Ấn Độ đã đi vào lịch sử khi là quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ hạ cánh lên cực Nam của Mặt Trăng - nơi vẫn là khu vực chưa được khám phá, giúp hỗ trợ hiểu biết về bầu khí quyển của Mặt Trăng và mở đường cho các chương trình thám hiểm không gian trong tương lai. Sự kiện tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đáp xuống Mặt Trăng ngày 23/8 cũng đưa Ấn Độ trở thành nước thứ tư thành công trong sứ mệnh chinh phục "vệ tinh tự nhiên của Trái Đất", sau Mỹ, Liên Xô trước đây và Trung Quốc. Thành công này đã giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh ngày càng tăng trong lĩnh vực không gian và công nghệ. Chưa đầy 2 tuần sau, Ấn Độ đã phóng tàu vũ trụ đầu tiên chuyên nghiên cứu Mặt Trời.
Trong tháng 8, Nga cũng phóng tàu vũ trụ Luna-25, sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của nước này kể từ khi tàu Luna-24 của Liên Xô đem các mẫu thí nghiệm trở về Trái Đất vào năm 1976. Tuy nhiên, kế hoạch diễn ra không suôn sẻ như kỳ vọng khi tàu vũ trụ này gặp sự cố khi cố gắng hạ cánh trên Mặt Trăng.
Mỹ vẫn đẩy nhanh chương trình Artemis với mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng, dự kiến thực hiện sứ mệnh Artemis II vào cuối năm 2024. Đây là bước tiến quan trọng trong kế hoạch của NASA nhằm chuẩn bị cho các chuyến bay thám hiểm sao Hỏa trong thập niên tiếp theo. Có thể thấy sự quyết tâm của Mỹ muốn dẫn đầu cuộc đua mới vào vũ trụ trong bối cảnh ngày càng nhiều nước xúc tiến kế hoạch thám hiểm ngoài Trái Đất.
Trung Quốc đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm đưa người lên Mặt Trăng trước năm 2030. Đến nay, Trung Quốc đã khởi động việc phát triển và sản xuất tên lửa đẩy, tàu vũ trụ có người lái, các module hạ cánh, xe tự hành Mặt Trăng thế hệ mới có thể chở phi hành đoàn cùng nhiều kế hoạch tham vọng khác. Sứ mệnh của tàu thăm dò Hằng Nga-6 dự kiến được thực hiện vào năm 2024 với nhiệm vụ chính là lấy mẫu ở vùng tối của Mặt Trăng và mang các mẫu vật này trở về Trái Đất. Đây dự kiến cũng là lần đầu tiên con người thu thập mẫu đất tại vùng tối Mặt Trăng
Hiện những “cường quốc không gian” khác như Anh, Đức, Italy, Pháp, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Israel cũng lên kế hoạch thám hiểm không gian và Mặt Trăng trong tương lai gần. Trung tâm cuộc đua không gian mới không chỉ ở chính phủ các nước mà còn có sự tham gia của các công ty tư nhân. SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk, Blue Origin của doanh nhân Jeff Bezos và Virgin Galactic của tỷ phú Anh Richard Branson là 3 công ty tiêu biểu nhất đạt thành tựu với tham vọng đưa con người vào vũ trụ.
Hoạt động khám phá không gian đem lại nhiều lợi ích và cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của nhiều công nghệ vào đời sống hằng ngày như hệ thống liên lạc vệ tinh, pin Mặt Trời…, từ đó góp phần tạo thêm việc làm, tăng hiệu suất làm việc và phát triển nhiều lĩnh vực mới. Việc làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ sẽ mang lại những hiểu biết có giá trị về nguồn gốc của vũ trụ, tiềm năng của sự sống ngoài Trái Đất và sự phát triển của các công nghệ tiên tiến. Đối với lĩnh vực y khoa, thông qua nghiên cứu được thực hiện trong không gian, các nhà khoa học có thể phát triển những công nghệ và phương pháp điều trị mới cho nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, như bệnh loãng xương, ung thư, tiểu đường.|
Bên cạnh đó, lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ cũng giúp phát triển những vật liệu mới chắc, bền hơn và nhẹ hơn, hay những nguồn năng lượng mới. Chẳng hạn, heli 3 có trong nước đá ở cực Nam của Mặt Trăng. Các nhà khoa học Trung Quốc tính ra rằng có đủ heli 3 để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Trái Đất trong 10.000 năm. Đây là năng lượng sạch bởi heli 3, không giống như heli 4, có thể tạo ra năng lượng hạt nhân không có bức xạ.
Tuy nhiên, sức nóng từ cuộc đua chinh phục vũ trụ cũng gây hệ lụy không nhỏ đối với hành tinh trong bối cảnh số lượng vệ tinh được phóng tăng lên đáng kể mỗi năm. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực trước đây vốn chỉ do chính phủ thực hiện, có thể làm phức tạp thêm tình hình. Theo Chủ tịch công ty bảo hiểm LIoyd’s of London, ông Bruce Carnegie-Brown, hiện khoảng 900 vệ tinh ở quỹ đạo thấp quanh Trái Đất, tăng gấp đôi chỉ trong 2 năm qua. Do đó, rủi ro đang gia tăng, như nguy cơ các vụ va chạm cũng như các mảnh vỡ bắn ra, đe dọa đến Trái Đất. Tiếp đó, rác vũ trụ, bao gồm các vệ tinh không còn hoạt động, các bộ phận của tàu vũ trụ và rác do các vụ va chạm, đang trở thành yếu tố rủi ro chính trong du hành vũ trụ.
Đặc biệt, việc các quốc gia và các tổ chức tư nhân cạnh tranh để tiếp cận tài nguyên có giá trị trên Mặt Trăng, Sao Hỏa và các tiểu hành tinh có nguy cơ dẫn đến căng thẳng nảy sinh. Quân sự hóa vũ trang, thông qua việc phát triển vũ khí chống vệ tinh và các công nghệ quân sự khác, làm dấy lên mối lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh không gian. Vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong liên lạc, dẫn đường và thu thập thông tin tình báo. Việc thống trị thông tin có ý nghĩa sống còn khi xảy ra xung đột. Do đó, vệ tinh trở thành mục tiêu tiềm tàng để phá hủy hoặc đánh chặn trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Bất chấp sự phản đối rộng khắp đối với phát triển vũ khí không gian, nhiều cường quốc vẫn thử nghiệm và triển khai năng lực này những năm gần đây. Không chỉ phát triển vũ khí tiên tiến để bắn hạ các mục tiêu trong không gian và Trái Đất, một số cường quốc đã thành lập đơn vị quân đội chuyên trách những hoạt động trong vũ trụ.
Trong khi đó, luật pháp hiện hành về kiểm soát không gian đã lỗi thời và không có sự ràng buộc nào đối với việc phát triển các loại vũ khí thông thường trên quỹ đạo. Luật chính quản lý các tài sản chung trong không gian hiện là Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967. Hiệp ước này cấm triển khai vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự trong không gian, song không đặt ra giới hạn đối với vũ khí thông thường. Năm 2008, Nga và Trung Quốc đề xuất dự thảo hiệp ước nhằm ngăn chặn việc triển khai tất cả các loại vũ khí hoặc có hành động gây tổn hại đến các vệ tinh, nhưng vấp phải sự phản đối của Mỹ. Năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra dự thảo bộ quy tắc ứng xử ngoài vũ trụ, trong đó hối thúc các bên không có hành động làm tổn hại tới vệ tinh hay di chuyển gây va chạm, nhưng dự thảo đó cũng chỉ “nằm trên giấy” kể từ năm 2014.
Nhằm đảm bảo an ninh và ngăn nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian, Đại hội đồng Liên hợp quốc đầu tháng 12 vừa qua đã thông qua dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất về việc không triển khai vũ khí trong vũ trụ. Nghị quyết “Không triển khai vũ khí đầu tiên trong vũ trụ” với các đồng bảo trợ là Belarus, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và Ai Cập, kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước có năng lực về vũ trụ, cân nhắc cam kết không trở thành quốc gia đầu tiên triển khai vũ khí trong vũ trụ. Việc nghị quyết được đa số các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ đàm phán một đạo luật quốc tế về kiểm soát vũ khí trong không gian, cũng như phản đối mạnh việc triển khai vũ khí không gian.
Như nhận định của một số chuyên gia, năm 2023 là “bệ phóng” để con người chinh phục không gian, hứa hẹn đem lại những lợi ích kinh tế, thương mại, y học và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cuộc đua vũ trụ cũng khiến địa chính trị của không gian bên ngoài ngày càng “nóng” hơn và phức tạp hơn. Hậu quả khôn lường sẽ xảy ra nếu các quốc gia và thực thể tư nhân vượt qua “lằn ranh đỏ” về thăm dò và thương mại hóa. Tuy giới phân tích đánh giá hiện chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh không gian, song điều quan trọng là chính phủ các nước phải hợp tác chặt chẽ để thiết lập những chuẩn mực quốc tế, khuôn khổ pháp lý và thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo không gian vẫn là một miền hòa bình và bền vững, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại.