Thụy Sĩ trong cuộc chiến bảo mật ngân hàng với Mỹ

Bí mật ngành ngân hàng Thụy Sĩ vốn giúp nước này trở thành trung tâm gửi tiền nước ngoài lớn nhất thế giới với tổng giá trị tài sản lên tới 2.200 tỷ USD, tương đương với 26% thị trường toàn cầu, sẽ ra sao trong cuộc chiến về thuế với Mỹ?


Cuộc khủng hoảng tài chính khiến chính phủ nhiều nước gặp khó khăn nên phải tìm các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Tranh cãi xoay quanh cáo buộc cho rằng một số ngân hàng Thụy Sĩ giúp người giàu Mỹ trốn thuế lên tới hàng tỷ USD đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều sự chú ý. Trước sức ép của Mỹ, chính phủ Thụy Sĩ đã tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm nay để chấm dứt việc điều tra của Oasinhtơn với nhiều ngân hàng Thụy Sĩ, bao gồm Credit Suisse và Julius Baer. Cuối tháng 5/2013, chính phủ Thụy Sĩ chấp nhận ký thỏa thuận chia sẻ bí mật thông tin khách hàng của các ngân hàng cho Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Eveline Widmer-Schlumpf lúc đó đã tuyên bố hai bên đang tiến đến thời điểm đưa ra giải pháp này sau khi đã nhất trí được phương thức giải quyết.


Chi nhánh ngân hàng UBS tại trung tâm Geneva.


Thỏa thuận này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cho phép các ngân hàng Thụy Sĩ tránh được nguy cơ đối diện với một loạt vụ kiện cáo ở Mỹ, cũng như không bị "cấm cửa" vào thị trường lớn và "béo bở" của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các ngân hàng Thụy Sĩ được phân thành bốn loại: Nhóm thứ nhất (A) gồm 13 ngân hàng trong đó có Credit Suisse và Julius Baer, sẽ phải có thỏa thuận tài chính hoặc thừa nhận vi phạm và bị phạt; Nhóm thứ hai (B) gồm 20 đến 30 ngân hàng mà đã chào đón các khách hàng Mỹ nhưng không phải là đối tượng điều tra của luật pháp; Nhóm thứ ba và thứ tư (C và D) cũng ít bị tác động hơn.

Những mốc chính trong cuộc chiến
về thuế Mỹ - Thụy Sĩ

Năm 2009: Ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ đồng ý chuyển giao hơn 4.500 tên khách hàng và nộp phạt 780 triệu USD.

Tháng 7/2011: Ngân hàng lớn thứ hai Credit Suisse bị Mỹ điều tra và phải dự phòng một khoản nộp phạt 295 triệu franc.

Tháng 2/2012: Bộ Tư pháp Mỹ ra phán quyết buộc tội Wegelin - ngân hàng tư nhân lâu đời của Thụy Sĩ - tiếp tay cho những công dân Mỹ giàu có trốn thuế. Tháng 6/2012: Bộ Tài chính Mỹ đạt được thỏa thuận thử với Thụy Sĩ để giúp các ngân hàng hiểu rõ các quy định về việc trốn thuế ở Mỹ.

Tháng 6/2012: Ngân hàng Julius Baer đã chuyển giao tên của 2.500 nhân viên cho giới chức trách Mỹ để tránh bị điều tra thuế.

Tháng 11/2012: Ngân hàng tư nhân Pictet xác nhận đang bị Mỹ điều tra.

Tháng 1/2013: Wegelin bị đóng cửa sau khi thừa nhận giúp khách hàng Mỹ trốn thuế thông qua tài khoản bí mật và phải nột phạt gần 58 triệu USD.

Tháng 5/2013: Chính phủ Thụy Sĩ đệ trình lên quốc hội dự luật cho phép các ngân hàng Thụy Sĩ chuyển giao thông tin cho Mỹ nhằm tránh bị buộc tội hình sự.

Tháng 6/2013: Hạ viện Thụy Sĩ bác bỏ dự luật chưa cho phép các ngân hàng tiết lộ thông tin khách hàng với Mỹ buộc chính phủ phải đưa ra quyết định. Tháng 7/2013: Chính phủ Thụy Sĩ thông qua giải pháp đặc biệt về chia sẻ các dữ liệu ngân hàng với Mỹ.


Thượng viện Thụy Sĩ ngày 12/6/2013 đã chính thức bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và nước này mang tên "Lex USA". Tuy nhiên, Hạ viện Thụy Sĩ ngày 18/6 lại bác bỏ dự luật cho phép tiết lộ thông tin của khách hàng Mỹ có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ cho chính phủ Mỹ. Nếu không được quốc hội bật đèn xanh, thì việc tiết lộ danh tính của các khách hàng Mỹ sẽ vi phạm luật bảo mật ngân hàng của Thụy Sĩ.


Để có được sự dàn xếp phần nào với đề nghị của Bộ trưởng Widmer-Schlumpf về việc áp dụng các quy định mới cho phép các ngân hàng hợp tác với các nhà chức trách Mỹ, chính phủ Thụy Sĩ đã nhất trí cho phép các ngân hàng có giải pháp đặc biệt hợp tác với giới chức Mỹ, mở đường cho các cơ sở tài chính chia sẻ các dữ liệu ngân hàng nhằm tránh bị buộc tội hình sự cho những cáo buộc trợ giúp trốn thuế.


Nội các Thụy Sĩ đã thống nhất việc cấp phép dựa trên từng trường hợp cụ thể, nhằm đưa ra được đường hướng giải quyết vụ tranh chấp về thuế với Mỹ kéo dài suốt 4 năm qua làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương. Hiện có 14 ngân hàng Thụy Sĩ đang bị Mỹ điều tra về những cáo buộc giúp các khách hàng giàu có của Mỹ trốn thuế. Danh sách các ngân hàng này bao gồm Credit Suisse, Julius Baer, chi nhánh tại Thụy Sĩ của ngân hàng Anh HSBC. Khoảng 12 trong số 14 ngân hàng trên sẽ nằm trong danh sách đầu tiên được phép hợp tác với giới chức trách Mỹ. Tuyên bố của chính phủ nêu rõ, việc chuyển giao dữ liệu khách hàng phải trong phạm vi các thỏa thuận hiện có với Mỹ liên quan đến lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần thông qua các trợ giúp hành chính.


Mỹ là quốc gia có nhiều tập đoàn trốn thuế ở các nước và cũng là quốc gia có nhiều người giàu trong nước trốn thuế. Hiện nay, cơ quan thuế của Mỹ tiếp cận được nhiều hồ sơ khai báo mới của công dân Mỹ gửi tiền tại Thụy Sĩ, đồng thời thúc đẩy các cuộc điều tra pháp lý. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tiến hành giải quyết với các ngân hàng Thụy Sĩ bị nghi ngờ vi phạm luật của Mỹ. Trong khi đó, các ngân hàng Thụy Sĩ chưa có lựa chọn nào ngoài việc cần nhượng bộ theo yêu cầu của Mỹ. Thụy Sĩ nổi danh là “thiên đường” để trốn thuế cá nhân. Đây là một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi nhất ở Thụy Sĩ về việc có tiếp tục bảo vệ thành trì "bí mật ngân hàng" đã cất công gây dựng bao nhiêu năm qua.


Trong khi đó, một nghiên cứu của James S. Henry, cựu kinh tế gia trưởng McKinsey & Company, cho biết giới nhà giàu thế giới hiện có tổng cộng từ 21.000 đến 32.000 tỷ USD cất trong những tài khoản ở nước ngoài - tương đương quy mô nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại…


Bài, ảnh:Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)

Ngân hàng Nhật JCB nhanh chân vào Myanmar
Ngân hàng Nhật JCB nhanh chân vào Myanmar

Ngân hàng hàng đầu Nhật Bản Japan Credit Bureau (JCB) ngày 4/7 thông báo đã đạt được thỏa thuận với mạng lưới thanh toán quốc gia Myanmar (Myanmar Payment Union - MPU), theo đó thẻ JCB sẽ được chấp nhận thanh toán tại tất cả các địa điểm cho phép thanh toán qua thẻ ở nước này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN