Trên đây là nhận định của Tiến sĩ Kinh tế học Ruvislei González Saez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế của Cuba, điều phối viên quốc gia tại Cuba của Hiệp hội Nghiên cứu Mỹ Latinh về châu Á và châu Phi, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới CHLB Brazil từ ngày 23 - 26/9.
Tiến sĩ González Saez nhận định chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thể hiện mong muốn hợp tác với các nước Nam bán cầu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tư cách là người đứng đầu Chính phủ tới một quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.
Theo ông González Saez, mặc dù về mặt kinh tế, Brazil rất quan tâm đến Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng điều thú vị là Việt Nam lại là nước đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Á. Tính năng động giúp Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ cho các sản phẩm của Brazil vào ASEAN.
Chuyên gia Cuba chỉ rõ Brazil và Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ nhất và thứ hai trên thế giới. Hai nước là đối thủ cạnh tranh trong ngành hàng này nhưng lại có sự bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực khác, đặc biệt nhờ năng lực xuất khẩu thiết bị công nghệ của Việt Nam và nông sản của Brazil.
Mặt khác, Việt Nam đang bắt đầu tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực ô tô và năng lượng tái tạo. Đây có thể là cơ hội cho các công ty Việt Nam như Vinfast thâm nhập thị trường Brazil.
Tiến sĩ González Saez cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil là một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương, đặc biệt nếu xét đến vị trí chiến lược của hai quốc gia Nam bán cầu này và tiềm năng hiện có của mỗi nước.
Việt Nam và Brazil có hai cơ chế đối thoại thường xuyên là các cuộc họp tham vấn về các vấn đề cùng quan tâm (Tham vấn chính trị) và Ủy ban hỗn hợp. Hai bên đã phát triển nhiều công cụ hợp tác song phương khác nhau, như Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác khoa học - kỹ thuật, đấu tranh chống đói nghèo, hợp tác thể thao cũng như giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Brazil. Việt Nam và Brazil cũng có nhiều văn kiện song phương có hiệu lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khoa học y tế, hợp tác kỹ thuật sản xuất và sử dụng ethanol nhiên liệu…
Brazil đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách chống bán phá giá trong lĩnh vực giày dép và phê duyệt danh sách 74 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản. Cả hai nước đã thiết lập cơ chế để giám sát mối quan hệ song phương thông qua một ủy ban hỗn hợp và cơ chế họp luân phiên hai năm một lần tại Hà Nội và Brasilia. Thông qua các cơ chế này, Việt Nam và Brazil xem xét tình trạng quan hệ song phương và xác định các lĩnh vực hợp tác khác như thực phẩm, chăn nuôi, chế biến gỗ, nhà máy điện và công nghệ thông tin. Năm 2019, Brazil quyết định tạm dừng áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán của Việt Nam.
Từ góc độ kinh tế, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc tế của Mỹ Latinh nêu bật chuyến thăm của Phó Thủ tướng (nay là Chủ tịch Quốc hội) Vương Đình Huệ tới Brazil năm 2018. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác song phương trong các lĩnh vực hàng không dân dụng, thương mại và đầu tư.
Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đã tăng từ 29 triệu USD hồi năm 2001 lên 3,350 tỷ USD năm 2014 và 6,785 tỷ USD năm 2022. Con số này đã đưa Brazil trở thành đối tác thương mại chính của Việt Nam ở Mỹ Latinh và Caribe. Tuy nhiên, “gã khổng lồ Nam Mỹ” mới chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mexico. Chỉ riêng Brazil, Argentina và Mexico đã chiếm tới 80% thương mại của Việt Nam với khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Các sản phẩm Brazil xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam là cám đậu nành (chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu), đậu nành (17%), bông (16%) và ngô (14%). Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là thiết bị viễn thông (29%), van và bóng bán dẫn (25%), giày dép (6%) và lốp xe (5,5%).
Tính đến tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đã đạt 1,684 tỷ USD, chủ yếu là điện thoại và linh kiện, máy tính, phụ kiện vận tải và sắt thép. Mặt khác, Việt Nam đã nhập khẩu lượng ngô, đậu nành, thức ăn gia súc, nguyên liệu làm thức ăn gia súc và khoáng sản trị giá 2,779 tỷ USD.
Kể từ khi ông Lula da Silva tái nhậm chức Tổng thống Brazil, quan hệ song phương một lần nữa khởi sắc. Chuyến thăm Brazil sắp tới sẽ là cuộc hội ngộ thứ hai trong năm nay giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Lula da Silva. Trước đó hồi tháng Năm, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp song phương trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản. Trong cuộc trò chuyện, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng thương mại giữa hai nước đang ở mức thấp hơn tiềm năng nếu xét đến quy mô dân số và nền kinh tế của Brazil và Việt Nam. Hai bên đều ủng hộ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, cũng như đồng thuận về các vấn đề trong chương trình nghị sự đa phương.
Cuộc gặp hồi tháng 5 vừa qua và chuyến thăm sắp diễn ra thể hiện thiện chí mà Chính phủ Brazil hiện nay dành cho Việt Nam, làm tiền đề cho sự hợp tác cùng có lợi cho cả hai quốc gia và đưa mối quan hệ đối tác toàn diện hiện có lên một tầm cao mới trong tương lai gần.
Sự năng động của quan hệ kinh tế song phương giúp nâng cao vị thế của Brazil với tư cách là đối tác thương mại chính của Việt Nam ở Mỹ Latinh và Caribe. Sự hiện diện của Thủ tướng Việt Nam tại quốc gia Nam Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy các hiệp định kinh tế, thương mại mới.
Chuyên gia González Saez nhận định, nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Brazil vào năm 2024 trùng với dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ song phương. Đây sẽ là “thời điểm vàng” để nâng tầm quan hệ lâu dài cả từ góc độ chính trị-ngoại giao cũng như kinh tế-thương mại.