Thủ tướng mới của Anh có ý nghĩa gì đối với châu Âu?

Việc bà Liz Truss trở thành tân thủ tướng của Anh có thể báo hiệu những rạn nứt mới trong quan hệ giữa London và Brussels.

Chú thích ảnh
Bà Liz Truss. Ảnh: AP

Ngày 5/9, bà Liz Truss đã được bầu làm thủ tướng tiếp theo của Anh. Từng là người ủng hộ nhiệt tình tư cách thành viên EU của Anh, bà Truss đã thay đổi sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để trở thành một người ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi EU) mạnh mẽ.

Khi khởi động chiến dịch tranh cử để trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh, bà Truss liệt kê Dự luật về Nghị định thư Bắc Ireland  - mà bà cho là "đối mặt với sự bất minh của EU" - như một trong số thành tựu cá nhân của mình trong chính phủ Anh.

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần của thỏa thuận Brexit đã được đàm phán và ký kết bởi Thủ tướng Boris Johnson, sau đó được Quốc hội Anh và EU phê chuẩn. Nó cho phép áp dụng các biện pháp kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu từ Anh đến Bắc Ireland. 

Anh có thời hạn cho đến ngày 15/9 tới để phản ứng về hành động pháp lý của EU liên quan đến việc London không thực hiện đầy đủ các hoạt động kiểm tra biên giới Bắc Ireland theo Nghị định thư. Theo tờ Financial Times, bà Truss đang xem xét khởi động ngay Điều 16 của Nghị định thư - một điều khoản được cho là biện pháp cuối cùng cho phép một trong hai bên thực hiện các biện pháp "tự vệ" đơn phương để vượt qua những khó khăn "nghiêm trọng".

Anand Menon, Giám đốc của Tổ chức tư vấn "Anh trong một châu Âu đang thay đổi", nhận định về chính sách của ứng cử viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ: “Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại và sẽ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Anh và EU".

Khi bà Truss trở thành Ngoại trưởng Anh và tiếp quản các cuộc đàm phán hậu Brexit về Bắc Ireland vào đầu năm 2022, sự kiện này đã được hoan nghênh ở EU. Người tiền nhiệm của bà là David Frost được EU cho là "cố chấp".

Nhưng đến tháng 7, một nhà ngoại giao cấp cao EU nói: “Sau khi bà Liz Truss nắm cương vị mới, chúng tôi đã có hy vọng, nhưng hãy nhìn xem mọi chuyện đã diễn ra như thế nào  - bà ấy đang thực hiện một cách tiếp cận cực đoan hơn nhiều".

Các nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels nhận định: “Ngay cả khi có lãnh đạo mới, việc thiết lập lại quan hệ EU - Anh một cách triệt để là khó xảy ra. Bà Truss là hiện thân của sự liên tục từ thời ông Johnson vốn khiến cho quan hệ giữa Anh và EU rạn nứt sâu sắc”.

Hai chuyên gia của EPC là Fabian Zuleeg và Emily Fitzpatrick nhận xét trong một bài bình luận: "Khó có khả năng bà Truss thay đổi cách tiếp cận cứng rắn của mình. Điều này sẽ gây tổn hại thêm cho mối quan hệ EU - Anh".  

Đồng quan điểm trên, Giáo sư Chính trị và Ngoại giao châu Âu Anand Menon tại Đại học King's College London (Anh) nói: "Sắp tới, nhiều điều sẽ phụ thuộc vào Nghị định thư. Hành động đơn phương của Anh thông qua Dự luật Nghị định thư sẽ chi phối đến gần như toàn bộ mối quan hệ Anh - EU (ngoại trừ một phần hợp tác về Ukraine)". 

Trong khi đó, Adam Harrison thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR)  dự đoán: "Với tư cách là thủ tướng, bà ấy (Truss) có thể sẽ không muốn thỏa hiệp với Brussels, tiếp tục theo đuổi chính sách thời chính phủ Johnson về 'Brexit vĩnh viễn' - thường xuyên và cố ý gây ra các cuộc tranh cãi với EU".

Liên quan hệ mối quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Anh và EU, trong một bài bình luận viết cho ECFR vào tháng 1 năm nay, Isabella Antinozzi, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng Anh (RUSI), cho rằng EU và Anh nên tìm cách phục hồi mối quan hệ của họ trong các lĩnh vực chính sách khác vốn không gây ra các cuộc tranh luận chính trị căng thẳng, chẳng hạn như hợp tác an ninh.

Với tư cách là một thủ tướng tiềm năng, chuyên gia Antinozzi viết rằng bà Truss có "động lực mạnh mẽ để bắt đầu lại mối quan hệ với EU" và "nên hiểu rằng an ninh và quốc phòng là những lĩnh vực đầy hứa hẹn có thể hàn gắn cuộc ly hôn đau đớn giữa EU và Anh". 

Tuy nhiên, bài phát biểu đầu tiên của bà Truss trên cương vị Ngoại trưởng hầu như không đề cập đến EU. Chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại năm 2021 của Anh cũng không đề cập đến liên minh này. 

Hiện nay, bà Antinozzi tỏ ra bi quan về bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào của mối quan hệ Anh - EU dưới sự lãnh đạo của thủ tướng mới: "Thứ nhất, vì bà ấy (Truss) không có khả năng theo đuổi một chính sách đối ngoại hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm của mình, nên Brexit vĩnh viễn sẽ được tiếp tục. Thứ hai, và có lẽ quan trọng nhất là vì bà ấy thường xuyên thể hiện kỹ năng ngoại giao hạn chế". 

Bà Antinozzi kết luận rằng hợp tác an ninh và quốc phòng, đặc biệt là kể từ sau cuộc xung đột ở Ukraine, chắc chắn có thể đóng vai trò là một kênh để khắc phục hoặc ít nhất là làm giảm bớt những xung đột chính trị với EU. Nhưng sự hợp tác sẽ là chỉ với các quốc gia riêng lẻ hoặc nhóm nhỏ, còn đối với các sáng kiến ​​quốc phòng chung của EU, Anh đã cho thấy không sẵn sàng tham gia.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo euronews.com)
Ngoại trưởng Anh Liz Truss đắc cử chức Chủ tịch đảng Bảo thủ
Ngoại trưởng Anh Liz Truss đắc cử chức Chủ tịch đảng Bảo thủ

Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong vòng bỏ phiếu cuối cùng của đảng Bảo thủ để trở thành thủ lĩnh mới của đảng cầm quyền. Bà Truss sẽ chính thức được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng Anh tại lâu đài Balmoral, Scotland, vào ngày 6/9/2022 sau khi ông Johnson chính thức đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng vào cùng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN