Sự thật vấn đề năng lượng ẩn sau giàn khoan 981-Kỳ cuối: Làm nhụt ý chí các đối thủ

Giàn khoan Hải Dương 981 có lẽ không được ấn tượng như quảng cáo. Nó khó có khả năng hoạt động trong mùa mưa bão từ tháng 7 đến tháng 9 như ý định ban đầu. Đây là dự định khiến người ta nghi ngờ về tuyên bố của Bắc Kinh là sẽ duy trì giàn khoan này ngoài khơi bờ biển Việt Nam đến tháng 8.

Khi một trong số các khả năng tăng lên cùng với những lợi ích của CNOOC và tầm quan trọng chính trị của Biển Đông đối với Bắc Kinh, mục tiêu của Trung Quốc là đảm bảo rằng bất kỳ một hoạt động kinh tế nào trong khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều phải theo ý của Bắc Kinh. Nhân tố kinh tế được đề cập ở trên được củng cố bởi những quan ngại về vấn đề chính trị và an ninh.

Năm 2012, lần đầu tiên CNOOC mời thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Đây là các lô mà Việt Nam đã cấp phép cho các công ty dầu khí nước ngoài, họ là các đối tác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Rõ ràng, đó là một động cơ chính trị vì Trung Quốc đã mời thầu trong một phạm vi lớn, bao gồm các lô ở biển Hoàng Hải, Hoa Đông, Vùng châu thổ sông Châu Giang và Biển Đông.

Tàu Trung Quốc áp sát sẵn sàng đâm va, uy hiếp, ngăn cản tàu Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Bằng việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đang khiến căng thẳng leo thang tại các vùng biển gần với các khu vực mà các công ty dầu khí quốc tế hiện đang khai thác. Việt Nam vẫn chưa có đủ công nghệ khoan nước sâu tiên tiến và phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này.

Cũng bằng cách gia tăng rủi ro chính trị đối với các công ty nước ngoài đang hoạt động ở ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, Bắc Kinh có thể ngăn cản các hoạt động khai thác của Việt Nam đồng thời tăng cường khả năng đơn phương khai thác trong khu vực “đường 9 đoạn” vô lý mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như vẫn chưa chuẩn bị cho việc tìm cách đuổi các công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam, mặc dù trong quá khứ Bắc Kinh đã gây áp lực lên các đối tác chính của Việt Nam để họ không ký các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam. Tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil của Mỹ hiện đang đang khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh tại các lô 117, 118 và 119, các lô này ở phía tây khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.

Quyết tâm của Trung Quốc nhằm đơn phương khai thác ở Biển Đông được minh chứng rõ ràng hơn thông qua hành động của nước này đối với Philippines. Năm 2011, Manila mời thầu lô SC 72, gần bãi Cỏ Rong, tuy nhiên, Trung Quốc đã cảnh báo các công ty dầu khí nước ngoài không được tham gia đấu thầu. Các tàu của phía Trung Quốc đã ngăn cản nỗ lực của công ty Forum Energy khai thác ở khu vực này. Sau đó, các cuộc thảo luận giữa các đối tác của Forum Energy và CNOOC được tổ chức nhằm đưa ra một giải pháp khả thi. Tháng 3/2014, truyền thông Philippines thông báo cuộc đàm phán đã bị đình trệ.

Giờ đây, Trung Quốc lại tiếp tục thể hiện sự gây hấn của mình ở Biển Đông với Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và CNOOC đã ký một biên bản ghi nhớ về vấn đề khai thác và sản xuất tại các khu vực tranh chấp năm 2006, và khu vực nằm trong thỏa thuận đã được mở rộng vào mùa hè năm 2013. Có lẽ theo quan điểm của Bắc Kinh thì thỏa thuận ở Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết theo hướng có lợi, không giống như ở Biển Đông.

Những hạn chế đối với tham vọng của Trung Quốc

Tuy nhiên, có một số hạn chế cụ thể đối với tham vọng của Trung Quốc. Mặc dù khả năng ngày càng tăng lên, nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những hạn chế lớn về khả năng thương mại trong vấn đề khai thác nguồn tài nguyên khí đốt. Hiện tại, dù giàn khoan Hải Dương có phát hiện được nguồn dầu khí, thì tính khả thi về thương mại đối với phát hiện đó còn phụ thuộc vào việc đưa nguồn khí đó ra thị trường.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: TTXVN


Chi phí này sẽ tăng lên rất nhiều do những thách thức về khoảng cách và công nghệ, cùng với việc triển khai các đường ống dẫn dưới biển sâu. Mạng lưới đường ống dẫn khí gần nhất của Trung Quốc là trên đảo Hải Nam và độ sâu sẽ khiến cho việc lắp đặt mạng lưới này rất tốn kém trong khi thị trường tiêu thụ phù hợp nhất lại là Việt Nam. Những điều kiện này cho thấy rằng ý định của Trung Quốc, bên cạnh việc khẳng định quyền tài phán tại các vùng biển yêu sách, là nhằm thực hiện đề xuất “khai thác chung” mà nước này đang có ý định theo đuổi.

Ngoài ra, giàn khoan Hải Dương 981 có lẽ không được ấn tượng như quảng cáo ban đầu. Như đã đề cập ở trên, năm 2013, giàn khoan này đã phải sửa chữa đáng kể. Kết quả là, nó có lẽ không có khả năng hoạt động trong mùa mưa bão từ tháng 7 đến tháng 9 như ý định ban đầu. Đây là dự định khiến người ta nghi ngờ về tuyên bố của Bắc Kinh là sẽ duy trì giàn khoan này ngoài khơi bờ biển Việt Nam đến tháng 8.

Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc sẽ chấp nhận đối mặt với những thách thức này. Ví dụ, dựa vào sự do dự của các đối tác nước ngoài quan trọng trong việc khai thác tại các khu vực tranh chấp, Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị cho việc đơn phương khai thác. Cho dù công suất giàn khoan trong nước của Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu, Bắc Kinh vẫn yêu cầu hoạt động khai thác của các công ty nước ngoài phải sử dụng các giàn khoan đăng ký tại Trung Quốc.

Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất chi phí khá lớn nếu hợp tác với công ty của Trung Quốc, do phải đóng 6% thuế nhập khẩu và 17% thuế giá trị gia tăng do sử dụng giàn khoan nửa chìm không được đăng ký ở Trung Quốc. Dù điều này sẽ làm giảm đáng kể năng suất khai thác và giảm lợi nhuận thương mại đối với những mỏ dầu khí được phát hiện, nhưng nó lại có lợi cho Trung Quốc khi nước này chuẩn bị cho việc kiểm soát hoạt động khai thác xa bờ ở các vùng biển có yêu sách chủ quyền.

Rõ ràng là dù cho tồn tại những hạn chế đã đề cập ở trên và những chi phí khổng lồ mà CNOOC gặp phải, Bắc Kinh đã chuẩn bị đối mặt khó khăn để khai thác tài nguyên tại các vùng biển có yêu sách vì cả mục tiêu chính trị và kinh tế.

Có thể kết luận rằng, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, với thể hiện ngang ngược mới nhất là hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây quan ngại lớn đối với khu vực và thế giới. Nhưng có lẽ đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh, cái giá phải trả cho những chỉ trích của cộng đồng quốc tế thấp hơn so với nhu cầu thúc đẩy và phát triển năng lực trên biển, thấp hơn nhu cầu khai thác tài nguyên tại Biển Đông.


Vũ Thanh
(Theo J.F)
Việt Nam-Nga ký thỏa thuận thăm dò dầu mỏ
Việt Nam-Nga ký thỏa thuận thăm dò dầu mỏ

Tổng giám đốc công ty dầu mỏ Zarubezhneft Alexander Kudasov và Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) Đỗ Văn Hậu đã ký Bản ghi nhớ về khả năng hợp tác tiến hành nghiên cứu địa chất chung các lô 125 và 126 thuộc Bể Phú Khánh, trên thềm lục địa Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN