Thế giới tuần qua: Tổng thống Trump làm dậy sóng ĐHĐ LHQ, Triều Tiên quyết không lùi

Lời đe dọa “hủy diệt” CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã khiến Triều Tiên hết sức tức giận. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng sẽ cân nhắc "phản ứng cứng rắn cấp độ cao nhất trong lịch sử" nhằm vào Mỹ để đáp trả. Tiếp tục một tuần "căng như dây đàn" ở bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên màn hình TV. Ảnh: AP

Trong lần đầu tiên xuất hiện trước ĐHĐ LHQ ở thành phố New York (Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ: “Hiện giờ Triều Tiên liều lĩnh theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đe dọa toàn bộ thế giới với nguy cơ gây tổn hại nhân loại. Nước Mỹ hùng mạnh và kiên nhẫn nhưng nếu buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ cho đồng minh của mình, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoàn toàn hủy diệt Triều Tiên. 'Người đàn ông tên lửa' đang trong một nhiệm vụ tự sát”’

Đây là lời ám chỉ trực tiếp nhất cho đến nay của Tổng thống Mỹ về hành động quân sự với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9 vừa qua.

Ông Trump nhấn mạnh: “Việc theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liều lĩnh của Triều Tiên đe dọa toàn thế giới, sẽ gây ra mất mát không thể tưởng tượng được với mạng sống con người”. Ông kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc tham gia các lực lượng cô lập Triều Tiên cho đến khi nước này chấm dứt hành vi “thù địch”.

Ít ngày sau, trong một tuyên bố được hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 22/9 khẳng định bình luận của Tổng thống Trump là "lời tuyên chiến tàn bạo nhất trong lịch sử", đồng thời cho rằng chính những lời đe dọa này khiến ông tin rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là "con đường đúng đắn". Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với "hệ quả vượt qua suy nghĩ của ông", dù không nêu cụ thể hành động mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump công bố sắc lệnh hành chính áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. Theo đó, Washington để ngỏ khả năng mở rộng danh sách đen những cá nhân và thực thể có hoạt động kinh doanh với Bình Nhưỡng, bao gồm cả hoạt động vận chuyển đường biển và các mạng lưới thương mại, siết chặt hơn nữa việc giám sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Theo Washington Post, trong động thái có thể làm hài lòng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Mỹ yêu cầu các nước có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên hạ cấp quan hệ như một cách để cô lập chính quyền của ông Kim Jong Un hơn nữa, Tây Ban Nha đã nối gót Mexico, Peru và Kuwait trục xuất Đại sứ Triều Tiên vì hành động thử nghiệm hạt nhân lần 6 của nước này.

Trong khi đó, phản ứng trước những lời tuyên chiến của Mỹ-Triều Tiên, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã nhấn mạnh đến nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình. Tại cuộc họp báo sau khi phát biểu tại ĐHĐ LHQ, Tổng thống Pháp Francois Macron nhấn mạnh trừng phạt là giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Macron khẳng định ông phản đối biện pháp quân sự do cho rằng nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt trên bán đảo Triều Tiên mà “tuyệt đối cần phải tránh”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tán thành quan điểm rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên là "hòa bình và ngoại giao". Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Đức, Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ sử dụng “mọi sức mạnh” để tìm kiếm một giải pháp để không dẫn đến kịch bản xấu hơn.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Moskva ngày 22/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga tin rằng không gì có thể thay thế được giải pháp chính trị và ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên. Theo người phát ngôn Điện Kremlin, tình hình đang trở nên trầm trọng hơn khi các bên đưa ra những tuyên bố đầy tính đe dọa.

Tại khóa họp 72 Đại hội đồng LHQ ngày 21/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định "phản ứng hiếu chiến" của Mỹ trước các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ dẫn đến "thảm họa". Ông Lavrov cũng lưu ý rằng mọi biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ với Triều Tiên đều có điều khoản nhấn mạnh đến sự cần thiết của các bên phải trở lại bàn đàm phán. Do đó, Ngoại trưởng Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lộ trình mà Nga và Trung Quốc đã đề ra để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hối thúc Triều Tiên ngừng đi theo con đường nguy hiểm, đồng thời kêu gọi Mỹ duy trì cam kết không tiến hành các hành động khiêu khích đối với Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 22/9 cho biết nước này có thể phải chuẩn bị về khả năng một tên lửa Triều Tiên gắn bom nhiệt hạch bay qua lãnh thổ Nhật Bản nếu Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa như vậy ở Thái Bình Dương. Theo ông Onodera, điều có thể xảy ra tiếp theo là một vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa được tiến hành ở ngoài khơi. Và nếu điều này xảy ra, ảnh hưởng của nó thậm chí còn lớn hơn.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng Triều Tiên có thể thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương nhằm phản ứng "ở mức cao nhất" đối với Mỹ. Tuyên bố trên được ông Ri Yong-ho đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết đang cân nhắc những hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nước này.

Ngày 3/9 vừa qua, Bình Nhưỡng tiến hành thử vụ hạt nhân lần thứ 6 và được đánh giá đây là lần thử mạnh nhất, tuyên bố thiết bị thử là một quả bom nhiệt hạch có thể vừa khít đầu tên lửa. Lần thử này đã dấy lên làn sóng chỉ trích từ lãnh đạo các nước trên thế giới, dẫn tới những màn khẩu chiến qua lại giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như khiến căng thẳng liên quan đến tham vọng vũ khí hạt nhân Triều Tiên leo thang.

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn, trong khi phía Triều Tiên cũng nhất quyết không nhượng bộ, dư luận quốc tế cho rằng tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục là tâm điểm trong thời gian tới và sẽ còn nóng lên chừng nào các bên chưa thực sự bày tỏ thiện chí tìm một hướng giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và ngoại giao.


Trần Minh/Báo Tin Tức
Động đất mạnh 3,4 độ Richter ở Triều Tiên sau lời đe dọa thử bom H
Động đất mạnh 3,4 độ Richter ở Triều Tiên sau lời đe dọa thử bom H

Ngày 23/9, Tân Hoa Xã đưa tin Cơ quan địa chấn Trung Quốc (CENC) đã phát hiện một trận động đất mạnh 3,4 độ Richter ở Triều Tiên, với độ sâu tâm chấn 0km.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN