Tại sao Đông Nam Á không nên mừng khi IS thảm bại ở Iraq?

Sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thất thủ tại thành phố Mosul, Iraq và bị dồn ép tại Syria, một câu hỏi được đặt ra là tàn quân IS sẽ đi đâu. Câu trả lời đã phần nào hé lộ.

Các nước cảnh giác cao độ


Ngay sau khi lực lượng chính phủ Iraq tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến chống IS ở Mosul, Malaysia đã ở trong tình trạng cảnh giác cao độ trước các tay súng chạy trốn khỏi Iraq.

Binh sĩ Philippines trong chiến dịch chống phiến quân ở Marawi ngày 6/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 10/7, thông tin tình báo cho rằng các tay súng IS chạy khỏi Trung Đông đang tính chuyển căn cứ về Đông Nam Á.


Phát biểu tại cuộc họp ở thủ đô Kuala Lumpur, ông Hishammuddin tuyên bố IS là kẻ thù số một của chính phủ Malaysia. Ông cho biết cuộc tấn công IS thành công ở Mosul hay Raqqa và Aleppo ở Syria đã khiến nhiều tên khủng bố tháo chạy khỏi Trung Đông. Do thế, Malaysia phải cảnh giác ở mức cao nhất.


Ông Hishammuddin nói: “Những gì xảy ra ở Trung Đông có ảnh hưởng tực tiếp ở đây. Họ tuyên bố không còn phần tử IS ở Mosul nữa. Câu hỏi là chúng đã đi đâu. Điều này chúng ta cần phải giám sát”.


Do vấn đề cấp bách, ông Hishammuddin sẽ tới thăm Saudi Arabia, Các tiểu vương quố Arab thống nhất và Bahrain để tìm kiếm thông tin tình báo mới nhất về các tay súng IS và tung tích của chúng.


Việc IS muốn tới Đông Nam Á không phải là điều mới. Trước đây, chúng đã từng tuyên bố muốn thiết lập ở những nơi như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Ông Hishammuddin cảnh báo: “Khu vực này sẽ là nơi tập trung của chúng. Mọi nước trong ASEAN sẽ phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc.


Malaysia đã tăng cường an ninh biên giới tại mọi cửa khẩu, đặc biệt là dọc bờ biển phía đông Sabah. Các lực lượng quân sự đã được phái thêm tới các khu vực quanh những điểm nóng ở biển Sulu.


Tới nay có 8 người Malaysia đã trở về từ Syria và Iraq từ năm 2014. Những người này đều bị bắt và cho đi cải tạo.


Trong khi đó, tại Indonesia, chính phủ nước này đã thông báo một sắc lệnh giúp tổng thống có thể dễ dàng giải tán các tổ chức bị cho là nguy hại với đoàn kết dân tộc. Sắc lệnh được ban bố trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đang vất vả kiềm chế các tổ chức Hồi giáo từ cuối năm 2016 và IS đang tìm cách thiết lập chân rết tại Đông Nam Á, trong đó có Indonesia – quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới.


Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, để đối phó với nạn khủng bố, Indonesia đã thành lập Cơ quan chống khủng bố và đội đặc nhiệm chống khủng bố Densus 88. Các cơ quan này hiện được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả trong quá trình truy quét các phần tử khủng bố. Về lâu dài, Indonesia mong muốn thông qua giáo dục, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt những người trẻ tuổi không tham gia vào các tổ chức cực đoan, phi pháp.


Đông Nam Á – “Nhà mới” của IS


Theo tờ Jerusalem Post, chắc chắn IS sẽ bị đánh bật khỏi Trung Đông. Do đó, IS đang tăng cường đặt chân rết thông qua các nhóm khủng bố liên kết ở Đông Nam Á – nơi có thể được coi là “nhà mới”.


Những gì đang xảy ra trong khu vực, đặc biệt là ở Philippines, sẽ có ảnh hưởng tới toàn thế giới.

Các tay súng IS có thể sẽ từ Trung Đông đổ bộ vào Đông Nam Á. Ảnh: Reuters

IS đã chiếm giữ thành phố Marawi ở Philippines và đang chống lực lượng chính phủ nước này hơn một tháng qua. Tới nay, hơn 500 tay súng đã tham gia vào cuộc chiến này, phần lớn là các tay súng địa phương thuộc các tổ chức khủng bố như Maute và Abu Sayyaf.


Hòn đảo Mindanao ở phía nam là nơi trú ẩn an toàn cho các hoạt động cực đoan vì thiếu hiện diện của chính quyền, đặc biệt là ở đảo Basilan cực nam – từ lâu đã là thành trì của các nhóm cực đoan.


Theo tờ USA Today, IS rõ ràng với ý định biến Đông Nam Á thành một trong những khu vực hoạt động mới. Tháng 6/2016, IS đã tung một video kêu gọi các tay súng tiềm năng hướng tới Mindanao, Philippines trong trường hợp không tới được Syria và Iraq. Hiện có khoảng 1.200 tên IS đang ở Philippines.


Isnilon Hapilon, thủ lĩnh Abu Sayyaf đã được thủ lĩnh IS công nhận là “quốc vương Philippines”. Các nơi trú ẩn của Abu Sayyaf có thể là nơi an toàn cho bất kỳ tay thủ lĩnh IS nào còn sống sau khi Mosul thất thủ và Raqqa sắp chịu chung số phận.


Những người chung tư tưởng khủng bố ở các nước Malaysia và Indonesia cũng có thể hỗ trợ IS trong quá trình chúng âm mưu hình thành một vương quốc mới để trỗi dậy.


Cuộc chiến ở Marawi hiện nay kéo dài hơn dự kiến. Phiến quân liên hệ với IS đã kiểm soát nhiều khu vực thành phố, bắt giữ 2.000 con tin.


Một khi khủng bố nắm chắc được Marawi sau khi thất bại ở Mosul và Raqqa, Đông Nam Á có thể bị kéo vào một cuộc thánh chiến mới khi mà có tới hơn 60 nhóm khủng bố đã thề trung thành với IS.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
ASEAN và cuộc chiến chống IS ở Đông Nam Á
ASEAN và cuộc chiến chống IS ở Đông Nam Á

Cuộc giao tranh kéo dài một tháng qua ở thành phố Marawi của Philippines và các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Đông Nam Á cho thấy "bóng đen" của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang lan rộng trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN