Châu Âu có lực lượng đặc biệt hiện diện trên thực địa ở Ukraine. Ba Lan và Slovenia đang gửi xe tăng cho Kiev và Hungary có thể cho phép vận chuyển vũ khí qua không phận của mình. Đó chỉ là một vài chi tiết gây chú ý về sự can dự của châu Âu liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine được tiết lộ trong hồ sơ dài hơn 50 trang mà tờ Politico phát hiện từ vụ rò rỉ tài liệu tình báo quân sự chưa được xác minh của Mỹ.
Vụ rò rỉ đã tạo ra phản ứng hỗn loạn khiến Mỹ phải trấn an các đồng minh. Tài liệu nêu chi tiết những nghi ngờ của Mỹ về cuộc phản công trong mùa xuân của Ukraine, đồng thời cho thấy Washington đang theo dõi Hàn Quốc và có thông tin tình báo cáo buộc Ai Cập có kế hoạch chuyên giao vũ khí cho Nga.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có các nội dung liên quan đến châu Âu trong các tài liệu mật bị rò rỉ. Các tài liệu bị rò rỉ chứa thông tin chi tiết về nhiều thứ, từ một đơn vị đặc biệt do Anh chiếm đa số ở Ukraine đến cách thức và thời điểm Pháp cùng Tây Ban Nha chuyển hệ thống tên lửa quan trọng cho Ukraine. Tài liệu cũng chứa cáo buộc rằng Thổ Nhĩ Kỳ giúp Nga và Belarus lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Politico chưa thể xác minh độc lập của tài liệu và đã có dấu hiệu cho thấy một số trang bị rò rỉ đã được điều chỉnh. Nhưng Mỹ đã thừa nhận có sự lộ lọt thông tin tình báo và đã bắt giữ một nghi phạm vào ngày 13/4 vừa qua.
Liên quan đến sự can dự của châu Âu trong cuộc xung đột ở Ukraine, tài liệu bị rò rỉ cho biết có một đơn vị đặc biệt của châu Âu đang hoạt động ở Ukraine - ít nhất là vào ngày 23/3. Anh chiếm đa số với 50 binh sĩ trong đơn vị “Mỹ/NATO” gồm 97 nhân viên. Nhóm này cũng bao gồm 17 người đến từ Latvia, 15 người đến từ Pháp, 14 người nhân viên Mỹ và một người đến từ Hà Lan.
Thông tin rò rỉ không nêu rõ các hoạt động mà lực lượng này đang tiến hành cũng như vị trí của họ ở Ukraine. Các tài liệu cũng tiết lộ Mỹ có tổng cộng khoảng 100 nhân viên ở quốc gia Đông Âu này.
Đến nay, các nước trên hầu như vẫn im lặng về chủ đề này. Anh đã từ chối bình luận, trong khi Nhà Trắng thừa nhận có “sự hiện diện quân sự nhỏ của Mỹ” tại Đại sứ quán nước này ở Ukraine, nhấn mạnh rằng các binh sĩ của họ “không tham chiến trên chiến trường”. Pháp trước đó đã phủ nhận rằng các lực lượng của họ đã “tham gia vào các hoạt động ở Ukraine.”
Về viện trợ vũ khí, một trang tài liệu đã đưa ra đánh giá tổng quan về 200 xe tăng mà các đồng minh của Mỹ đã cam kết gửi cho Ukraine - thiếu 53 xe tăng so với những gì tài liệu nói rằng Ukraine cần cho cuộc phản công mùa xuân.
Ba Lan và Slovenia dường như là những nước đóng góp nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số xe tăng cho Kiev (theo một đánh giá ngày 23/2). Pháp và Anh cũng là những bên đóng góp quan trọng, mỗi nước viện trợ 14 xe tăng.
Về Leopard 2, xe tăng chiến đấu hiện đại của Đức mà Ukraine đã dành nhiều tháng để thuyết phục các nước phương Tây viện trợ, hiện có Đức, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Phần Lan cam kết chuyển giao cho Ukraine.
Nhưng tài liệu cho thấy tính đến ngày 23/2, chỉ có 31% trong số 200 xe tăng được cam kết đã được triển khai trên chiến trường. Tuy nhiên, có lưu ý rằng 120 xe tăng còn lại đang trong quá trình chuyển giao.
Một trang tài liệu bị rò rỉ khác nêu rõ Pháp đã thông báo với Italy vào ngày 22/2 rằng một hệ thống tên lửa chung sẽ không được chuyển đến Ukraine trước tháng 6 năm nay. Đó là "dấu chấm hết" cho mốc thời gian mà Bộ Quốc phòng Italy đưa ra vào tháng 2, khi các quan chức ở Rome cho biết hệ thống phòng không sẽ được chuyển giao cho Ukraine “vào mùa xuân năm 2023”.
Với Hungary, các tài liệu của Mỹ bị rò rỉ cũng cho thấy nước này, vốn có chung đường biên giới nhỏ với Ukraine - có thể đang bí mật cho phép các đồng minh sử dụng không phận của mình để chuyển vũ khí cho Kiev, bất chấp các cam kết cấm vận chuyển như vậy.
Một trong những tài liệu bị rò rỉ nêu chi tiết kế hoạch cho các phi công Ukraine bay trực thăng từ Croatia đến Ukraine “qua không phận Hungary”. Nếu đúng, thông tin này không chỉ cho thấy Hungary đang cho phép vận chuyển vũ khí qua không phận của mình, mà còn mâu thuẫn với các thông tin báo chí cho biết chúng được chuyển bằng đường bộ thông qua Ba Lan.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã thể hiện là nhà hòa giải giữa Ukraine và Nga, giúp đàm phán một thỏa thuận để duy trì các chuyến hàng ngũ cốc đi qua Biển Đen và duy trì quan hệ ngoại giao với Nga đồng thời cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine.
Tuy nhiên, tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ đã mô tả cách Ankara giúp cả Nga và Belarus lách các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây - một mối lo ngại mà các quan chức Mỹ đã bày tỏ công khai.
Đối với Belarus, tài liệu cho biết: "Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hàng hóa bị trừng phạt” và sau đó “bán chúng ở các thị trường châu Âu”, cũng như việc các công ty này “bán lại hàng hóa từ châu Âu sang Nga”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hiện không trả lời yêu cầu bình luận.