Theo trang Euronews, nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội, hai năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về tác động của kết quả bầu cử này đối với sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, vấn đề an ninh châu Âu và các mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Rủi ro đối với khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự từ tháng 2 cho đến nay, phần lớn các khoản hỗ trợ tài chính của các đồng minh phương Tây dành cho Ukraine đều do Washington gánh vác. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tổng giá trị các cam kết của Mỹ đã lên tới 52 tỷ USD. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại sự ủng hộ có thể suy yếu - không chỉ đối với Ukraine mà rộng lớn hơn là đối với an ninh châu Âu, đặc biệt nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết: “Tôi nghĩ trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sẽ chẳng ai viết séc trắng cho Ukraine”.
Hồi tháng 5, 57 hạ nghị sĩ và 11 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối gói viện trợ khổng lồ trị giá 40 tỉ USD cho Ukraine.
Cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos hồi tháng 10 cho biết gần 3/4 người Mỹ ủng hộ Washington nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Cuộc khảo sát của Hội đồng Chicago vào tháng 8 cho thấy chỉ còn 58% người Mỹ được hỏi ủng hộ hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn có thể”. Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 9 cho biết đa số thành viên của đảng Cộng hòa nói rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine.
Nhà khoa học chính trị Mỹ, Giáo sư David Schultz bày tỏ lo ngại chính sách của Mỹ có thể thay đổi nếu quyền kiểm soát của Quốc hội chuyển sang cánh hữu.
“Hạ viện với nhiều người ủng hộ ông Donald Trump có thể đi theo sự dẫn dắt của cựu tổng thống và có ít người đồng tình về việc hỗ trợ cho châu Âu hoặc Ukraine. Tổng thống Joe Biden có thể khó đạt được thêm các khoản viện trợ cho Ukraine hoặc vận động Quốc hội ủng hộ thêm, nếu chiến sự leo thang”, Giáo sư Schultz lập luận.
Tuy nhiên, ông Max Bergmann - Giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington - cho rằng việc viện trong tương lai có thể cần hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trao đổi, thay vì xóa bỏ hoàn toàn viện trợ.
“Tôi nghĩ về tổng thể điều này cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của hai đảng, và nếu Ukraine nói rằng họ cần thêm 10 tỉ USD để duy trì điều này, tôi nghĩ Mỹ sẽ có thể hỗ trợ được, dù là từ Quốc hội hay bằng cách phân bổ lại kinh phí trong Lầu Năm Góc”, ông Bergmann nói với tờ Politico.
Thương mại và cạnh tranh
Quan hệ giữa Washington và Brussels chắc chắn đã tan băng dưới thời Tổng thống Joe Biden so với thời của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng vẫn tiềm ẩn những căng thẳng.
Các thành viên EU đã bày tỏ thất vọng rằng ở một số khía cạnh, Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự “nước Mỹ trên hết”.
Các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát và thúc đẩy năng lượng sạch – bao gồm ưu đãi đối với xe điện do Mỹ sản xuất không được áp dụng cho các nhà sản xuất châu Âu – đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở châu Âu. Đặc biệt, Pháp đã phàn nàn về việc cạnh tranh không lành mạnh này. Hơn nữa, sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Trung Quốc vào tuần trước, căng thẳng xuyên Đại Tây Dương như được mồi thêm lửa.
Sau chuyến công du kéo dài một tuần tới các thủ đô lớn của châu Âu, hôm 7/11, ông Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết: “Tôi cảm nhận mối lo ngại lớn về Mỹ, đặc biệt là nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Người châu Âu cảm thấy không thoải mái về định hướng thương mại và chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ”.
Ông cho rằng thay vì hợp tác, để đạt được hiệu quả hơn với Trung Quốc, thì các chính sách của Mỹ lại đi ngược với các công ty châu Âu và châu Á. Ông kêu gọi Washington và các đồng minh hợp tác để đối mặt với những thách thức toàn cầu.
Bật đèn xanh cho cánh hữu châu Âu?
Ngoài thành quả giữa nhiệm kỳ của đảng Cộng hòa, khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái tranh cử được cho là động lực mới để truyền cảm hứng cho những người ủng hộ ông trên toàn thế giới, trong đó có châu Âu.
Ông Trump đã tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ với các nhà lãnh đạo cánh hữu ở nước ngoài trong nỗ lực quảng bá hình ảnh của mình.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi tháng 8 đã được mời đến dinh thự của ông Trump ở New Jersey. Phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Texas, ông đã kêu gọi những người bảo thủ ở Mỹ và châu Âu giành lại quyền lực từ những người theo chủ nghĩa tự do.
Trong khi đó, bà Marine Le Pen của Pháp năm 2017 từng coi ông Donald Trump là “ngọn đèn dẫn đường chính trị”, nhưng tháng 2 năm ngoái, bà nói rằng ông Trump không còn đại diện cho một lực lượng chính trị tích cực. Bà đã lên án cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.
Giáo sư Scott Lucas tại Đại học Birmingham và Đại học Dublin của Anh bày tỏ lo ngại rằng, nếu đảng Cộng hòa thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ, điều này có thể thúc đẩy cánh hữu ở châu Âu gia tăng.