Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc

Trung Quốc đã thể hiện rõ sự bất bình với vai trò của đồng đô la Mỹ trong nền kinh tế quốc tế và đề ra mục tiêu quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ như một loại tiền tệ quốc tế thay thế.

Chú thích ảnh
Ngày càng nhiều nước muốn sử dụng NDT trong giao dịch song phương. Ảnh: eastasiaforum.org

Theo nhận định của Stewart Paterson, nghiên cứu viên tại Quỹ Hinrich và Trưởng phòng Rủi ro Kinh tế tại Viện Evenstar trên trang web của Diễn đàn Đông á (eastasiaforum.org) mới đây, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của 120 quốc gia, nên việc đồng Nhân dân tệ (NDT) của nước này đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế quốc tế là điều không thể tránh khỏi.

Đến nay, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống tài chính cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Ví dụ, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống thanh toán xuyên biên giới thay thế (CIPS) để cạnh tranh với Fedwire của Mỹ và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House. Alipay và Tencent pay của Trung Quốc hiện cũng đã được áp dụng rộng rãi ở nước ngoài. Và kể từ năm 2020, Trung Quốc đã thử nghiệm mạng Thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số, hệ thống này có khả năng đẩy nhanh việc sử dụng NDT trên phạm vi quốc tế.

Trung Quốc cũng đã thể hiện rõ sự bất bình với vai trò của đồng đô la Mỹ (USD) trong nền kinh tế quốc tế và có ý định quốc tế hóa đồng NDT như một loại tiền tệ quốc tế thay thế. Một tác dụng khác của việc chuyển sang nền kinh tế quốc tế tập trung vào NDT nhiều hơn sẽ khiến sức mạnh kinh tế của Mỹ suy giảm. Trong khi đó, nếu Mỹ tiếp tục "vũ khí hóa" đồng USD, thì điều này chắc chắn sẽ đẩy nhanh sự suy yếu của đồng đô la Mỹ.

Ví dụ, tờ Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc) cho biết, Argentina đã chọn đồng NDT để giải quyết một phần khoản nợ của mình với IMF lần đầu tiên vào ngày 2/7, gia nhập vào nhóm nước đang mở rộng thị phần của đồng NDT trong nền kinh tế trong khi giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Ngân hàng Trung ương Argentina trước đó đã tuyên bố sẽ cho phép các tổ chức tài chính sử dụng đồng NDT làm tiền tệ cho tiền gửi của các cá nhân và pháp nhân. Các tổ chức tài chính sẽ có thể mở cả tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm bằng đồng tiền Trung Quốc.

Động thái trên được đưa ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa tới Trung Quốc cùng với các đại diện chính phủ khác vào đầu tháng 6, trong đó một kế hoạch hợp tác nhằm thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do Trung Quốc đề xuất đã được ký kết. Hợp tác trong các vấn đề tiền tệ và tài chính là một yếu tố trung tâm của kế hoạch. 

Một số chuyên gia cho rằng, động thái này sẽ có tác động mạnh mẽ đối với các nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn do việc tăng lãi suất và lạm phát của Mỹ. Với việc ngày càng có nhiều quốc gia chuyển hướng sang đồng NDT và đa dạng hóa khỏi "đồng bạc xanh" để tránh rủi ro, quá trình quốc tế hóa đồng tiền của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng tốc và việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế cũng sẽ mở rộng.

"Argentina đã chọn tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ và ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ ở nước này, điều đó sẽ có tác động đối với các nền kinh tế mới nổi khác đang đối mặt với các vấn đề tương tự", Liu Ying, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói.

Chú thích ảnh
Argentina đã chọn đồng NDT để giải quyết một phần khoản nợ của mình với IMF. Ảnh: IC

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang phải vật lộn với hàng loạt vấn đề bao gồm mất giá đồng tiền, dòng vốn chảy ra ngoài và khủng hoảng nợ, chủ yếu do lãi suất của Mỹ tăng cao. "Quyết định mở rộng sử dụng đồng NDT của Argentina là một bước tiến tới phi USD hóa", chuyên gia Liu lưu ý.

Với tốc độ phi USD hóa ngày càng tăng khi nhiều quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho "đồng bạc xanh" để giảm phụ thuộc vào Mỹ, quá trình quốc tế hóa đồng NDT đang đạt được đà kể từ đầu năm. Tháng trước, Pakistan lần đầu tiên thanh toán bằng đồng NDT cho hợp đồng nhập khẩu dầu với Nga. Tại Nga, đồng NDT cũng ngày càng trở nên phổ biến. Hơn 70% thanh toán thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng rúp của Nga và đồng NDT, và nhiều quốc gia đang kêu gọi giao dịch bằng đồng tiền của họ.

Những diễn biến này dường như ủng hộ quan điểm cho rằng đồng USD đang giảm giá và NDT sẽ thay thế nó trong nền kinh tế quốc tế. Nhiều đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, chẳng hạn như Saudi Arabia cũng đang xem xét việc định giá một số lượng dầu bán ra bằng NDT.

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có truyền thống bán dầu bằng USD. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể làm giảm hơn nữa sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế, đặc biệt là trên thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, với việc phương Tây tăng cường trừng phạt Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine, ngày càng nhiều quốc gia ở "Nam bán cầu" đã bày tỏ mong muốn giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD. 

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Paterson lưu ý, quá trình quốc tế hóa NDT của Trung Quốc vẫn còn một số hạn chế. Theo dữ liệu của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), các giao dịch bằng NDT chiếm chưa đến 1,5% vào tháng 12/2022 - nhiều hơn một chút so với các giao dịch bằng đô la Australia và thấp hơn các giao dịch bằng đồng franc Thụy Sĩ. Điều này đặt NDT ở vị trí thứ 7 trong số các loại tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán toàn cầu. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ chiếm gần 48% trong tổng số giao dịch toàn cầu.

Nhưng nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Paterson cho rằng, mục đích phụ của việc quốc tế hóa NDT chính là để giúp Trung Quốc "miễn dịch" khỏi các biện pháp trừng phạt tiềm năng của phương Tây, đồng thời cung cấp cho các nước bị trừng phạt một lựa chọn khác trong thương mại song phương. Việc xuất khẩu dầu của Nga trở lại mức trước xung đột với Ukraine chứng tỏ rằng các biện pháp trừng phạt, mặc dù được hỗ trợ bởi các quốc gia chiếm hơn một nửa GDP của thế giới, nhưng đã mất đi một số hiệu quả ngay cả khi đồng đô la Mỹ vẫn giữ vai trò bá chủ.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến không gian công nghệ của châu Phi
Ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến không gian công nghệ của châu Phi

Vốn thường để mắt đến các dự án đường bộ, đường sắt, khai khoáng và dầu mỏ ở châu Phi, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc tìm đến đầu tư vào công nghệ và fintech (công nghệ tài chính) tại “lục địa mới trỗi dậy".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN