medvedev ký vào tháng 4/2010), Hạm đội Biển Đen được phép đặt căn cứ tại bán đảo Crimea cho đến năm 2042. Thời gian này có thể kéo dài thêm 5 năm nếu không bên nào tuyên bố rút khỏi thỏa thuận. |
Một chương trình truyền hình tương tự có sự xuất hiện của Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, người nói về các phương pháp tuyên truyền để mang Crimea trở lại với Kiev. Theo ông Klimkin, các cư dân trên đảo nên được biết những lợi ích của việc sống tại một đất nước châu Âu dân chủ - nước Ukraine hiện nay: “Chúng tôi phải cho họ biết rằng tương lai của họ ở Ukraine và không phải Crimea thuộc Nga, nơi họ không đi được đến đâu”.
Nhật báo Nga Moskovskiy Komsomolets có bài viết cho hay bán đảo Crimea đã trở thành một phần của LB Nga theo kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 sau khi các lực lượng đặc biệt Nga nắm quyền kiểm soát khu vực này rất nhanh chóng. Theo Moskva, việc hợp nhất Crimea với Nga được sự ủng hộ của gần 96% - một thực tế là Kiev và đa số các nước phương Tây từ chối công nhận kết quả này, và tiến hành áp đặt trừng phạt chống lại Nga. Trong khi đó, gần đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng câu hỏi về tình trạng của Crimea đã “khép lại mãi mãi – bán đảo này là một phần của Nga”.
Các lực lượng Ukraine thực sự có thể nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các cải cách cần thiết, luyện quân, tiếp nhận các công nghệ và chiến thuật quân sự mới, nhưng những việc này đều cần có thời gian. Hơn nữa, việc tăng cường khả năng quân sự chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tốn kém với Nga để giành Crimea có thể không khả thi với một đất nước vẫn đang vận lộn với biến động chính trị và một nền kinh tế yếu kém.
Tuy nhiên, những vấn đề đó dường như không ngăn cản các thành viên chính phủ Ukraine có những tuyên bố kêu gọi hành động quân sự thêm nữa chống lại quân nổi dậy ở miền Đông đất nước, mà Kiev cáo buộc do Nga hậu thuẫn.
Theo nhật báo Ukraine Obozrevatel.ua, Đại tá Peter Nedzelskiy, một sĩ quan tình báo quân sự cấp cao, gần đây nói rằng các lực lượng quân sự đã sẵn sàng hành động “giải phóng vùng bị tạm chiếm Donbass – Quân đội đang chờ đợi quyết định có liên quan của giới lãnh đạo quân sự-chính trị của đất nước”. Ông nói thêm: “Binh sĩ của chúng tôi đã sẵn sàng tinh thần vệ quốc – và họ cũng đang chờ đợi lệnh tấn công. Trạng thái tinh thần của quân đội Ukraine đủ vững vàng – chúng tôi đã học cách chiến đấu. Nếu không phải vì Thỏa thuận Minsk, chúng tôi đã trục xuất những ‘kẻ khủng bố’ ra khỏi lãnh thổ của mình lâu rồi”.
Vị đại tá nhấn mạnh rằng: “Quân đội là một công cụ của chính sách, và chiến tranh là sự tiếp nối của chính sách thông qua các phương pháp vũ trang – tất nhiên, chúng tôi không thể hành động nếu không có quyết định của giới lãnh đạo quân sự-chính trị - chúng tôi đang chờ đợi một quyết định như thế”.