Thủ tướng Hà Lan có 'món quà trời cho' trước bầu cử

Tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan được dự đoán có nhiều khả năng tác động tới kết quả cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 15/3 tại Hà Lan.

Đây là nội dung đăng trong bài phân tích của tờ Die Welt về tác động sự cố ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới ở Hà Lan.

Đối với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, sự căng thẳng với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một món quà thực sự trước bầu cử.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trả lời báo giới tại Brussels, Bỉ ngày 9/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay trước thềm bầu cử, vụ tai tiếng ngoại giao giữa hai nước thành viên NATO đem đến cho ông Rutte cơ hội thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ của đất nước. Nói về việc cấm hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ diễn thuyết tại Hà Lan vị Thủ tướng nêu rõ: "Chúng đã vẽ ra một vạch đỏ".

Thủ tướng Mark Rutte lý giải rằng 400.000 người gốc Thổ đang sống ở Hà Lan chính là "công dân của Hà Lan“ chứ không phải của Thổ Nhĩ Kỳ như chính quyền Ankara đã khẳng định.

Phát biểu trước các nhà báo, ông cam kết sẽ tìm cách giảm sự căng thẳng và đã 8 lần điện đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Rutte cũng nhấn mạnh không cho phép ai bước qua vạch đỏ do ông vạch ra. Thủ tướng Hà Lan tuyên bố: "Không thể tống tiền chúng ta được".

Nhìn chung, vị Thủ tướng đã xử sự đúng như một vị chủ nhà và điều này có thể tác động tích cực tới chỉ số tín nhiệm của đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ do ông làm lãnh đạo. Theo một cuộc thăm dò gần đây, đảng này thu được 16% lá phiếu của cử tri và có thể lập ra một phe nhóm có nhiều nghị sỹ nhất trong Quốc hội Hà Lan.

Vị Thủ tướng đương nhiệm có thể tự hào về những thành tựu khác lớn hơn so với thái độ cứng rắn trong cuộc tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới thời của ông Rutte, nền kinh tế Hà Lan đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và GDP tăng trưởng hàng năm 2%, tỷ lệ cao so với chuẩn chung châu Âu. Nhìn chung, mọi việc ở Hà Lan đều tốt đẹp.

Tuy nhiên, bản thân ông Rutte không được cử tri yêu thích lắm và điều này có thể tác động xấu tới cơ hội thắng cử của đảng. Nguyên do là bởi những lời hứa của ông không được thực hiện, chẳng hạn như về việc áp dụng trở lại một loạt trợ cấp xã hội.

Về mặt cá nhân thì chính khách 50 tuổi là một ẩn số đối với người Hà Lan: Ông vẫn là người độc thân luôn giấu kín cuộc sống riêng tư. Tại một đất nước mà phần lớn mọi người sống không cần che rèm cửa sổ theo đúng nghĩa đen thì điều này gây ra sự nghi ngại.

Và ngay cả với Geert Wilders, đối thủ của ông Rutte trong cuộc bầu cử, thì vụ tai tiếng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đem lại lợi ích. Hiện tại đảng Tự do của ông Wilders chỉ tụt 3 điểm so với đảng Nhân dự vì tự do và dân chủ. Khi chỉ số tín nhiệm của đảng tụt xuống, ông Wilders hầu như ngừng gặp gỡ cử tri mà chỉ giới hạn sự vận động tranh cử trên trang mạng xã hội Twitter.

Chỉ trước thềm cuộc bầu cử ông mới nghĩ lại và hứa tranh luận công khai với vị thủ tướng đương nhiệm. Wilders là một trong những người đầu tiên biết tận dụng cuộc tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa rõ là ông có tìm ra mối lợi từ việc này hay không.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do quỹ Maurice De Hond thực hiện sau sự cố ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, các đảng theo đường lối bảo thủ và dân tộc có thể nhận thêm 5 ghế trong Hạ viện Hà Lan.

Đảng của Thủ tướng Rutte thu được 27 ghế trong tổng số 150 ghế của Hạ viện với 18% số phiếu bầu, tức tăng thêm 3 ghế so với kết quả cuộc thăm dò trước đó. Đảng Tự do theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của ông Wilders đứng thứ hai, thu được 16% số phiếu, tăng hai ghế và tổng cộng sẽ có 24 ghế trong Quốc hội.

Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại CH Séc)
Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng với một loạt nước châu Âu
Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng với một loạt nước châu Âu

Mặc dù đã cam kết nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Đức tiếp tục chỉ trích nhau liên quan việc Tổng thống Tayyip Erdogan cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN