Theo kênh CNBC, thông báo trên Twitter của Tổng thống Trump về việc sẽ áp mức thuế 10% từ ngày 1/9 đã khiến các thị trường bấn loạn. Động thái của ông Trump có nghĩa là mọi hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị chịu một mức thuế quan cao hơn trước đây.
Việc Tổng thống Trump quyết định áp đặt thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa 300 tỷ USD còn lại nhập từ Trung Quốc chứng tỏ ông không hài lòng với kết quả vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ 12 vừa kết thúc tại Bắc Kinh. Trước đó, Mỹ đã áp thuế trừng phạt 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD nhập từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù giá trị của động thái mới nhất về mặt kỹ thuật chỉ là 30 tỷ USD, tương đương 0,14 điểm phần trăm GDP, nhưng lại gây tổn hại về mặt tâm lý không đúng thời điểm.
Ông Bill Adams, nhà kinh tế cấp cao tại công ty PNC, nhận định: “Tác động trực tiếp của mức thuế này không đáng kể. Ảnh hưởng lớn hơn sẽ là niềm tin và chi phí đầu tư”.
Trong thực tế, các khảo sát kinh doanh đều cho thấy doanh nghiệp Mỹ lo lắng về thương mại.
Các chiến lược gia của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng mức thuế mới nhất này nếu được áp dụng sẽ làm chậm quá trình toàn cầu hóa, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm và có thể khiến Mỹ suy thoái trong ba quý tới.
Chiến lược gia Michael Zezas thuộc Morgan Stanley viết trong một lưu ý gửi các nhà đầu tư: “Một lý do quan trọng: khoảng 68% các hàng hóa tiếp theo bị áp thuế cao sẽ là hàng tiêu dùng và ô tô/phụ tùng ô tô, có thể gây tác động ngay tới nền kinh tế”.
Báo cáo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tuần trước của Mỹ cũng đã thể hiện điều này. Mặc dù kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong Quý 2 nhưng các con số bên trong lại cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của cuộc chiến thuế quan.
Xuất khẩu giảm 5,2% trong quý đo và đầu tư của các hãng, một thước đo quan trọng cho chi tiêu doanh nghiệp, giảm 0,6% xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016.
Việc Tổng thống Trump tuyên bố leo thang cuộc chiến thương mại ngày 1/8 cho thấy vấn đề thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ khó có thể sớm được giải quyết.
Ông Bill Adams nói: “Thuế quan đang ảnh hưởng tới một phần kinh tế Mỹ mà phần này lại hội nhập sâu sắc nhất với thương mại thế giới. Đợt tăng thuế mới nhất khiến rào cản thương mại trở thành hiện trạng mới”.
Về các ảnh hưởng cụ thể hơn, ông Adams cho rằng mức thuế quan cao sẽ làm tăng lạm phát và giảm thu nhập sau thuế. Thu nhập sau thuế chỉ tăng 2,5% trong Quý 2, mức tăng thấp nhất trong gần 2 năm.
Chuyên gia này cũng dự báo cuộc chiến thuế quan sẽ tác động tới tiêu dùng.
Lạm phát có thể tác động tới các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày dép, đồ chơi và sẽ tác động tới tín dụng của các công ty làm ăn trong những lĩnh vực này. Các lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng khi chiến tranh thương mại leo thang gồm dầu thô, thiết bị vận tải, chất bán dẫn…
Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ bằng nhiều hình thức, như tăng thuế với hàng hóa Mỹ và gây áp lực cho các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc.
Bà Elena Duggar, Phó giám đốc quản lý tại Moody’s, nói trong một tuyên bố: “Leo thang căng thẳng thương mại sẽ gây áp lực với kinh tế toàn cầu và chuỗi cũng trong một môi trường vốn đã giảm tăng trưởng ở Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc. Bất ổn sẽ làm giảm đầu tư kinh doanh và dòng chảy thương mại”.
Thông báo tăng thuế của Tổng thống được đưa ra một ngày sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đáp ứng kỳ vọng thị trường và kỳ vọng của Tổng thống Trump khi giảm lãi suất 0,25%.