Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu trước Quốc hội Anh tháng trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey cho biết BoE nhận định Brexit sẽ khiến năng suất giảm trong dài hạn ở mức hơn 3% và trên thực tế sự suy giảm này đã xảy ra.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính của Anh, ước tính kinh tế nước này sẽ giảm 4% so với trước đây, tương đương 100 tỷ bảng/năm, khiến tài chính công trở nên kém bền vững.
Cựu Thống đốc BoE Mark Carney cho biết năm 2016, quy mô kinh tế Anh bằng 90% kinh tế Đức và giờ đây tỷ lệ này chỉ ở mức hơn 70%.
Mặc dù chỉ ra rằng mức giảm 20% này là do cả các diễn biến trên thị trường tiền tệ chứ không phải tác động của Brexit, nhưng Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học King's College London, Jonathan Portes, thừa nhận những tác động tiêu cực của Brexit có thể thấy cả trong số liệu kinh tế Anh cũng như những nghiên cứu chuyên sâu.
Trước đại dịch COVID-19, kinh tế Anh đã hoạt động kém hơn so với các nước khác thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và cho đến nay là nền kinh tế duy nhất trong nhóm chưa phục hồi trở lại mức tăng trưởng của cuối năm 2019. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Anh trong 2 năm tới sẽ phát triển kém hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến khác trừ Nga.
Các chuyên gia nhận định Brexit đã gây ra 2 tác động đối với sự thịnh vượng của Anh. Thứ nhất là đồng bảng Anh mất giá hơn 10% sau cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 và duy trì ở mức này cho đến nay. Sự sụt giảm này khiến giá nhập khẩu, chi phí kinh doanh và lạm phát tăng. Tổ chức Resolution Foundation ước tính đồng bảng mất giá làm tăng giá nhập khẩu và lạm phát, dẫn đến lương thực tế giảm 2,9%, khiến các hộ gia đình mất 870 bảng/năm.
Thứ hai là tác động đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, vốn đã không tăng theo giá trị thực kể từ sau năm 2016 trước khi giảm trong đại dịch. Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Panmure Gordon (Anh), ông Simon French cho rằng Brexit khiến chi phí vốn của các công ty Anh tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại triển vọng kinh doanh sụt giảm. Ông nhấn mạnh so với xu hướng đầu tư kinh doanh ở EU và Mỹ, mức đầu tư tại Anh thấp hơn khoảng 6 tỷ bảng/năm.
Theo kết quả các nghiên cứu mới nhất về định lượng tác động thương mại của thỏa thuận hợp tác và thương mại (TCA) giữa Anh và EU, có hiệu lực vào đầu năm 2021, thương mại giữa hai bên giảm mạnh. Phó Giáo sư Thomas Sampson tại Trường Kinh tế London cho biết có bằng chứng chắc chắn rằng TCA khiến thương mại giữa Anh và EU giảm khoảng 15% cho đến nay.
Một số chuyên gia cũng cho rằng có sự sụt giảm rõ rệt về thương mại của Anh trùng với thời điểm Brexit. Theo Giáo sư Martina Lawless tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Ireland, Brexit có tác động "tiêu cực đáng kể" đối với Anh và thương mại của Anh lẽ ra đã tăng trưởng nếu không có thỏa thuận Brexit có hiệu lực vào tháng 1/2021.
Giáo sư kinh tế Jun Du tại Trường Kinh doanh Aston cho biết nghiên cứu của bà cho thấy xuất khẩu của Anh sang EU hiện thấp hơn 26% so với trước đây khi không có các rào cản thương mại mới. Phó Giáo sư Sampson nhận định Brexit đã khiến các hộ gia đình Anh chật vật do chi phí sinh hoạt tăng trong khi gây khó khăn hơn cho các công ty Anh với các rào cản thương mại gia tăng. Điều này khiến Anh “đang nghèo đi”.
Trong một diễn biến liên quan, kết quả nghiên cứu của Trường Kinh tế London (LSE) công bố ngày 1/12 cho thấy Brexit đã làm tăng chi phí mua thực phẩm của người tiêu dùng Anh thêm 6 tỷ bảng (khoảng 7,2 tỷ USD). Theo đó, Brexit đã làm tăng hóa đơn mua thực phẩm của hộ gia đình thêm trung bình 210 bảng trong 2 năm tính đến cuối năm 2021. Giá thực phẩm tăng cao do trả thêm chi phí kiểm tra và đáp ứng các yêu cầu đối với hàng nhập khẩu EU.
Richard Davies, Giáo sư Đại học Bristol và là đồng tác giả của nghiên cứu trên lưu ý rằng tỷ lệ lạm phát ở Anh đã tăng trên 11% trong năm 2022, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao như vậy là việc gia tăng các hàng rào phi thuế quan trong thương mại với EU.