Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mỹ - Saudi Arabia ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyến thăm mang theo nhiều thông điệp, không chỉ nhằm tìm kiếm các thỏa thuận kinh tế quy mô lớn, mà còn tái khẳng định cam kết của Washington với các đồng minh then chốt, cũng như với an ninh và địa chính trị tại khu vực “điểm nóng” này.
Tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Qatar lần này, Tổng thống Trump mang theo thông điệp chính sách đối ngoại mạnh mẽ liên quan đến chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Những tín hiệu này phản ánh đậm nét của cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên", tối ưu hóa lợi ích cho nước Mỹ trên các lĩnh vực thương mại, ngoại giao kinh tế, quan hệ an ninh - quốc phòng và ảnh hưởng địa chiến lược.
Ông Steven Cook, chuyên gia nổi tiếng về Trung Đông của Hội đồng Quan hệ đối ngoại có trụ sở tại Washington, đánh giá chuyến đi cho thấy sự nhất quán trong quan điểm chính sách của Tổng thống Trump so với nhiệm kỳ đầu. Nhà lãnh đạo Mỹ đã không tới Canada, điểm đến nước ngoài đầu tiên theo truyền thống của các chủ nhân Nhà Trắng, hay các nước đồng minh lâu đời của Washington ở châu Âu. Quyết định này gửi đi thông điệp ông Trump coi Vùng Vịnh có vị trí quan trọng trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại, nhất là xét trên các khía cạnh lợi ích kinh tế.
Trên thực tế, Saudi Arabia, UAE và Qatar đều là những khách hàng mua vũ khí hàng đầu, trong khi các quỹ đầu tư quốc gia của Vùng Vịnh chính là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ. Ngoài hợp đồng mua 30 máy bay thương mại Boeing 737, Saudi Arabia còn chi hơn 140 tỷ USD để mua một gói vũ khí tối tân nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump, đẩy mạnh hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và sớm hiện thực hóa cam kết hồi tháng 1/2025 của Thái tử Mohammed bin Salman đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 4 năm tới.
Tại Qatar và UAE, Tổng thống Trump cũng ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế và quốc phòng. Theo trang Axios, Qatar đã cam kết ký các hợp đồng trị giá khoảng 300 tỷ USD để mua máy bay của tập đoàn Boeing và chi 2 tỷ USD để trang bị các máy bay do thám không người lái MQ-9 Reaper. Trong khi đó, ngoài cam kết “rót” nguồn vốn 1.400 tỷ USD trong một thập niên tới vào các dự án đầu tư ở Mỹ, UAE cũng đang tìm kiếm quyền tiếp cận công nghệ quân sự tiên tiến của Lầu Năm Góc và những đảm bảo an ninh khu vực giữa lúc Trung Đông đối mặt với vòng xoáy bất ổn mới.
Dầu mỏ cũng sẽ là một vấn đề chi phối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống Trump có lẽ sẽ tìm cách thuyết phục các đồng minh và đối tác ở Vùng Vịnh ghìm giá dầu ở mức thấp. Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, quan hệ đồng minh giữa Washington và Riyadh có phần nguội lạnh và Saudi Arabia đã không mấy mặn mà với việc sử dụng các chính sách dầu mỏ để hỗ trợ Mỹ. Do đó, một số nhà phân tích cho rằng quyết định của ông Trump chọn Saudi Arabia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du lần này, cùng với một lịch trình làm việc dày đặc với giới lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp tại đây, cho thấy chủ trương của Mỹ “hâm nóng” lại quan hệ với đồng minh quan trọng của mình ở Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chuyến công du của Tổng thống Trump chắc chắn không chỉ tập trung vào ngoại giao kinh tế, mà còn chú trọng những vấn đề an ninh chiến lược tại một khu vực vốn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington xuyên suốt nhiều chính quyền Mỹ. Vấn đề hạt nhân Iran đang chứng kiến những thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ và khiến một số đối tác của Washington tại khu vực bất an. Không giống như năm 2015 khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), các nước Vùng Vịnh hiện khá bối rối và lo lắng trước chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump nhằm giải quyết cuộc tranh cãi xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran.
Nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Trung Đông đúng thời điểm bản đồ địa chính trị khu vực đang chuyển biến nhanh chóng với sự thay đổi chính quyền tại Syria, cuộc chiến dai dẳng ở Gaza và sự suy yếu phần nào của các lực lượng thân Iran. Nhiều nước Vùng Vịnh thận trọng ủng hộ các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, một phần vì lo ngại sẽ bị cuốn vào một cuộc xung đột tiềm tàng nếu đàm phán đổ vỡ, một phần xuất phát từ sự thiếu nhất quán trong chính sách của Washington.
Phát biểu tại một hội thảo do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) mới đây, Phó Chủ tịch cấp cao CSIS Jon B. Alterman cho rằng chính quyền Mỹ đã đưa ra nhiều cam kết giải quyết tình trạng bất ổn kéo dài ở Yemen, Lybia, Gaza, khủng hoảng hạt nhân Iran hay căng thẳng ở Biển Đỏ do hoạt động của lực lượng Houthi, song chưa có hành động chính sách cụ thể nào nhằm hiện thực hóa các tuyên bố của mình. Trong bối cảnh ấy, các nhà lãnh đạo khu vực chắc hẳn đang mong chờ những cam kết an ninh và chiến lược chắc chắn hơn từ phía Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Trump.
Một vấn đề nữa khiến chuyến thăm của Tổng thống Trump được dư luận quan tâm đặc biệt đó là việc ông không có lịch trình tới Israel, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông. Động thái này cho thấy ông Trump có lẽ sẽ không còn coi giải quyết cuộc xung đột ở Dải Gaza nói riêng và tiến trình hòa bình Trung Đông nói chung là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của mình.
Ông Daniel Byman, Giám đốc Chương trình Khủng bố, các mối đe dọa bất thường và chiến tranh thuộc CSIS, nhận định chính quyền Tổng thống Trump không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào sẽ gây áp lực đối với Israel liên quan tới vấn đề Gaza, bất chấp những hậu quả khủng khiếp mà người dân tại vùng lãnh thổ này đang phải hứng chịu.
Về tổng thể, có sự dịch chuyển chính sách khá rõ ràng trong hai chuyến công du của Tổng thống Trump tới Trung Đông trong nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ hiện nay. Nếu như năm 2017, nhà lãnh đạo Mỹ tới khu vực với cách tiếp cận ngoại giao truyền thống, thì chuyến thăm lần này mang nhiều trọng tâm thúc đẩy ngoại giao kinh tế hơn. Dù vậy, điểm chung trong thông điệp chính sách của cả hai chuyến thăm là ông Trump chủ trương nhấn mạnh vào cam kết hợp tác dựa trên lợi ích với các đối tác và đồng minh của Mỹ tại khu vực này.
Việc nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Trung Đông trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử cho thấy khu vực này tiếp tục đóng vai trò quan trọng các chiến lược đối ngoại của Washington. Chuyến thăm là bước tái định hình lợi ích chiến lược của Mỹ tại một trong những khu vực đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.