G7 thảo luận nhiều chương trình, kế hoạch hành động lớn
Lãnh đạo các nước G7 đã có kỳ họp thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên sau hơn hai năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19 tại khu nghỉ mát Vịnh Carbis, Cornwall, miền Tây Nam nước Anh từ ngày 11-13/6. Nguyên thủ 4 nước khách mời khác cũng được mời tham dự kỳ họp lần này gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Nam Phi.
Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh thế giới có sự biến đổi sâu sắc do đại dịch COVID-19, cạnh tranh, cọ sát giữa các nước lớn diễn ra mạnh mẽ hơn, quan hệ xuyên Đại Tây Dương hứa hẹn được thổi một luồng sinh khí mới với việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang quay trở lại mạnh mẽ với các cấu trúc liên minh. Không có gì ngạc nhiên khi trong ba ngày dự họp tại Anh, lãnh đạo các nước G7 và khách mời tập trung thảo luận chương trình nghị sự về phòng chống đại dịch, kế hoạch tái thiết kinh tế, hạ tầng gắn với vai trò, dẫn dắt điều hành của G7 cũng như tăng cường đoàn kết nội khối.
Nguyên thủ các nước G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng về chia sẻ trách nhiệm với thế giới thông qua chiến lược phân phối vaccine. Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson tuyên bố, G7 cam kết cung cấp cho thế giới khoảng 1 tỉ liều vaccine thông qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương, coi đây là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch trong năm 2022. Trong số này là 500 triệu liều vaccine Pfizer do Mỹ cung cấp qua Sáng kiến Covax do Liên hợp quốc bảo trợ trong hai năm 2021 và 2022. Anh và Canada cam kết ủng hộ ít nhất 100 triệu liều. Nhật Bản, Pháp, Đức trước đó cũng khẳng định mỗi nước sẽ đóng góp 30 triệu liều, riêng Italy cam kết đóng góp 15 triệu liều.
Tại Conrwall, lãnh đạo G7 cũng đã đề cập đến giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế hậu COVID-19, với điểm nhấn là thúc đẩy kế hoạch "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W). Đây là chiến lược riêng của G7 chuyên về phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia nghèo hơn. B3W được cho là nhằm cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc bảo trợ, nhưng với những giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch bạch hơn nhiều. B3W sẽ có phạm vi toàn cầu, từ châu Mỹ Latinh và Caribe đến châu Phi tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Đoàn kết nội khối cùng đối phó với thách thức từ bên ngoài cũng là chủ đề được các nhà lãnh đạo G7 quan tâm. Sự xuất hiện của ông Joe Biden tại Cornwall với thông điệp “nước Mỹ đã quay trở lại” thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Lý do không chỉ vì đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống, mà còn bởi những biến cố, thăng trầm mà các đồng minh của Mỹ phải nếm trải dưới dưới thời chính quyền Donald Trump. Ở góc độ này, ông Biden đã có thành công nhất định: Ông không chỉ chứng minh mình khác người tiền nhiệm, mà còn thổi được “làn gió mới” vào tiềm năng hợp tác của G7, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh toàn cầu, cho tới tạo lập một liên minh “dân chủ” chống lại ảnh hưởng gia tăng của Nga và Trung Quốc ngay tại kỳ hội nghị này.
Vòng xoáy căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung
Quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng, với diễn biến mới nhất liên quan đến đấu khẩu cấp cao giữa hai bên về nguồn gốc COVID-19. Tại cuộc điện đàm cấp cao hiếm hoi với Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 11/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần mở cuộc điều tra giai đoạn 2 tại Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh các nước cần hợp tác và minh bạch trong vấn đề nguồn gốc COVID-19.
Đáp lại, ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc kiên quyết phản đối “những hành động đáng ghê tởm” về lợi dụng đại dịch, câu chuyện về nguồn gốc COVID-19 để vu khống, nói xấu Trung Quốc. Nhà ngoại giao kỳ cựu này kêu gọi Mỹ tôn trọng sự thật và khoa học, tự kiềm chế không chính trị hóa vấn đề... và tập trung vào hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch.
Không chỉ dừng lại ở các tuyên bố, Washington và Bắc Kinh không ngần ngại thực thi bước đi, hành động nhằm vào đối phương, mà mới nhất và nổi bật nhất là cuộc chiến trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Thượng viện Mỹ ngày 8/6 đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ với công nghệ Trung Quốc. Dự luật có điều khoản cấp ngân sách khoảng 190 tỷ USD để tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Mỹ, cùng khoản chi riêng 54 tỷ USD để các doanh nghiệp Mỹ tăng cường nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn và thiết bị viễn thông.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng sự tập trung vào chuỗi cung ứng toàn cầu các nguyên liệu quan trọng và chiến lược ở Trung Quốc có nguy cơ làm gián đoạn lưu thông hàng hóa tới Mỹ. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" bị Washington áp đặt trừng phạt với lý do liên quan đến lĩnh vực công nghệ do thám hoặc quốc phòng. Theo sắc lệnh này, các nhà đầu tư Mỹ bị cấm đầu tư vào những công ty Trung Quốc có tên trong danh sách.
Về phần mình, Trung Quốc ngày 10/6 cho biết vừa thông qua luật chống các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Luật mới quy định các cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng cũng như thực thi các biện pháp phân biệt đối xử, đối với công dân và các tổ chức của Trung Quốc, sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt. Đây được coi là đòn đáp trả quyết định trước đó của Washington về mở rộng "danh sách đen" các công ty Trung Quốc mà người Mỹ không được phép đầu tư.
Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự luật mới được Thượng viện Mỹ thông qua nhằm chống lại các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc. Ủy ban đối ngoại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc ngày 9/6 ra thông cáo khẳng định dự luật nói trên của Mỹ thể hiện tâm lý thời Chiến tranh Lạnh, bôi nhọ chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh, yêu cầu Washington chấm dứt những hành động như vậy.