Quân đội Ai Cập, dưới sự lãnh đạo của một chỉ huy giàu kinh nghiệm, đã trở lại vũ đài chính trị với một tầm nhìn mới và một cách tiếp cận mới. Họ đã xây dựng được một liên minh đứng đằng sau việc lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Morsi và nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận dân chúng.Tuy nhiên, sau khi khiến ít nhất 51 người ủng hộ ông Morsi thiệt mạng trong một vụ bạo lực xảy ra ngày 8/7, quân đội hiện phải đối mặt với câu hỏi: làm cách nào để có thể ngăn chặn phong trào của Tổ chức Anh em Hồi giáo đòi phục chức cho ông Morsi mà không phải hành động mạnh tay - động thái có thể làm tổn hại hình ảnh của quân đội và làm xói mòn sự ủng hộ của dân chúng dành cho họ.
Lực lượng an ninh Ai Cập gác bên ngoài trụ sở một phái chính trị tại thủ đô Cairo ngày 5/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khi hàng triệu người Ai Cập đổ xuống đường phố kêu gọi lật đổ ông Morsi hồi cuối tháng trước, quân đội đã tăng cường chiến dịch thu hút lòng dân, thúc đẩy sự bất mãn của dân chúng đối với vị tổng thống Hồi giáo. Khẩu hiệu "quân đội và nhân dân là một" vang lên khắp Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo. Điều này hoàn toàn khác xa với khi chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ năm 2011. Khi đó, các nhóm ủng hộ dân chủ cáo buộc quân đội quản lý yếu kém quá trình chuyển giao dân chủ và vi phạm nhân quyền, tra tấn những người bị bắt giữ và đưa hơn 10.000 dân thường ra trước các tòa án quân sự.
Sự khác biệt này là bởi quân đội Ai Cập hiện nay là một quân đội khác và giới lãnh đạo cũng khác trước đây. Người đứng đầu quân đội và sau đó trở thành người lãnh đạo Ai Cập năm 2011 là ông Hussein Tantawi - một thống chế ngoài 70 tuổi, từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Mubarak trong suốt hai thập kỷ. Ông Tantawi dường như không quan tâm tới những động lực mới trên đường phố và ít có sự nhạy bén về chính trị - điều cần thiết để điều hành đất nước đang bị lung lay sau 29 năm nằm dưới sự cai trị độc tài.
Ông Abdel Fattah al-Sisi - 58 tuổi, từng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội - được cựu Tổng thống Morsi bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh các lực lượng vũ trang hồi tháng 8/2012 để thay thế vị trí của ông Tantawi. Nhiều người cho rằng ông Sisi sẽ trung thành với cựu Tổng thống Morsi, nhưng quan điểm này đã sớm được chứng minh là không đúng khi ông Sisi có hàng loạt động thái cả tế nhị lẫn công khai thể hiện rằng quân đội không hài lòng với cách điều hành đất nước của ông Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Ông Sisi khác biệt so với những người đứng đầu quân đội tiền nhiệm ở chỗ ông là người hoạt động tích cực và gần gũi với mọi người. Bên cạnh các hoạt động của quân đội, ông cũng xuất hiện trước công chúng trong những hoạt động khác như một bữa tiệc vì trẻ mồ côi, gặp gỡ những biểu tượng của giới nghệ thuật và văn học trong nước.
Tuy nhiên, trên tất cả, ông Sisi luôn nắm bắt mọi cơ hội để khẳng định rằng quân đội chỉ trung thành với nhân dân chứ không phải với ai khác, kể cả ông Morsi hay Tổ chức Anh em Hồi giáo. Những kỹ năng xã hội của ông Sisi cùng bộ máy "quảng cáo" hình ảnh hoạt động trơn tru của ông sẽ cần phải phải được nâng cao hơn nữa nếu ông muốn duy trì sự ủng hộ của dân chúng đối với quân đội và hạ thấp uy tín của Anh em Hồi giáo.
Vụ tấn công nhằm vào những người biểu tình ủng hộ ông Morsi ngày 8/7 vừa qua đã làm dấy lên nhiều câu hỏi rằng liệu có phải quân đội đã sử dụng vũ lực quá mức hay không? Đại tá Ahmed Mohamed Ali - phát ngôn viên của người đứng đầu quân đội - đã bác bỏ những cáo buộc này, ông nói: "Thế nào là vũ lực quá mức? Chúng tôi chỉ đối phó với những kẻ đã bắn chúng tôi bằng đạn thật". Ông Ali bày tỏ sự hối tiếc song không chấp nhận những lời khiến trách cho rằng quân đội phải chịu trách nhiệm về những người bị thiệt mạng.
Quân đội cũng ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của Anh em Hồi giáo rằng các nạn nhân bị sát hại khi đang cầu nguyện và trong số những người bị thiệt mạng có cả phụ nữ và trẻ em. Ngày 8/7, giữa quân đội và Anh em Hồi giáo đã xảy ra một "cuộc chiến băng hình" khi mỗi bên đều đưa ra những hình ảnh cho thấy bên kia đã châm ngòi bạo lực.
Trong bối cảnh làn sóng biểu tình dẫn tới đổ máu ngày càng diễn biến phức tạp sau khi ông Morsi bị phế truất, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã công bố một thời gian biểu để sớm tổ chức các cuộc bầu cử nhằm giúp quốc gia lớn nhất trong thế giới Arập này nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Một sắc lệnh do ông Mansour ban hành đã chỉ rõ rằng Ai Cập sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội sau khi các điều khoản sửa đổi của hiến pháp đang bị đình chỉ thi hành hiện nay được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý, tiến trình này có thể mất khoảng 6 tháng - khoảng thời gian ngắn hơn so với dự đoán của nhiều người. Sau khi kết thúc các cuộc bầu cử quốc hội, bầu cử tổng thống sẽ được tiến hành.
Trong một động thái giống như một đề xuất hòa bình đối với những người Hồi giáo, sắc lệnh nói trên của ông Mansour đã sử dụng những ngôn ngữ có thể gây ra tranh luận khi đề cập tới bản hiến pháp Ai Cập do những người Hồi giáo soạn thảo được thông qua hồi năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu điều này có đủ để thu hút đảng Hồi giáo bảo thủ cực đoan al-Nour - lực lượng đã ủng hộ các kế hoạch chuyển giao chính trị do quân đội đứng đầu, song đã tuyên bố rút khỏi các kế hoạch này sau khi xảy ra các vụ tấn công ngày 8/7.
Sắc lệnh nói trên của ông Mansour đã vấp phải nhiều chỉ trích vì lặp lại nhiều sai lầm trong kế hoạch chuyển giao dân chủ năm 2011, vốn góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Nathan Brown, một chuyên gia hàng đầu về hiến pháp Ai Cập tại Đại học George Washington ở Washington, cho rằng mặc dù sắc lệnh ban hành ngày 8/7 của ông Mansour vạch ra các bước đi rõ ràng cho quá trình chuyển tiếp nhưng lại lặp lại nhiều sai lầm như trước đây. Ông nói: "Sắc lệnh này được một ủy ban giấu tên vạch ra, thời gian biểu lại rất gấp, các phần tham vấn còn mơ hồ, có cam kết về tính toàn thể song lại không đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng nào về đạt được điều đó".
TTXVN/Tin tức