Tại sao Ngân hàng Thế giới không phân loại Ukraine là quốc gia ‘đang xung đột’?

Mặc dù Ukraine đáp ứng đủ tiêu chí về mặt kỹ thuật là quốc gia đang xung đột theo quy định của Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng WB vẫn không đưa Kiev vào danh sách này vì một số lý do.

Chú thích ảnh
Những phương tiện bị hư hại trên đường phố trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: AFP

Theo nhận định của Tiến sĩ Elliot Dolan-Evans, nhà phân tích và Giảng viên tại Đại học Monash, Australia mới đây, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã dẫn đến các vấn đề nhân đạo và tổn thất kinh tế lớn cho cả hai bên.

Nền kinh tế Ukraine được dự báo sẽ giảm khoảng 45% GDP trong năm nay, với thiệt hại vật chất trị giá 60 tỷ USD về cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh các nghĩa vụ nợ và trả nợ ngày càng gia tăng. Các nhà kinh tế Ukraine ước tính chi phí của cuộc xung đột lên tới 600 tỷ USD. Bất chấp những số liệu này, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn không xếp Ukraine là “quốc gia xung đột” theo “Danh sách các tình huống bị ảnh hưởng bởi xung đột” (FCS).

Vào đầu tháng 3/2022, WB đã phê duyệt khoản vay bổ sung trị giá 489 triệu USD cho Ukraine và thiết lập một quỹ tín thác nhằm điều phối các nguồn lực song phương, từ đó đã huy động được hàng triệu USD từ các quốc gia như Na Uy, Nhật Bản, Mỹ và Áo. Một tuần sau, WB thông báo tài trợ thêm 200 triệu USD cho Ukraine, đồng thời công khai cam kết sẽ hỗ trợ gói 3 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine trong những tháng tiếp theo.

Theo Tiến sĩ Elliot Dolan-Evans, thuật ngữ kỹ thuật do WB xác định là “quốc gia xung đột” có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng nó hầu như không được đề cập trong các cam kết trên. Hiện Ukraine được WB xếp là quốc gia có thu nhập trung bình và do đó họ chỉ có thể vay từ chi nhánh cho vay “thu nhập trung bình” của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD), chứ không phải là hoạt động cho vay ưu đãi “thu nhập thấp” từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB.

Nếu Ukraine có tên trong danh sách FCS, nước này có thể tiếp cận nguồn tài chính linh hoạt hơn với các kỳ hạn thuận lợi từ IBRD, vì Ukraine sẽ chuyển từ quốc gia 'Nhóm B' sang 'Nhóm A' trong điều kiện cho vay IBRD, hoặc được phân loại lại thành quốc gia IDA và được cho vay ưu đãi cũng như đủ điều kiện để được miễn trừ nợ.

Việc không phân loại Ukraine là “quốc gia có xung đột” dường như đã bỏ qua mọi quan điểm thông thường về thiệt hại đối với Ukraine trong 8 năm qua. Điều này tạo ra những trở ngại trong việc tiếp cận các khoản cho vay ưu đãi và xóa nợ, vốn sẽ cung cấp các giải pháp hiệu quả hơn cho thảm họa kinh tế và nhân đạo của Ukraine. Thay vào đó, hầu hết các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục cho Ukraine vay các quỹ có lãi suất ít nhất ở mức thị trường cùng các điều kiện kèm theo, điều này có thể khiến Kiev gánh thêm khoản nợ không bền vững. Nhưng tại sao WB đến nay vẫn không phân loại Ukraine là “có xung đột”? 

Kể từ khi giao tranh ở khu vực Donbas nổ ra năm 2014, WB đã sử dụng hai phương pháp để phân loại các quốc gia là “xung đột”. Đầu tiên, cho đến năm 2020, WB đã sử dụng điểm số Đánh giá Thể chế và Chính sách Quốc gia (CPIA) và sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để phân loại các quốc gia là “đang xung đột”. Thứ hai, sau năm 2020, WB hiện phân loại các quốc gia là “xung đột” khi số người thiệt mạng do xung đột đến ngưỡng nhất định dựa trên dữ liệu từ cả hai Chương trình Dữ liệu Xung đột Uppsala (UCDP) và Dự án Dữ liệu Sự kiện & Vị trí Xung đột Vũ trang (ACLED).

Đầu tiên, liên quan đến điểm số đánh giá trước năm 2020 để coi các nước là “xung đột”. Để có tên trong danh sách FCS của WB, một quốc gia được đánh giá phải có xếp hạng CPIA từ 3,2 trở xuống (1: thấp, 6: cao). Xếp hạng CPIA không dành riêng cho các tình huống bị ảnh hưởng bởi xung đột, và đúng hơn, là một chỉ số được thiết lập vào những năm 1970 để đánh giá “chất lượng” của các chính sách và thể chế của các nước đang phát triển.

Một chỉ số quan trọng khác để lọt vào danh sách FCS của WB trước năm 2020 là sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Bất kỳ người quan sát nào về cuộc xung đột ở Donbas đều nhận thấy đây là một vấn đề chính trị rất hóc búa. Cả Nga và Ukraine đều đề xuất các giải pháp gìn giữ hòa bình khác nhau, nhưng đều bị phía bên kia từ chối - vì cả hai đều có xu hướng đề xuất gìn giữ hòa bình có lợi cho các mục tiêu quân sự của họ.

Để lọt vào danh sách FCS theo tiêu chí sau năm 2022, một quốc gia có "xung đột cường độ cao" hoặc "xung đột cường độ trung bình", được WB phân loại như sau: Thứ nhất, cường độ cao: Các quốc gia có (a) số người thiệt mạng trong xung đột trên 250 theo ACLED và 150 theo UCDP; và (b) số trường hợp tử vong do xung đột trên 10 người/100.000 dân theo cả ACLED và UCDP. Thứ hai, cường độ trung bình: Các quốc gia có (a) số người thiệt mạng như xung đột cường độ cao; và (b) từ 2 đến 10 người/100.000 dân theo ACLED và từ 1 – 10/100.000 dân theo UCDP.

Theo cơ sở dữ liệu của ACLED, Ukraine có 1.530 người thiệt mạng đối trong cuộc xung đột ở Donbas (tính đến tháng 2/2022), với tỷ lệ khoảng 3/100.000 dân (xung đột cường độ trung bình), trong khi UCDP ghi nhận 7.101 người chết với tỷ lệ khoảng 16/100.000 dân (cường độ cao). Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với con số thống kê của Liên hợp quốc với hơn 14.000 người thiệt mạng (ước tính tổng thể). Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2 tính đến đầu tháng 5, ACLED ghi nhận 6.194 trường hợp tử vong, tương đương với tỷ lệ 14/100.000 dân (cường độ cao), trong khi UCDP đã ngừng cập nhật dữ liệu.

Tiến sĩ Elliot Dolan-Evans kết luận, dường như Ukraine đã đáp ứng các tiêu chí để được đưa vào danh sách FCS của Ngân hàng Thế giới về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, việc phân loại Ukraine là một quốc gia IDA (quốc gia thu nhập thấp) có thể dẫn đến sự suy giảm uy tín đối với các nhà đầu tư và chủ nợ quốc tế, gây ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, mối lo ngại chính của việc phân loại lại Ukraine thành một quốc gia “đang xung đột” là nó sẽ gây ra nhiều vấn đề đối với các tổ chức tài chính và chủ nợ quốc tế, vì Ukraine là một trong những nước vay tiền lớn nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như WB, trong khi nước này có các nghĩa vụ nợ khổng lồ từ các quốc gia và các chủ nợ bên ngoài trên toàn thế giới. Việc phân loại lại cho Ukraine có thể đồng nghĩa với việc các chủ nợ, IMF và WB phải từ bỏ lãi suất trong các khoản vay cho nước này, khi nhu cầu xóa nợ sẽ tăng cao nếu Ukraine là một quốc gia thuộc FCS.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo E-ir.info)
Ukraine cấm tác phẩm kinh điển ‘Chiến tranh và Hòa bình’ của đại văn hào Nga Lev Tolstoy
Ukraine cấm tác phẩm kinh điển ‘Chiến tranh và Hòa bình’ của đại văn hào Nga Lev Tolstoy

Ngày 8/6, truyền thông Nga đưa tin chính quyền Ukraine quyết định cấm lưu hành tác phẩm kinh điển “Chiến tranh và Hòa bình” của đại văn hào Lev Tolstoy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN