Thể thao không miễn nhiễm với chính trị, có thể chắc chắn điều này khi hỏi các vận động viên Nga, những người đã bị ảnh hưởng bởi một lệnh trừng phạt được áp dụng đối với đất nước của họ kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhưng các lệnh trừng phạt nhằm vào nền thể thao Nga sâu rộng đến mức nào và Moskva đã phản ứng ra sao? Dưới đây là tổng hợp của đài RT (Nga):
Vì sao vận động viên Nga bị trừng phạt?
Sau khi Nga tuyên bố tấn công quân sự ở Ukraine, với một ngả tiến qua Belarus, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ra một khuyến nghị rằng các vận động viên, quan chức Nga và Belarus bị cấm tham gia tất cả các sự kiện quốc tế.
Khi không đạt được điều đó, IOC cho rằng các vận động viên Nga và Belarus chỉ nên thi đấu với tư cách trung lập, đồng thời khuyến nghị hai nước không tổ chức bất kỳ sự kiện thể thao quốc tế nào.
Lý giải cho quyết định của mình, IOC cáo buộc Nga và Belarus “vi phạm Thỏa thuận Đình chiến Olympic” và cho biết các sự kiện ở Ukraine đã đặt tổ chức này vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan không thể giải quyết”.
Nga bị cấm ở những môn thể thao nào?
Theo khuyến nghị của IOC, các liên đoàn của một loạt môn thể thao đã cấm các đội và vận động viên của Nga và Belarus. Các tổ chức lớn như FIFA (Liên đoàn Bóng đá quốc tế), UEFA (Liên đoàn Bóng đá châu Âu) cũng thực thi theo khuyến nghị đó, đồng nghĩa đội tuyển bóng đá nam của Nga sẽ bị lỡ World Cup 2022 Qatar.
Các đội Paralympic của Nga và Belarus bị cấm tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 chỉ một ngày trước khi họ bắt đầu giải đấu.
Các ngôi sao trượt băng nghệ thuật của Nga và Belarus bị cấm tham gia các sự kiện bao gồm Giải vô địch thế giới tại Pháp trong tháng này, trong khi các vận động viên của cả hai quốc gia bị Liên đoàn Điền kinh thế giới cấm thi đấu, dù với tư cách trung lập.
Các môn thể thao khác vốn là thế mạnh truyền thống của Nga như thể dục dụng cụ cũng đã cấm hoàn toàn vận động viên Nga. Lệnh trừng phạt còn mở rộng đến một loạt các môn thể thao ít phổ biến hơn, từ bơi xuồng đến karate.
Nga cũng đã bị tước bỏ quyền đăng cai các sự kiện thể thao, trong đó quan trọng nhất là trận chung kết UEFA Champions League dự kiến diễn ra tại St.Petersburg vào tháng 5, đã được chuyển đến Paris. UEFA cũng đã kết thúc hợp đồng tài trợ với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.
Nga còn mất quyền tham dự Giải vô địch bóng chuyền thế giới nam 2022 và Giải vô địch thế giới khúc côn cầu trên băng trẻ em năm 2023, trong khi quyết định về Giải vô địch thế giới khúc côn cầu trên băng năm 2023 - dự kiến diễn ra tại St.Petersburg vào tháng 5 năm sau - sẽ được đưa ra trong những tuần tới.
Giải đua xe Công thức 1 Russian Grand Prix dự kiến tổ chức tại Sochi vào tháng 9 đã bị hủy bỏ, và tương tự là giải đua ở St.Petersburg vào năm sau. Giải vô địch thế giới bơi lội FINA tổ chức tại Kazan, Nga vào tháng 12 đã bị hủy trong tuần này.
Ngoài vận động viên, các quan chức Nga cũng bị tước bỏ các giải thưởng quốc tế, bao gồm cả huy chương Olympic được trao cho Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin cũng đã mất các danh hiệu danh dự ở môn judo và taekwondo, và một giải thưởng do Liên đoàn Bơi lội quốc tế (FINA) cấp.
Những môn thể thao nào cho phép các vận động viên Nga thi đấu?
Một số môn thể thao vẫn cho phép các vận động viên Nga và Belarus tiếp tục thi đấu quốc tế với tư cách trung lập, trong đó quần vợt là một ví dụ nổi bật.
Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) đã cấm Nga và Belarus tham gia các sự kiện đồng đội, nhưng vẫn cho phép các ngôi sao như Daniil Medvedev thi đấu với tư cách cá nhân, không có biểu tượng quốc gia. Giám đốc Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) Steve Simon gần đây cho biết ông kiên quyết chống lại bất kỳ lệnh cấm nào.
Liên đoàn Bơi lội Quốc tế (FINA) từng tuyên bố sẽ cho phép các vận động viên Nga và Belarus thi đấu với tư cách trung lập, khẳng định “phản đối lệnh cấm toàn diện”, nhưng cuối cùng lại đảo ngược quyết định đó trong tuần này. Liên đoàn Trượt tuyết Quốc tế (FIS) cũng đảo ngược quyết định như vậy.
Đáng chú ý, các ngôi sao Nga vẫn được tự do chơi bóng ở các giải nước ngoài như Giải Khúc côn cầu trên băng Bắc Mỹ (NHL), nơi Alexander Ovechkin tiếp tục khoác áo đội Washington Capitals, hay các giải bóng đá như Serie A ở Italy và Ligue 1 ở Pháp.
Nga đối phó với các sự kiện thể thao bị cấm như thế nào?
Nga đã đối phó với lệnh cấm tham gia Paralympic bằng cách tổ chức sự kiện của riêng mình tại khu nghỉ dưỡng thể thao mùa đông Khanty-Mansiysk ở Siberia. Sự kiện có sự tham gia của các vận động viên từ Belarus, Armenia và Tajikistan.
Bộ Thể thao Nga cho biết các cuộc thi tương tự sẽ được tổ chức trong tương lai, với lời mời được mở rộng cho các vận động viên nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia “thân thiện” trong CIS, BRICS….
Các vận động viên người Belarus đã được phép thi đấu tại Cúp Liên đoàn Biathlon Nga gần đây, một hình mẫu có thể mở rộng sang các môn thể thao khác.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko ước tính rằng Nga sẽ tiết kiệm được hơn 8 tỷ rúp (75 triệu USD) nhờ không đăng cai các sự kiện quốc tế mà nước này đã bị tước bỏ. Số tiền này sẽ được chuyển hướng để phát triển thể thao trong nước.
Một số câu lạc bộ của Nga đã chứng kiến các cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài ra đi, bao gồm cả ở Giải bóng đá ngoại hạng Nga. Điều đó đã gây khó khăn trong ngắn hạn khi các câu lạc bộ như Krasnodar - đội đã mất toàn bộ cầu thủ nước ngoài – phải lấp đầy khoảng trống. Bộ trưởng Thể thao Nga Matytsin cho biết diễn biến mới sẽ cho phép các tài năng trong nước được trao cơ hội nhiều hơn.
Nga đã khiến nhiều người ngạc nhiên hôm 23/3 khi chính thức đưa ra tuyên bố quan tâm đến việc đăng cai Giải vô địch châu Âu UEFA vào năm 2028 hoặc 2032. Điều này cho thấy các quan chức đang hy vọng về một sự thay đổi và mọi sự cô lập sẽ không quá kéo dài.
Ảnh hưởng đến các nước khác?
Bộ trưởng Thể thao Nga Matytsin đã tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ không tự cô lập mình… chúng tôi không thể tưởng tượng thể thao thế giới mà không có Nga”.
Các cuộc thi đấu quốc tế ở nhiều môn thể thao chắc chắn sẽ kém hào hứng bởi sự vắng mặt của các ngôi sao Nga - đặc biệt là môn trượt băng nghệ thuật, với Giải vô địch thế giới sẽ được tổ chức tại Pháp vào tuần này. Các ngôi sao nữ của Nga đã lên bục vinh quang tại sự kiện năm ngoái ở Stockholm, nhưng năm nay họ hoàn toàn vắng mặt.
Các tổ chức thể thao quốc tế cũng sẽ cần điều chỉnh lại tài chính trong trường hợp hủy tài trợ với các công ty Nga, chẳng hạn như thỏa thuận lâu dài của UEFA với Gazprom.
Về thiệt hại tài sản thế chấp, gã khổng lồ bóng đá Anh Chelsea nổi bật trong số những người bị ảnh hưởng, sau khi ông chủ người Nga Roman Abramovich bán câu lạc bộ trong bối cảnh chính phủ Vương quốc Anh trừng phạt.
Các lệnh cấm thể thao sẽ kéo dài bao lâu?
Khi đưa ra khuyến nghị về các lệnh cấm đối với các vận động viên Nga và Belarus, IOC cho biết họ sẽ "theo dõi chặt chẽ tình hình" và "có thể điều chỉnh các khuyến nghị và biện pháp của mình theo những diễn biến trong tương lai."
Hầu hết các liên đoàn vẫn để ngỏ các biện pháp trừng phạt của họ, thông báo rằng chúng sẽ được áp dụng "cho đến khi có thông báo mới."
Điều đó có vẻ như số phận của các vận động viên Nga tham gia giải đấu quốc tế phần lớn gắn liền với một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy vậy, có thể ngay cả một hiệp ước hòa bình Moskva-Kiev cũng không dẫn đến việc dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt thể thao.